BMP: “hoãn binh” và “điều đình” để bước tiếp

(ĐTCK) Năm 2013, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu 12,3% và lợi nhuận sau thuế 4,3%. BMP đang cố gắng bảo toàn nguồn lực bằng những cuộc “điều đình” và “hoãn binh”.
BMP: “hoãn binh” và “điều đình” để bước tiếp

Quyết bảo toàn nguồn lực

Cuộc “điều đình” thứ nhất liên quan đến quyết định truy thu và phạt của cơ quan thuế. Sau khi có quyết định của cơ quan thuế vào tháng 10/2013, BMP đã chấp hành nộp hơn 71 tỷ đồng tiền truy thu. Số tiền này được “treo” ở khoản “phải thu khác” trong báo cáo tài chính, thể hiện bản chất của sự việc đó là BMP lẽ ra được hưởng số tiền này, BMP chỉ tạm nộp và có thể sẽ thu lại được trong  tương lai.

Riêng số tiền hơn 40 tỷ đồng mà cơ quan thuế phạt BMP về hành vi nộp thuế chậm và kê khai sai thì đang được ứng xử theo hướng “hoà hoãn”, vì BMP cho rằng mình không vi phạm nên “xin” chưa nộp. Đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng của Tổng cục Thuế cũng như Bộ Tài chính về vấn đề này.

Cuộc “điều đình” thứ hai liên quan đến Nhựa Đức Thành, một trong năm đại lý lớn của BMP, thiếu nợ và không có khả năng thanh toán số tiền lên đến 35,5 tỷ đồng. Sau hơn 3 tháng điều đình, vào đầu năm 2014, BMP đã đạt được thoả thuận với Nhựa Đức Thành về hướng giải quyết vụ việc.

Theo đó, Nhựa Đức Thành sẽ trả toàn bộ số tiền trên cho BMP trong vòng 5 năm vào thời điểm cuối năm, mỗi năm 7 tỷ đồng cộng với lãi suất 9%/năm, riêng kỳ cuối cùng là 7,5 tỷ đồng cộng với tiền lãi trên số tiền này. Như vậy, tổng cộng sau 5 năm, số tiền Nhựa Đức Thành phải trả cho BMP là hơn 45 tỷ đồng. BMP đã trích dự phòng hơn 11 tỷ đồng cho khoản thu này.

Cuộc “điều đình” thứ ba liên quan đến khoản đầu tư vào CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC). BMP hiện sở hữu khoảng 29% cổ phần của DPC. Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc BMP đứng ra làm Chủ tịch của DPC. BMP đã từng có ý định mua lại 15% vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại DPC để nắm quyền chi phối, qua đó có thể tái cấu trúc lại toàn bộ DPC, về sản phẩm, khách hàng, nhân sự, kênh phân phối…

Tuy nhiên, BMP đã từ bỏ ý định này vì sau một thời gian, hợp tác giữa BMP và DPC theo lời ông Ngân là “không đi đến đâu”, do định hướng của các bên không gặp nhau. BMP sẽ đàm phán để rút vốn khỏi đây.

Không phải là “điều đình” mà ý định rút vốn khỏi DPC có thể gọi là cuộc “hoãn binh” trước cuộc chiến giành thị phần đang diễn ra khốc liệt. Quan điểm của lãnh đạo BMP là không “cạnh tranh xuống đáy” khi mà CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) tăng mức chiết khấu cho các đại lý vào tháng 7/2013 đã kéo theo hàng loạt hãng sản xuất ống nhựa khác cũng chạy theo. BMP không có ý định cạnh tranh bằng cách hạ giá bán.

Ông Ngân kể: “Cách đây 3 tuần, tôi phải bay ra Hà Nội làm việc với một đối tác. Trên bàn làm việc là một gói dự án khoảng 222 tỷ đồng. Vấn đề quan trọng nhất là giá. Chiều hôm đó, trên đường ra sân bay để quay về, tôi đã quyết định email để từ chối. Nên nhớ 222 tỷ đồng là cao hơn cả doanh thu một năm của Nhựa Bình Minh Miền Bắc. Nhưng lao theo cuộc chơi đó không có lợi, vì chỉ có doanh thu mà không có lợi nhuận. Điều quan trọng là BMP không muốn tạo ra một kiểu chơi như thế”.

Năm 2014: lên kế hoạch 490 tỷ đồng lợi nhuận

Năm 2012, BMP chia cổ tức với tỷ lệ 40% mệnh giá bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó tổng giám đốc BMP cho biết, trong năm 2013, BMP đã tạm ứng cổ tức 10% bằng tiền mặt và dự kiến tại Đại hội đồng cổ đông vào tháng 4/2014, HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua mức cổ tức cả năm 2013 là 30% bằng tiền mặt. Nếu cổ đông thông qua thì 20% còn lại của năm 2013 sẽ được chi trả vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6/2014.

Trong năm 2014, BMP sẽ khởi động lại dự án Nhà máy Long An. Theo dự kiến ban đầu, dự án này được triển khai vào năm 2012 trên diện tích 10 héc-ta, nhưng nhận định tình hình còn nhiều khó khăn, nên Công ty đã quyết định ngừng.

Ông Ngân cho biết, Giai đoạn 1 Nhà máy sẽ xây dựng trên diện tích 3 héc-ta với chi phí đầu tư khoảng 160 tỷ đồng, cộng với 10% dự phòng. Trong tháng 2/2014, 3 dây chuyền sản xuất sẽ được nhập về và vào quý III/2014, dự án sẽ hoàn tất. Mục tiêu của nhà máy mới này là để phục vụ công tác di dời nhà máy hiện tại ở quận 6, TP. HCM, đồng thời gia tăng sản lượng và phát triển thêm một số sản phẩm mới.

Với mức cổ tức dự kiến, BMP sẽ phải chi ra 140 tỷ đồng trả cho các cổ đông, nhưng Công ty vẫn đảm bảo được dòng tiền cho kế hoạch đầu tư nhà máy mới. Tuy nhiên, ông Ngân cho biết, BMP đang xem xét khả năng sẽ đi vay ngân hàng một phần để đầu tư, vì chi phí vốn vay hiện nay tương đối tốt.

Theo báo cáo quyết toán năm 2013, doanh thu của Công ty mẹ đạt 2.030 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt gần 364 tỷ đồng, tăng 4%. Doanh thu và sản lượng hợp nhất ước tăng khoảng 10% so với năm 2012 và lợi nhuận tăng 3%. Tất cả các con số này đều vượt kế hoạch đề ra.

Năm 2014, BMP dự kiến doanh thu hợp nhất khoảng 2.070 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 490 tỷ đồng. BMP sẽ xin ý kiến cổ đông về mức cổ tức năm 2014 tối thiểu là 20% bằng tiền mặt. Bà Yến cho biết, ngành bất động sản vẫn còn khó khăn nên chỉ tiêu đưa ra cũng cần thận trọng.

“Việc đưa ra chỉ tiêu không có gì là đột biến này không phải để rồi cuối cùng công bố là vượt chỉ tiêu, vì thù lao của HĐQT không căn cứ vào mức vượt chỉ tiêu mà chỉ căn cứ vào mức tăng trưởng thực tế”, bà Yến nói.                                        

Đức Luận

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục