Bất cập điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi chạy đua để lấy được “tấm vé” hỗ trợ giá bán điện, các nhà đầu tư điện mặt trời đang phải đối mặt với vấn đề dư cung, cắt giảm sản lượng.
Mạng lưới truyền tải điện chưa đồng bộ với công suất phát điện mặt trời. Mạng lưới truyền tải điện chưa đồng bộ với công suất phát điện mặt trời.

Cắt giảm tới 50% công suất dịp Tết

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tổng công suất phụ tải tiêu thụ điện toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa các ngày Tết Tân Sửu xuống rất thấp, chỉ còn 12.500 - 13.500 MW.

Trong khi đó, tổng công suất lắp đặt nguồn toàn hệ thống ở mức khoảng 69.000 MW, với hơn 21.600 MW năng lượng tái tạo. Riêng điện mặt trời có công suất tổng cộng hơn 16.000 MW.

Tính trung bình ngày trong kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện quốc gia chỉ khoảng 22.800 MW/ngày, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 418 triệu kWh/ngày.

Mức tiêu thụ điện trung bình ngày toàn quốc trong kỳ nghỉ Tết thấp hơn khoảng 27% về công suất và thấp hơn 32% về sản lượng so với tuần trước Tết.

EVN dự kiến, trong năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh điện mặt trời, điện mặt trời áp mái, trong đó có hơn 500 triệu KWh do vấn đề thừa nguồn vào buổi trưa, quá tải đường dây 500 KV.

EVN dự kiến, trong năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh điện mặt trời, điện mặt trời áp mái.

Thông tin này gây chú ý lớn với thị trường. Cơ chế hỗ trợ giá cố định trong 20 năm (giá FIT) với mức 8,38 US cent/kWh đã thu hút nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Sau cuộc chạy đua để hưởng cơ chế giá FIT (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ), đã có một sự bùng nổ nhà máy điện mặt trời. Cung vượt quá cầu và hệ thống đường dây truyền tải chưa được đồng bộ dẫn tới quá tải, nhiều nhà máy điện mặt trời đã phải cắt giảm công suất.

Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai (mã ASM) cho biết, Sao Mai có hai nhà máy điện mặt trời đang hoạt động, gồm nhà máy tại Long An và An Giang.

Nhà máy Long An hầu như không bị ảnh hưởng trong đợt cắt giảm sản lượng điện mặt trời vừa rồi do đường truyền và phụ tải tốt. Song nhà máy tại Tri Tôn, An Giang, do đây là khu vực sản lượng điện áp mái tăng đột biến nên đường truyền quá tải, phải cắt giảm sản lượng điện từ 10 - 30%.

Tương tự, Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội (Phú Yên), có tổng công suất 256 MWp bị cắt giảm công suất phát lên lưới theo các khung giờ. Thậm chí, có thời điểm, tỷ lệ giảm phát của nhà máy lên đến 50%.

Câu chuyện dư cung điện mặt trời được một nhà đầu tư ví von: “Các nhà đầu tư điện mặt trời chạy đua về đích để cầm chắc vé lên tàu. Ai cũng nghĩ có vé là được lên tàu nhưng không nghĩ rằng tàu chỉ đủ ghế cho 50 chỗ ngồi, mà người ta bán cho 150 khách, sẽ có khách bị rớt lại”.

Dưới góc nhìn của ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE), bất cập lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực điện mặt trời là tốc độ đầu tư phát điện nhanh, nhưng tốc độ truyền tải điện chưa song hành. Quy định về cơ chế giá hỗ trợ nhưng lại không quy định về tổng sản lượng, dẫn đến nhà máy điện mặt trời phát triển ồ ạt. Các nhà đầu tư điện mặt trời sẽ đối diện với rủi ro lớn và chịu gánh nặng về chi phí nếu điện làm ra không tiêu thụ được.

Nhà đầu tư chuyển hướng

Mới đây, EVN đã yêu cầu các công ty điện lực dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 17/2/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có văn bản chỉ đạo Bộ Công thương, các địa phương, EVN rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào, thiếu sự kiểm soát, gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này.

Trước động thái này của Chính phủ, EVN, một số nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng đã điều chỉnh về kế hoạch triển khai đầu tư dự án điện mặt trời. Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành (TTA) tiết lộ, theo định hướng, năm 2021, 2022, Công ty sẽ phát triển nhà máy điện mặt trời có công suất 400 MW, nhưng kế hoạch này sẽ phải lùi lại thêm vài năm nữa, chờ nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên. Tuy vậy, Trường Thành sẽ tiếp tục triển khai dự án nhà máy điện gió, dự kiến đưa vào vận hành trong thời gian từ 2023 - 2024.

Cần giải pháp dài hạn

Tổng công suất điện mặt trời hiện chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống, nhưng theo EVN, điện mặt trời phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày.

Cụ thể, có thời điểm xảy ra hiện tượng thừa công suất vào giờ thấp điểm trưa, từ 10h-14h (nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ) do lúc này nhu cầu tiêu thụ điện (phụ tải) xuống thấp nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày.

Vào giờ cao điểm tối (khoảng 17h30 - 18h30), thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày nhưng khả năng đáp ứng của hàng chục nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn.

Thống kê cho thấy, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỷ kWh (trong đó riêng điện mặt trời mái nhà là 1,15 tỷ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. Nguồn điện chủ yếu hiện nay vẫn từ nhiệt điện và thủy điện. Vấn đề dư cung điện tái tạo mang tính thời điểm và cục bộ ở một số khu vực tập trung như Nam Trung Bộ.

“Về dài hạn, vẫn cần có hệ thống lưu trữ điện ESS. Phải có lưới điện thông minh vừa phát triển vừa lưu trữ điện để có tính bền vững. Như tại Hawai và một số nước phát triển, có nắng lên thì lưu điện, không có nắng thì sử dụng điện lưu trữ”, Giám đốc SHE kiến nghị.

Bên cạnh đó, theo ông Tân, vẫn cần có sự phát triển đồng bộ đưa năng lượng tái tạo dần thay thế các nguồn năng lượng khác như chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, tỷ lệ đóng góp của nguồn điện năng lượng tái tạo khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050”.

Có góc nhìn tích cực rằng phát triển điện mặt trời là chiến lược lâu dài, EVN rồi sẽ có giải pháp để giải quyết câu chuyện dư cung điện mặt trời, tăng tỷ trọng đóng góp của điện năng lượng tái tạo, giảm nguồn phát điện truyền thống, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai Trương Vĩnh Thành dẫn ra con số, tại các nước phát triển, nguồn điện tái tạo đang đóng góp 30% tổng sản lượng điện, trong khi tại Việt Nam con số này mới khoảng 5%.

Theo ông Thành, Sao Mai đang chủ động phối hợp với EVN thúc đẩy tiến độ thi công đường truyền tải điện từ Tịnh Biên đến Châu Đốc, An Giang và hiện nhà thầu đang thi công, trong thời gian tới sẽ hết bị quá tải đường truyền. Công ty dự kiến, doanh thu từ điện mặt trời năm nay sẽ tăng gấp đôi với năm ngoái.

Sao Mai cũng có kế hoạch mua một số dự án điện mặt trời có triển vọng tốt để triển khai trong năm 2021, bên cạnh việc tiếp tục triển khai dự án điện mặt trời tại Đăk Nông (nhà máy công suất 875 MW) và Đăk Lắc (nhà máy công suất 450 MW). Hiện Công ty đã có sẵn quỹ đất để làm hai nhà máy này.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục