Mặc dù đã thành lập Đoàn kiểm tra để nắm bắt tình hình thực hiện phát triển điện mặt trời trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với thời kỳ kiểm tra là từ tháng 7/2019 đến hết năm 2020, tuy nhiên, Bộ Công thương cũng chưa đưa ra thời hạn khi nào kiểm tra xong và chốt báo cáo.
Cũng để chuẩn bị cho việc kiểm tra, Bộ Công thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổng hợp các dự án điện mặt trời được hưởng giá bán theo quy định số 13/2020/QĐ-TTg để báo cáo trước ngày 12/3/2021.
EVN cũng được giao chỉ đạo các Tổng công ty điện lực, các đơn vị điện lực tỉnh, lập danh sách với các hệ thống điện mặt trời áp mái nhà có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành được áp dụng giá bán điện theo quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, xác nhận các hệ thống điện mặt trời áp mái nhà đảm bảo tuân thủ quy định về phát triển, đấu nối, công nhận ngày vận hành, ký hợp đồng mua bán điện và các quy định khác của pháp luật trong lĩnh vực điện lực, đồng thời có văn bản gửi Sở Công thương trên địa bàn trước ngày 11/3/2021 để cung cấp danh sách hệ thống điện mặt trời mái nhà được liệt kê.
Trên danh sách điện mặt trời mái nhà nêu trên và tổng hợp trên toàn quốc, EVN cũng được chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất giải pháp vận hành có hiệu quả nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế của các nhà đầu tư.
UBND các tỉnh cũng được Bộ Công thương đề nghị giao đơn vị chủ trì với các sở, ban ngành có liên quan để rà soát, đánh giá điện mặt trời mái nhà theo quy định của pháp luật hiện hành và thẩm quyền của địa phương và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 185/TTg-CN ngày 9/2/202.
Tổng hợp các hệ thống điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, bao gồm dự án điện mặt trời mặt đất nối lưới và điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên.
EVN và các địa phương cũng được yêu cầu cử người tham gia Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương để thực hiện kiểm tra về phát triển điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW, trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.
Con số thực tế điện mặt trời vào vận hành này cũng lớn gấp khoảng 20 lần so với mục tiêu được đặt ra về phát triển điện mặt trời là 800 MW vào năm 2020 tại Quy hoạch Điện VII và VIII điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện mặt trời nói chung, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12/2020, gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.
Do những yếu tố nêu trên, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư.
Tại công văn 185/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Công thương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, EVN và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung sau:
a) Thực hiện rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mái nhà hiện nay; hướng dẫn thực hiện theo đúng cơ chế, quy định đã được ban hành, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 414/TTg-CN ngày 08 tháng 4 năm 2020 và các văn bản có liên quan; nghiên cứu, xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết trong phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà thời gian qua, không để xảy ra các hậu quả xấu.
b) Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại các địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua, bảo đảm theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, nhất là các hành vi trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời áp mái thời gian qua.
c) Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý có hiệu quả tốt nhất đối với nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời trong thời gian tới, tuyệt đối không để xảy ra việc có sơ hở trong các cơ chế, chính sách ban hành; chỉ đạo xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế của nhà đầu tư và lãng phí nguồn năng lượng tái tạo của đất nước.
d) Chịu trách nhiệm rà soát tổng thể các nguồn điện hiện đang triển khai hiện nay, cập nhật cân đối cung - cầu điện giai đoạn tới để tăng cường công tác quản lý quy hoạch tốt nhất; đồng thời khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII đúng tiến độ quy định.
2. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm theo đúng quy định pháp luật được cấp có thẩm quyền ban hành và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công Thương về phát triển điện mặt trời mặt đất và trên mái nhà; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này.
b) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, EVN trong công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua; xử lý nghiêm trong phạm vi thẩm quyền các sai phạm nếu có.