Mở đầu cho chiến dịch tấn công dài hơi của BMW là sự kiện “Open Course” vào thứ Tư vừa qua ở Thành phố Nam Ninh - trái tim của tỉnh Quảng Tây, một nơi không được biết đến nhiều, ở phía Tây Nam Trung Quốc. Đây là hoạt động ngoài lề nhằm tạo sự tương tác giữa các chuyên gia trong ngành ô tô, những chủ sở hữu đang điều khiển chiếc xe BMW và những khách hàng tiềm năng.
Tất nhiên sẽ không có bất kỳ sự rao hàng công khai nào trong quá trình diễn ra sự kiện ngoài việc khách hàng có thể đến và kiểm tra chất lượng của những chiếc xe đang được trưng bày bất cứ thời gian nào.
Sở dĩ BMW chọn Nam Ninh là điểm tiếp theo sau những khu vực trung tâm đông đúc, vì nơi đây còn khá hoang sơ và lạ lẫm với những hoạt động giới thiệu sản phẩm mới. Với dân số hơn 6,5 triệu dân, trong đó dân số thành thị chỉ chiếm khoảng 3 triệu người, nhưng cư dân Nam Ninh có xu hướng tiêu tiền vào những sản phẩm xa xỉ. Năm 2013, hơn 2.000 chiếc BMW được “rinh về” từ đại lý BMW Nam Ninh và ước chừng con số đó có thể tăng 25% trong năm 2014.
Mặc dù nếu xét ở góc độ giàu có, Nam Ninh vẫn còn thua xa Bắc Kinh và Thượng Hải, nhưng đô thị phía Tây này đang trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn và sở hữu nguồn doanh số tốt nhất cho những ông chủ sản xuất xe hơi tìm đến.
Theo kết quả nghiên cứu của Bernstein Research năm ngoái, 8 trong số 10 thị trường xe hơi phát triển nhanh nhất Trung Quốc nằm ở những tỉnh nghèo như Quảng Tây khi sở hữu doanh số bán hàng tăng xấp xỉ 30%/năm. Con số gây ngạc nhiên này đang đánh một hồi chuông thức tỉnh các Tập đoàn xe hơi nội địa cũng như nước ngoài.
“Trung Quốc quá rộng lớn với quá nhiều sự khác biệt vùng miền nếu chỉ nhìn vào một thị trường. Để hiểu hơn, chúng ta nên tìm hiểu thông tin từng vùng từ tỉnh này qua tỉnh khác một cách cụ thể và sát sao”, chuyên gia phân tích Max Warburton ở Bernstein nói.
Quả thật, với sức tiêu thụ khổng lồ trong 5 năm từ 2008 - 2013, doanh số bán hàng của Trung Quốc tăng gấp 3 lần, lên đến 18 triệu sản phẩm, đồng thời dành ngôi vị thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất thế giới của Mỹ.
“Năm ngoái, doanh số bán hàng của chúng tôi tăng 20%. Năm nay, chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ vẫn ổn định ở mức tiêu thụ cao, nhưng biết đâu đấy sẽ lại có một bất ngờ đến với chúng tôi”, Ian Robertson, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị BMW nói.
Không chỉ BMW, nhiều tập đoàn chế tạo xe hơi nước ngoài khác cũng đang trong cuộc chạy đua vào những khu vực xa xôi mới nổi ở Trung Quốc, nhằm lôi kéo những khách hàng tiềm năng và có lượng tiền mặt lớn. Tuy nhiên, vốn được biết đến với hình ảnh sang trọng và đắt tiền, về cơ bản, BMW không muốn thay đổi giá cả cũng như chính sách bán hàng như nhiều hãng khác đang áp dụng tại đây.
Điều đó đồng nghĩa với việc người dân Nam Ninh hay những vùng xa xôi khác sẽ được đối xử và ưu đãi như những gì người thành thị Bắc Kinh đang được hưởng. Đội ngũ chuyên gia của BMW sẽ có mặt ở khắp các đại lý để giải thích về mẫu mã sản phẩm và đặc tính kỹ thuật của mỗi loại xe, nhằm tạo dựng niềm tin cho khách hàng lâu dài.
Việc xâm nhập của những hãng xe hơi nước ngoài nổi tiếng “kéo còi” báo động sự thất thế của các ông chủ ô tô nội địa khi hai tháng đầu năm 2014, doanh số bán hàng của các hãng xe Trung Quốc giảm mạnh 20%, đồng thời giảm thị phần trong nước từ 27% (năm 2013) xuống 23%.
Thực trạng này đã dẫn đến những cuộc tranh luận về cơ chế pháp luật giữa các cơ quan quản lý Trung Quốc thời gian gần đây. Trong khi Hiệp hội doanh nghiệp chế tạo xe hơi Trung Quốc cho rằng nên duy trì giới hạn tỷ lệ đầu tư 50% của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường nội địa, thì một số quan chức Trung ương đề xuất phương án nâng mức trần đó lên.
“Chúng ta nên để cho thị trường tự điều chỉnh và hình thành nên cuộc chiến thực sự giữa các công ty sản xuất ô tô nội địa và nước ngoài. Chính sự thiết lập hiện nay phần nào tác động lên sở thích tậu xe hơi của khách hàng và tạo nên tính cạnh tranh cao khắp đất nước”, tỷ phú Li Shufu, Chủ tịch hãng xe Volvo nói.