Với lợi suất đạt 52% trong năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trở thành thị trường châu Á có màn biểu diễn nổi trội nhất năm thứ hai liên tiếp.
Chỉ số VN-Index đã tăng 22% kể từ đầu năm tới nay.
Trong khi đó, từ tháng 1/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 440 triệu USD cổ phiếu, sau khi thiết lập kỷ lục 1 tỷ USD trong năm ngoái.
Các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện rõ ham muốn sở hữu các cổ phiếu “hot” tại Việt Nam ở những lĩnh vực như nước giải khát, dầu mỏ và tài chính. Mà một phần nguyên nhân xuất phát từ quá trình đẩy mạnh bán vốn nhà nước.
Trong năm ngoái, giới chức Việt Nam đã thu về khoảng 4,8 tỷ USD thông qua bán cổ phần tại Sabeco. Năm nay, Chính phủ lại lên kế hoạch bán số cổ phần nhiều gấp 6,5 lần lượng bán ra năm ngoái, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu như vậy khi trả lời phỏng vấn Bloomberg vào tháng 1.
Một lực hấp dẫn khó cưỡng lại khác xuất phát từ việc Việt Nam đang có nhiều khả năng được MSCI nâng hạng. Không ít chuyên gia đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam có thanh khoản tốt hơn Philippines, vốn đang được xếp hạng thị trường mới nổi.
Và ngay cả khi không được nâng hạng, Việt Nam vẫn đón nhận dòng tiền quốc tế chảy vào lớn hơn nhiều so với các thị trường ngang hàng.
Hiện tại, Argentina đã được đưa vào danh sách xem xét nâng từ thị trường cận biên lên mới nổi của MSCI, trong khi FTSE Russell – “đối thủ” của MSCI đã xếp Kuwait là thị trường mới nổi từ năm ngoái. Do đó, Việt Nam trở thành thị trường chiếm tỷ trọng lớn thứ ba trong Chỉ số MSCI thị trường cận biên.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên dễ bị ảnh hưởng hơn từ các sự kiện vĩ mô, giảm thiểu tính đa dạng hóa trong danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư toàn cầu.
Đầu năm nay, theo tính toán của các chuyên gia, mối liên quan giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và chứng khoán Mỹ đã tăng lên 67%, thể hiện sự khăng khít ngày càng gia tăng so với trước đây. Nói cách khác, nếu chứng khoán Mỹ “cảm lạnh” thì thị trường Việt Nam cũng sẽ bắt đầu “hắt hơi”.