Bộ Công an đề xuất cấp căn cước cho người không có quốc tịch Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, liên tục tại Việt Nam từ 5 năm trở lên.
Bộ Công an đề xuất cấp căn cước cho người không có quốc tịch Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Quân). Bộ Công an đề xuất cấp căn cước cho người không có quốc tịch Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Quân).

Báo cáo Tổng kết Luật Căn cước công dân cho biết, hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề...

Nhằm đáp ứng các mục tiêu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ công dân số, phát triển kinh tế, xã hội và hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, Bộ Công an đã hoàn thành Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta.

Các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu Căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát, chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật. Đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác, nên cần được luật hóa.

Luật Căn cước công dân là văn bản quan trọng quy định về quản lý, định danh một công dân cụ thể nhưng hiện nay mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân... chưa bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của công dân trên môi trường điện tử.

Vì vậy, trên cơ sở rà soát Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân như sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin khác của công dân (ngoài thông tin về căn cước công dân) vào thẻ Căn cước công dân và thay thế việc sử dụng một số loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp chứa thông tin đã được tích hợp; bổ sung quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục để thu thập, tích hợp thông tin; bổ sung quy định về hình thức tích hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện tích hợp thông tin; bổ sung quy định về loại thông tin được tích hợp...

Thứ hai, chỉnh lý quy định về Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và bổ sung các nhóm thông tin vào trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, theo đó bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: thông tin về số chứng minh nhân dân của công dân, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách; thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 5 năm trở lên).

Thứ ba, bổ sung quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân là trẻ em dưới 14 tuổi; bổ sung quy định giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ Căn cước công dân cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác như ngày, tháng sinh, quê quán (theo 3 cấp hành chính), có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành; bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; định danh điện tử; cấp, hủy số định danh của cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan...

Đặc biệt, Bộ Công an đề xuất chỉnh lý tên gọi cơ sở dữ liệu CCCD thành cơ sở dữ liệu căn cước. Đồng thời bổ sung một số nhóm thông tin vào cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói), thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định tại Việt Nam, tài khoản định danh điện tử.

Toàn văn dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp từ 23/6 đến 23/7.

Đến ngày 20/6/2022, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu thập và đồng bộ gần 104 triệu phiếu thông tin cư dân từ các nguồn thông tin và cấp trên 65 triệu thẻ căn cước công dân cho người dân. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư với bảo đảm an toàn thông tin cấp độ 4 và sẵn sàng tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương thông qua tích hợp quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Công an đã xây dựng hệ thống Bản đồ số là "bộ não" của Trung tâm dữ liệu, thực hiện nhiệm vụ phân tích, tổng hợp, dự báo tình hình dân cư để góp phần hoạch định các chính sách kinh tế an ninh, quốc phòng theo từng giai đoạn.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục