Blossoms Shanghai mang đến cho các nhà đầu tư chứng khoán trải nghiệm về "vận may héo mòn" trong quá khứ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ phim truyền hình dài tập Blossoms Shanghai (Thượng Hải phồn hoa) của đạo diễn Vương Gia Vệ đã mang đến cho các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc sự trải nghiệm thực tế khốc liệt về vinh quang trong quá khứ.
Blossoms Shanghai mang đến cho các nhà đầu tư chứng khoán trải nghiệm về "vận may héo mòn" trong quá khứ

Blossoms Shanghai, bộ phim đình đám của đạo diễn Vương Gia Vệ kể về những cơ hội và khả năng hấp dẫn vào đầu những năm 1990 ở trung tâm tài chính Trung Quốc, đang gợi lại ký ức cho các nhà đầu tư ở nhiều góc độ khác nhau.

Lấy bối cảnh năm 1992, bộ phim kể câu chuyện về A Bảo, người trở nên giàu có nhờ đặt cược vào những cổ phiếu niêm yết sớm nhất trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, nổi bật là sự pha trộn giữa cơn sốt mua vào, dao động giá điên cuồng và các giao dịch nội gián. Cuối cùng, A Bảo trở nên giàu có khi chiến thắng trước một đối thủ hùng mạnh trong một cuộc đọ sức trên thị trường chứng khoán.

Vào thời điểm bộ phim lấy bối cảnh, thị trường chứng khoán Thượng Hải ngoài đời thực mới chỉ được hai năm tuổi. Theo dữ liệu của sàn giao dịch, chỉ số Shanghai Composite Index của toàn thị trường đã tăng 167% trong năm đó, cao hơn mức 129% trong năm đầu tiên ra mắt. Đó cũng là kỷ lục tốt nhất trong hai năm của sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải.

Lu Shunxi, một người đã tham gia thị trường chứng khoán kể từ khi giao dịch đầu tiên bắt đầu ở Thượng Hải vào tháng 11/1990 cho biết: “Bây giờ tất cả chỉ là nước mắt và nỗi buồn khi những người như tôi nhìn lại thị trường chứng khoán… Sự ra đời của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tạo cơ hội cho những nhà đầu tư mới vào nghề, những người bị lôi kéo vào một thị trường giống như sòng bạc để đánh bạc và làm giàu”.

Trong một phần tư thế kỷ, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã vận hành theo động cơ kinh tế của Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm từ năm 1994 đến năm 2007. Sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008, tốc độ tăng trưởng hàng năm đã chậm lại ở mức trung bình 7,6% cho đến năm 2022.

Đây cũng là thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới với vốn hoá 13.000 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao vào tháng 12/2021. Trung Quốc đang đúc các tỷ phú đô la như nhân vật A Bảo trong Blossoms Shanghai với tốc độ gần như một tỷ phú mỗi ngày vào năm 2020, trước khi mọi thứ sụp đổ.

Thượng Hải đã bị phong tỏa trong 2 tháng vào mùa Hè năm 2022 do Covid, khi mọi trường học, nhà máy, nhà hàng, cửa hàng và văn phòng trong phạm vi thành phố đều được lệnh đóng cửa. Kết quả là sự gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng, hoạt động kinh doanh và sinh kế toàn cầu, khiến nền kinh tế vẫn đang phải vật lộn để phục hồi.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,4% trong quý II/2022 và chỉ đạt được mức tăng trưởng 5,2% trong quý IV/2023, vài tháng sau khi tất cả các hạn chế liên quan đến Covid-19 được dỡ bỏ.

Các nhà đầu tư thất vọng về thị trường đã rút số tiền kỷ lục khỏi thị trường chứng khoán trong sáu tháng qua, trong bối cảnh các nhà chức trách vẫn triển khai chương trình kích thích để giải cứu nền kinh tế, nhưng với quy mô không như kỳ vọng.

Theo dữ liệu thị trường, các cổ phiếu niêm yết ở Thượng Hải đã mất 1.450 tỷ USD vốn hoá thị trường kể từ khi thị trường đạt đỉnh vào tháng 12/2021. Vốn hoá thị trường chứng khoán nước này đã giảm 4.200 tỷ USD trong thời gian này.

Các nhà đầu tư cá nhân đã đặt kỳ vọng vào các biện pháp khuyến khích của chính phủ để thúc đẩy đà hồi phục cho thị trường. Các nhà chức trách cũng đã triển khai một loạt biện pháp thúc đẩy thị trường, từ cắt giảm thuế trước bạ đến bơm thanh khoản, nhằm giúp thị trường sớm tạo đáy.

Khi sự hoảng loạn bùng phát trong tuần này, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc - từ Thủ tướng Lý Cường đến Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pan Gongsheng - đã vào cuộc để ngăn chặn sự mất niềm tin. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết, sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 140 tỷ USD tiền mặt được bơm vào hệ thống ngân hàng và gửi tín hiệu mạnh mẽ cho cho nền kinh tế mong manh và thị trường chứng khoán lao dốc.

Ivan Li, nhà quản lý quỹ tại Loyal Wealth Management ở Thượng Hải cho biết: “Các nhà đầu tư cá nhân đang háo hức chờ đợi một đợt phục hồi để bù đắp khoản lỗ của họ…Họ muốn chính quyền thể hiện sự hỗ trợ đáng kể cho thị trường”.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân của Trung Quốc muốn tin rằng Blossoms Shanghai đang ám chỉ sự thay đổi lâu dài của thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Bộ phim đã thúc đẩy hiệu quả chi tiêu bán lẻ và du lịch ở Thượng Hải.

Một số nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, bao gồm Fidelity International và Franklin Templeton đang dự báo chứng khoán Trung Quốc sẽ phục hồi. Sự hỗ trợ nhiều hơn của chính phủ sẽ giúp vực dậy tăng trưởng kinh tế và niềm tin, đồng thời các nhà đầu tư sẽ sớm bị thu hút bởi mức định giá chiết khấu sâu.

Trung Quốc mở cửa nền kinh tế vào năm 1978 bằng cách cho phép các lực lượng tư nhân có vai trò lớn hơn trong hoạt động kinh doanh. Thượng Hải thành lập sàn giao dịch chứng khoán vào tháng 11/1990, sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến cũng được thành lập vào tháng sau.

Ngày nay, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải là sàn giao dịch lớn nhất trong ba sàn ở Trung Quốc và là ngôi nhà của khoảng 2.300 công ty niêm yết với tổng vốn hóa thị trường là 44.000 tỷ nhân dân tệ (6.200 tỷ USD), lớn hơn thị trường 4.400 tỷ USD của Hồng Kông.

Nhà tư vấn thị trường Ying Jianzhong, người đóng vai nhà bình luận về chứng khoán trong bộ phim Blossoms Shanghai đã đồng ý rằng, việc hiểu rõ các nguyên tắc cơ bản về kinh tế và công ty là những ưu tiên không thể thiếu trong đầu tư.

Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Trong những ngày đầu giao dịch, các nhà đầu tư như tôi đặt niềm tin vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Chúng tôi mua bánh mì nướng của một công ty niêm yết mà chúng tôi đầu tư vào, vì chúng tôi tin rằng mọi thứ chúng tôi làm cho doanh nghiệp sẽ giúp tăng lợi nhuận cho họ”.

Tuy nhiên, hoạt động đầu cơ quá mức đã và đang làm thất bại các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 1/2023 của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), khoảng 92% trong số họ đã thua lỗ khi giao dịch chứng khoán vào năm 2022.

Trong đợt biến động thị trường năm 2015, hơn 5.000 tỷ USD vốn hoá thị trường đã bị xóa sổ từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8. Điều này đã khiến Trung Quốc bơm khoảng 1.500 tỷ nhân dân tệ vào quỹ cứu trợ để hỗ trợ thị trường. Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc từ lâu đã được giao nhiệm vụ ổn định các chỉ số thị trường quan trọng, nhằm ngăn chặn bất kỳ tình trạng bất ổn xã hội nào.

Blossoms Shanghai đã tái hiện một số cảnh trong những ngày đầu giao dịch. Đối với một số nhà đầu tư chứng khoán tham gia từ khi thị trường mới bắt đầu, khung cảnh này cũng là một lời nhắc nhở có phần thô lỗ rằng số tiền tiết kiệm khó khăn nhiều năm mới kiếm được có thể bốc hơi chỉ sau vài phút giao dịch.

Jiang Guanyuan, một người gốc Thượng Hải đã dấn thân vào thị trường kể từ khi thành lập cho biết: “Các nhà đầu tư vào thời điểm đó ngây thơ đến mức họ tin rằng tất cả các cổ phiếu đều là những vụ đặt cược an toàn, đảm bảo cuối cùng sẽ mang lại lợi nhuận cao…Tôi đã chịu tổn thất nặng nề vào những năm 1990 vì quá quyết liệt theo đuổi lợi nhuận mà không nhận thức được những rủi ro và những điều cơ bản của thị trường”.

Andy Rothman, chiến lược gia tại công ty quản lý tiền tệ Matthews International có trụ sở tại Pennsylvania cho biết, tập phim truyền hình mới nhất chiếu trực tiếp trước khán giả toàn cầu trong tuần này là lời cảnh tỉnh đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.

“Niềm tin của các doanh nhân và hộ gia đình đã bị lung lay bởi các chính sách kinh tế và quy định được giải thích kém cũng như được thực hiện kém. Niềm tin có thể được khôi phục nếu Bắc Kinh thực hiện các bước chứng minh rằng họ đang tạo ra một môi trường chính sách rõ ràng và ổn định để hỗ trợ khu vực tư nhân”, ông cho biết.

Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ