Trạng thái phân hóa của thị trường chung đã khiến VN-Index rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu trong suốt cả phiên sáng 12/6 và tiếp tục duy trì diễn biến khi bước sang phiên giao dịch chiều.
Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ giao dịch lình xình, lực cầu bắt đầu nhập cuộc sôi động ở nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp sắc xanh lan rộng gần hết nhóm VN30 với biên độ ngày càng mở rộng. Đà tăng khá mạnh của nhóm cổ phiếu này đã lan ra thị trường giúp bảng điện tử tràn ngập sắc xanh và VN-Index chinh phục thành công đỉnh 1.300 điểm.
Thị trường khép lại phiên giao dịch thành công khi chỉ số VN-Index chính thức vượt cản mạnh 1.300 điểm thành công và đứng ở mức giá cao nhất trong hơn 2 năm qua (kể từ phiên 9/6/2022). Tuy nhiên, diễn biến thị trường chưa đủ để xác nhận phiên giao dịch bùng nổ bởi đà tăng mạnh không lan rộng toàn thị trường, thanh khoản không quá bùng nổ và chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu bluechip…
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 313 mã tăng và 124 mã giảm, VN-Index tăng 15,78 điểm (+1,23%) lên 1.300,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 895,3 triệu đơn vị, giá trị 23.268,63 tỷ đồng, giảm 9,87% về khối lượng và 8,47% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 125,36 triệu đơn vị, giá trị 3.093,44 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tăng vọt hơn 23,5 điểm lên trên mức 1.330 điểm khi có tới 27 mã tăng và chỉ còn 3 mã là POW, SAB và PLX giảm nhẹ trên dưới 0,5%. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu có đóng góp lớn nhất cho thị trường là VPB, VCB và FPT với tổng cộng hơn 6 điểm.
Cổ phiếu VPB sau nhịp nới rộng biên độ ở cuối phiên sáng, lực cầu tiếp tục hấp thụ mạnh trong phiên chiều đã giúp VPB tăng vọt. Đóng cửa, VPB tăng 6% lên mức giá cao nhất trong phiên 19.400 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, lên tới hơn 69,93 triệu đơn vị khớp lệnh.
Không chỉ VPB, các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng cũng đua nhau khoe sắc xanh và nhiều mã cũng đóng cửa ở mức giá cao nhất trong ngày, như MBB tăng 2,4%, SHB tăng 1,3%...
Sự trở lại của dòng bank khá ấn tượng trong phiên chiều, cùng diễn biến khởi sắc hơn ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, đã đóng góp tích cực giúp thị trường leo đỉnh thành công. Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, sắc xanh cũng lan tỏa toàn ngành, trong đó VIX và SSI là 2 sôi động nhất ngành, chỉ đứng sau VPB, lần lượt khớp 50,53 triệu đơn vị và 27,35 triệu đơn vị, tương ứng đóng cửa tăng 3,8% và 2,2%.
Nhóm cổ phiếu thép cũng không nằm ngoài “cuộc chơi”, với HPG đóng cửa tăng 1,7% lên mức giá cao nhất trong ngày 29.600 đồng/CP; HSG tăng 1% lên 24.500 đồng/CP, còn NKG lấy lại mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn là nhóm tăng mạnh nhất thị trường nhờ động lực chính là cổ phiếu FPT tăng 4,3% và đóng cửa tại mức giá 132.000 đồng/CP, với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 6 toàn thị trường khi có gần 11,22 triệu đơn vị khớp lệnh.
Toàn thị trường chỉ còn 4 nhóm nhỏ lẻ là dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí; dịch vụ tư vấn, hỗ trợ; sản phẩm cao su; chăm sóc sức khỏe mất điểm với mức giảm chỉ trên dưới 0,5%.
Trên sàn HNX, nhận tín hiệu từ sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng kích hoạt đà tăng mạnh trong khoảng 30 phút giao dịch cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 102 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index tăng 1,9 điểm (+0,77%), lên 248,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76,68 triệu đơn vị, giá trị 1.565,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,58 triệu đơn vị, giá trị 119,4 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt nới rộng biên độ với các mã VIG, APS, WSS đều trong trạng thái dư mua trần, MBS tăng 1,7%, APS tăng 3,8%, EVS tăng 5,1%, IVS tăng 1,6%... Cổ phiếu SHS đóng cửa tăng 1,6% lên mức 19.500 đồng/CP với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường khi có hơn 18,42 triệu đơn vị khớp lệnh.
Động lực chính tiếp sức cho thị trường là nhóm HNX30 khi đóng cửa tăng hơn 6 điểm với 17 mã tăng. Ngoài SHS, một số mã khác trong nhóm này cũng có diễn biến khởi sắc và giao dịch sôi động hơn trong phiên chiều.
Cụ thể, PVS tăng 2% và khớp 5,58 triệu đơn vị, CEO tăng 1,6% và khớp gần 4,4 triệu đơn vị, HUT tăng 1,6% và khớp 2,86 triệu đơn vị; DVM, NTP tăng hơn 2%…
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều khởi sắc thành công.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,19%) lên 99,14 điểm với 183 mã tăng và 131 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 73,5 triệu đơn vị, giá trị 1.324,94 tỷ đồng.
Nhóm chứng khoán nên UPCoM cũng nới rộng hơn biên độ, với SBS tăng 6% và khớp 5,31 triệu đơn vị, AAS tăng 7,1% và khớp 4,28 triệu đơn vị, DSC tăng 6,4% và khớp 1,4 triệu đơn vị…
Một số mã đáng chú ý khác như DGT tăng 6,4% và khớp 6,34 triệu đơn vị, ABB và DDV cùng tăng hơn 1% và khớp hơn 1 triệu đơn vị; TVN tăng 1,3%, C4G tăng 1%, NED tăng 6,7%, VCP tăng 7%, đáng chú ý là GDA có phiên tăng thứ 7 liên tiếp, đóng cửa phiên hôm nay tăng 11,15% lên mức giá cao nhất trong phiên 33.900 đồng/CP…
Cổ phiếu BSR vẫn có thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 8,48 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, đóng cửa đứng giá tham chiếu 23.200 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng hơn 20 điểm. Trong đó, VN30F2406 tăng tốt nhất đạt 25,7 điểm, tương đương +2% lên 1.330,7 điểm, khớp lệnh hơn 233.660 đơn vị, khối lượng mở hơn 54.140 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CVPB2314 phiên này thanh khoản cao nhất đạt 2,24 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 36,4% lên mức 150 đồng/cq; theo sau là CHPG2334 với 1,92 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa tăng 3,8% lên mức 810 đồng/cq.