
Chiều 19/5, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ Chỉ thị số 13/CT-TTg và Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới.
Trọng tâm của kế hoạch là bám sát diễn biến thị trường, chủ động rà soát các mặt hàng có nguy cơ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón...
Đặc biệt, các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội sẽ bị kiểm tra, xử lý nghiêm minh.
Thủ tướng ký Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả,...
Một trong những nội dung quan trọng là rà soát và phân định rõ trách nhiệm, địa bàn, lĩnh vực giữa các lực lượng chức năng để tránh chồng chéo, bỏ sót trong thực thi nhiệm vụ.
Bộ Công thương cũng đã giao nhiệm vụ nghiên cứu sửa đổi quy định liên quan đến chức năng, thẩm quyền xử phạt, đề xuất để báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2025.
Trước tình trạng thực phẩm giả, sữa giả, thuốc chữa bệnh giả hoành hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung nhận diện các tổ chức, cá nhân nghi vấn có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi liên quan.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, cơ quan giám định để tổ chức hoạt động điều tra, xử lý triệt để các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trong cao điểm, không để kéo dài.
Quá trình đấu tranh cần chú ý làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, cấp phép, kiểm định, kiểm soát xuất nhập khẩu, lưu thông... đối với nguyên liệu sản xuất, hàng hóa, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Từ kết quả công tác nắm tình hình, đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc cần đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý của các bộ chức năng mà các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương giải pháp khắc phục; khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, xử lý hình sự để hoàn thiện pháp luật hình sự, nhất là Bộ luật Hình sự sửa đổi.