Như vậy, sau 4 năm ban hành Thông tư số 07/2012 về kiểm tra chuyên ngành và dán nhãn năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa chính thức tuyên bố sẽ thực hiện lộ trình nhanh nhất để bỏ quy định doanh nghiệp phải có giấy này mới được làm thủ tục thông quan.
Kể từ khi ban hành thông tư số 07/2012 hàng ngàn sản phẩm nhập khẩu mỗi năm buộc phải có giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng tối thiểu mới được thông quan. Mỗi khi doanh nghiệp nhập khẩu một lô hàng về là phải tiến hành thủ tục khai báo hải quan: thủ tục thử nghiệm tại các tổ chức đánh giá do Bộ Công Thương chỉ định, kéo dài hàng tháng, tốn rất nhiều chi phí.
Vẫn còn một “giấy phép con” nữa đang chờ Bộ Công thương xử lý. Đó là thủ tục kiểm tra hóa chất đang bị cộng đồng DN phản ứng khá dữ dội.
Trong một báo cáo Chính phủ mới đây của Bộ KH-ĐT về các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã nhận định rằng, viêc dán nhãn năng lượng là không cần thiết, nhất là cấp cho từng lô hàng và việc phải qua Tổng cục Năng lượng cấp giấy là trái luật. Theo Luật Năng lượng quy định, Bộ Công Thương công nhận nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị nhập khẩu. Tuy nhiên, Thông tư 07 đã cho phép Bộ này kiểm tra lại hàng hóa nhập khẩu. Thậm chí nhiều sản phẩm của các hàng thương hiệu lớn, đã kiểm tra hiệu suất năng lượng quốc tế vẫn phải kiểm tra.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, quyết định rà soát, sửa đổi Thông tư 07 nhằm không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Ông cho rằng, mục tiêu chính của việc dán nhãn năng lượng nhập khẩu là để hạn chế các loại sản phẩm hàng hóa có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu chứ không phải dựng “hàng rào” nhập khẩu. Cơ quan chức năng sẽ không sử dụng Giấy chứng nhận dãn nhãn năng lượng để thông quan, tránh tình trạng kiểm tra lại các giấy chứng nhận năng lượng từ các sản phẩm nhập khẩu của các thương hiệu lớn từ các quốc gia có tiêu chuẩn cao hơn Việt Nam.
Việc bãi bỏ quy định về dán nhãn năng lượng tại Thông tư 07/2012 là động thái gỡ bỏ “giấy phép con” của Bộ Công thương ngay sau khi Bộ này vừa tuyên bố bãi bỏ Thông tư 37/2015 về thủ tục kiểm tra formadehyt trong vải nhập khẩu. Thông tư 37/2015 dù mới được ban hành nhưng đã gặp phản ứng rất quyết liệt từ Hiệp hội Dệt may nên Bộ Công thương đã nhanh chóng bãi bỏ.
Tuy vậy, vẫn còn một “giấy phép con” nữa đang chờ Bộ này xử lý. Đó là thủ tục kiểm tra hóa chất đang bị cộng đồng DN phản ứng khá dữ dội. Nếu bãi bỏ kịp thời thủ tục này, cộng đồng DN chắc sẽ có sự thay đổi trong nhìn nhận về Bộ Công thương, từ một bộ bị DN kêu ca nhiều về tạo rào cản bởi các “giấy phép con” đã có chuyển biến tích cực theo tinh thần các nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ.