Cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bình Thuận, thời gian qua, tỉnh đã tập trung dành nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi. Trong giai đoạn 2016 - 2020, GRDP nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 2,88%/năm.
Đến năm 2020, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 29,49% trong tổng giá trị tăng thêm. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy vậy, tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp còn một số hạn chế. Việc liên kết, hợp tác sản xuất trong nông nghiệp chưa phát huy tối đa hiệu quả, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn…
Trước thực tế đó, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XIV về “Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao” đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có điều kiện kết hợp nông nghiệp với du lịch. Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ việc trồng giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu của tỉnh đối với các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao (thanh long, xoài, dưa lưới, nho, cam, quýt, bưởi, nhãn…); nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm cây ăn trái được ưa chuộng, phát triển diện tích thanh long phù hợp với quy hoạch và nhu cầu thị trường.
Tỉnh cũng khuyến khích phát triển cây dược liệu, phấn đấu đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận. Đồng thời, hướng đến xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh.
Đặc biệt, Nghị quyết số 05 đặt ra yêu cầu về quản lý, sử dụng hiệu quả đất lúa, chuyển đổi linh hoạt giữa cây lương thực và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế; khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân hoán đổi, tập trung ruộng đất theo quy hoạch, phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao.
Hỗ trợ doanh nghiệp liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, nhiều hợp tác xã sản xuất đã hình thành và từng bước đi vào hoạt động hiệu quả.
Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Sản xuất dưa lưới Phúc Lộc - hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đầu tiên của huyện Đức Linh, được hình thành năm 2018 với phương châm sản xuất nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ hoàn toàn sản phẩm có chứa chất hóa học (thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ hóa học, chất kích thích trong chăn nuôi, chất điều tiết tăng trưởng cây trồng…). Trong quá trình canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ, các xã viên chủ yếu dựa vào việc quay vòng mùa vụ kết hợp với các chế phẩm, tận dụng chất thải nông nghiệp để tái sử dụng, hướng đến phục vụ các sản phẩm sạch cho gia đình và cộng đồng.
Hợp tác xã nông nghiệp Sản xuất dưa lưới Phúc Lộc đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. Hệ thống tưới nước sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vừa giúp tiết kiệm được 50% lượng nước tưới, vừa giúp quá trình chăm sóc cây trở nên đơn giản hơn. Ngoài ra, Hợp tác xã còn sản xuất phân hữu cơ vô sinh, mật ong nuôi hoa cà phê nguyên chất, cau giống…
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, lựa chọn, đề xuất doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh có tiềm lực về công nghệ, tài chính để hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật trong nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng cao có nguồn gốc từ nguyên liệu và phụ phẩm nông sản, thủy sản; hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững (như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn...); xây dựng mô hình cung ứng gắn kết với vùng nguyên liệu, hợp tác xã và liên kết với siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh… đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cũng phối hợp các sở, ngành và địa phương liên quan vận động, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 4/3/2020 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND, ngày 19/12/2019 của HĐND tỉnh về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; lập kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chuỗi giá trị, nâng cấp, hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn thành chuỗi giá trị.
Theo đó, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, xúc tiến hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp an toàn thực phẩm; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hằng năm cho đối tượng làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại địa phương.
“Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản; Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công thương cập nhật thường xuyên thông tin giá cả, tình hình, dự báo thị trường trong và ngoài nước từ các tổ chức, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý chuyên ngành trung ương và địa phương… để phổ biến, thông tin kịp thời đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận yêu cầu.
Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, thời gian tới, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), góp phần xây dựng thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường nguồn lực và xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát triển các sản phẩm chế biến đặc sản gắn với chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; tạo lập, duy trì, giữ vững thương hiệu của sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản của từng địa phương.
Cùng với các nhiệm vụ trên, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận còn đẩy mạnh chuyển đổi số. Cụ thể hóa vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã giao các đơn vị trực thuộc xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản; triển khai sử dụng các nền tảng số để thực hiện cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ người nông dân; từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh làm đòn bẩy tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ, tư vấn và khuyến khích người dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng, công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm; triển khai sử dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; từng bước hình thành hệ thống thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; hỗ trợ ra quyết định dựa trên nền tảng số.
Bình Thuận nâng chất lượng trái Thanh long đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu Thanh long là loại trái cây đặc sản của Bình Thuận, đồng thời cũng là một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực.
Vừa qua, tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Chương trình Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Chương trình nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Theo đó, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu nâng cao chất lượng chứng nhận trong sản xuất, sơ chế thanh long trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; nhân rộng các mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi hiệu quả.
UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tái cấp chứng nhận; chứng nhận mới diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 11.900 ha trong năm nay. Bên cạnh thông tin tuyên truyền các vấn đề liên quan đến việc sản xuất thanh long an toàn trên các “Bản tin khuyến nông” và trên các kênh truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phổ biến về quy trình sản xuất thanh long theo hướng an toàn để nâng cao nhận thức của người trồng thanh long.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất thanh long nhằm hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả thanh long…