Thông tư 37 của Bộ Công Thương là một trong những văn bản được cộng đồng doanh nghiệp “phàn nàn” nhiều nhất trong những năm qua. Theo các doanh nghiệp và giới chuyên gia, theo quy định tại Thông tư 37, diện sản phẩm dệt may phải kiểm tra quá nhiều, không cần thiết, thủ tục rườm rà, thời gian làm thủ tục mất từ 7-10 ngày. Với chi phí kiểm tra một mẫu là 2,5 triệu đồng, ước tính 7 năm qua, các doanh nghiệp phải trả hàng trăm tỉ đồng chi phí cho việc kiểm tra formaldehyt, thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài.
Trong khi đó, thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy, chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định. Theo thống kê của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, từ năm 2009, mỗi năm có khoảng 8.000 lô hàng sản phẩm dệt may làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị này phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt, nhưng chỉ có 6 trường hợp (0,0125%) không đáp ứng hàm lượng quy định.
Hơn nữa, cũng chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyte cao quá mức quy định.
Ngoài ra, theo Bộ KHĐT, việc ban hành Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm là thiếu cơ sở pháp lý, không tuân thủ quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá (Khoản 2 Điều 70).
Tại các Nghị quyết 19 năm 2014, 2015 và 2016, Chính phủ đều yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi các Thông tư quy định về kiểm tra formaldehyt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thông tư 37 được đánh giá là không phù hợp với yêu cầu của Chính phủ tại các Nghị quyết 19.
Thông tư 23 về việc bãi bỏ Thông tư 37 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2016.