BIS đã họp vào đầu tuần này để đánh giá công việc về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu và nhất trí ưu tiên các nỗ lực để nắm bắt rõ hơn về tác động của rủi ro tài chính do các sự kiện thời tiết khắc nghiệt.
Thỏa thuận này được đưa ra khi các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý ngân hàng ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang tranh luận về mức độ mà biến đổi khí hậu nên được đưa vào chính sách của ngân hàng trung ương, đây cũng là một cuộc tranh luận mà các nhà phân tích cho rằng có khả năng định hình quá trình ra quyết định của ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.
Tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách đã tăng gấp đôi nỗ lực để giải quyết các rủi ro liên quan đến khí hậu, được thể hiện qua việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xem việc quản lý rủi ro khí hậu là ưu tiên hàng đầu, trong khi các nỗ lực này đã bị thu hẹp hoặc gác lại tại Mỹ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng cũng cho biết, họ sẽ công bố một khuôn khổ công bố tự nguyện về các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu để các khu vực pháp lý xem xét. Mặc dù Ủy ban Basel không có thẩm quyền quốc tế hoặc quyền thực thi, nhưng công việc của họ về khí hậu đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc ban hành quy định của quốc gia.
Các nhà phân tích cho biết, quan điểm này phù hợp hơn với các cơ quan quản lý của châu Âu và Anh, những cơ quan này đang thực hiện các bước để tích hợp rủi ro khí hậu vào kỳ vọng giám sát đối với các ngân hàng hơn là với các cơ quan quản lý ở Mỹ.
Trong những năm gần đây, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thực hiện một số bước để tích hợp biến đổi khí hậu vào công việc của mình thông qua các báo cáo và phân tích sơ bộ, nhưng Chủ tịch Jerome Powell đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Fed chỉ có vai trò hạn chế.
Gần đây hơn, Tổng thống Donald Trump đã dẫn đầu một cuộc phản đối dữ dội đối với các chính sách liên quan đến các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị trên khắp chính phủ, từ khai thác than đến xe điện.
Vào tháng 1, Fed đã rút khỏi Mạng lưới các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát đối với hệ thống tài chính xanh (NGFS) - tổ chức toàn cầu gồm các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý dành riêng cho việc khám phá các cách thức kiểm soát rủi ro khí hậu trong hệ thống tài chính.
Vào tháng 3, Văn phòng Kiểm toán Tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ đã rút khỏi một bộ nguyên tắc khí hậu được thống nhất chung cho các ngân hàng lớn của Mỹ, và gọi khuôn khổ này là "quá nặng nề và trùng lặp".
Vào tháng 4, công ty luật Mayer Brown cho biết, họ dự báo Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Fed sẽ rút khỏi các nguyên tắc khí hậu chung trong tương lai gần.