Bộ Công Thương đồng ý cho phá sản Đóng tàu Dung Quất và Ethanol Phú Thọ

Hai dự án thua lỗ nghìn tỷ đắp chiếu của PetroVietnam là Đóng tàu Dung Quất và nhiên liệu sinh học Phú Thọ được chấp thuận cho phá sản.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất là một trong hai dự án sẽ phá sản của PetroVietnam. Ảnh: PV Nhà máy đóng tàu Dung Quất là một trong hai dự án sẽ phá sản của PetroVietnam. Ảnh: PV

Trong số 12 dự án, nhà máy thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương có 5 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cần xử lý: Nhà máy Nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, Nhà máy Ethanol Bình Phước, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTex).

Sau quá trình rà soát, xem xét Bộ Công Thương đồng ý để tập đoàn này dừng và phá sản 2 công ty: Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Ethanol Phú Thọ. PetroVietnam được giao sớm có cuộc họp với cổ đông các dự án này để đưa ra lộ trình phá sản cụ thể.

Riêng việc quyết toán con tàu 104.000 tấn thuộc Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Bộ Công Thương chỉ đạo Vụ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để định giá con tàu.

Ba dự án thua lỗ hiện đang đắp chiếu còn lại, lãnh đạo Bộ Công Thương nêu quan điểm khởi động lại sản xuất. Cụ thể, với dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất sẽ được khởi động lại, sau đó thoái hoặc chuyển nhượng vốn. Đây là một trong hai dự án khiến PetroVietnam phải gánh thua lỗ lớn nhất.

Trước đó, khi quyết định đầu tư, nhà máy được kỳ vọng sẽ tạo nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu xăng, tiến tới thay thế một phần xăng, giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường...

Tuy nhiên, nhà máy này đã đóng cửa, dừng hoạt động từ tháng 4/2015 và khoảng một phần tư lượng lao động tại đây đã nghỉ việc.

Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước do liên quan tới lộ trình thay thế, sử dụng xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018, nên Bộ Công Thương yêu cầu PetroVietnam và nhà máy làm việc với đối tác nước ngoài để sớm khởi động lại dự án này.

Còn tại dự án Xơ sợi Đình Vũ (PVTex), dự án đang được cho là "không những khởi sắc mà còn sa lầy vào khó khăn hơn", Bộ Công Thương yêu cầu tập đoàn hợp tác với đối tác nước ngoài để khởi động lại dự án, sau đó thực hiện chuyển nhượng vốn.

Tại cuộc họp xử lý vướng mắc tại các sự án thua lỗ của PetroVietnam với Bộ Công Thương cách đây 2 ngày, Chủ tịch PetroVietnam - Nguyễn Vũ Trường Sơn phân trần, không phải tập đoàn không "nhúc nhích" trong xử lý các dự án thua lỗ trực thuộc.

Tuy nhiên, mọi hoạt động từ lên phương án khởi động lại, hay định giá phá sản dự án... cũng đều cần tiền. Song, theo chủ trương Nhà nước không rót thêm vốn cho số dự án này, nên tập đoàn rất khó khăn xử lý.

"Không phải tập đoàn không làm, mà làm gì cũng cần đến tiền trong khi lại không được rót thêm, nên không làm được gì cả", lãnh đạo PetroVietnam nói.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, “các dự án của PetroVietnam đều lớn, ít cũng 70 - 80 triệu USD, nhiều thì 300 - 400 triệu USD nên nhận được sự quan tâm và cần nhanh chóng có giải pháp xử lý khó khăn”.

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục