Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển không gian đô thị theo quy hoạch chung xây dựng đô thị An Nhơn đến năm 2035. Từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua đó, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển đô thị, xác định khu vực ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm; triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cho từng giai đoạn, đề xuất cơ chế chính sách, thu hút nguồn vốn và huy động các nguồn lực đầu tư theo mục tiêu xây dựng đô thị trong quy hoạch đã được phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2023, thị xã An Nhơn đạt chuẩn đô thị loại III; trở thành thành phố vào năm 2025.
Các khu vực phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2035 bao gồm, khu vực 1: Trung tâm của đô thị - Khu vực trung tâm hiện hữu của thị xã, đồng thời là khu vực vùng lõi của phường Bình Định mở rộng ra các xã Nhơn An và phường Nhơn Hưng, có diện tích khoảng 10,5 – 11 km2.
Đây là khu vực có ý nghĩa về văn hóa - lịch sử đóng vai trò là trung tâm hành chính - chính trị của thị xã. Hình thành rõ nét hệ thống trung tâm về văn hóa, kinh tế, giáo dục, thể dục thể thao… gắn với các không gian chức năng của đô thị. Thực hiện công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu vực dân cư hiện hữu. Điều chỉnh một số tiểu khu vực và các khu chức năng nhằm tái thiết xây dựng các chức năng mới phù hợp với định hướng chung.
Khu vực 2: Cực phát triển phía Bắc, là khu vực phường Đập Đá, mở rộng về các hướng bao gồm phường Nhơn Thành ở phía Bắc, phần còn lại của phường Nhơn Hưng, xã Nhơn Hậu ở phía Tây và một phần phía Tây Bắc của xã Nhơn An, có diện tích khoảng 27,5 – 28k m2.
Chức năng là cực phát triển phía Bắc của thị xã, lấy khu vực phường Đập Đá làm trung tâm; khu đô thị hiện hữu cải tạo, chỉnh trang và xây dựng mới; là trung tâm thương mại, dịch vụ và dịch vụ hỗn hợp của đô thị.
Khu vực 3: Phát triển đô thị có bản sắc riêng, là khu vực Trung tâm phường Nhơn Hoà và một phần phía Nam phường Bình Định, có diện tích khoảng 13,5 – 14,0 km2.
Chức năng là khu đô thị phát triển có bản sắc riêng, là cực phát triển phía Nam, hỗ trợ một phần cho khu vực trung tâm mở rộng hiện nay và một phần cho khu vực phát triển công nghiệp Nam Quốc lộ 19; tổ chức một số khu vực ở sinh thái đặc thù tại khu vực giáp sông Tân An.
Khu vực 4: Khu vực phát triển đô thị hoá có trọng điểm, là khu vực giàu tiềm năng phát triển, có khả năng đô thị hoá trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 gồm Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, trung tâm xã Nhơn Tân và trung tâm xã Nhơn Thọ, có diện tích khoảng 41-41,50 km2. Đây là khu vực phát triển mới, theo hướng đô thị hoá, bổ sung cơ cấu hành chính phường nội thị vào giai đoạn đến năm 2025 cho toàn đô thị.
Khu vực 5: Phát triển nông thôn, nông nghiệp phía Đông, là khu vực các xã Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, một phần Nhơn An, phần cực Đông của Nhơn Thành, có diện tích khoảng 27 – 27,5 km2. Đây là khu vực phát triển dân cư nông thôn, phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp khu vực tiêu thoát lũ cho toàn đô thị.
Khu vực 6: Phát triển nông thôn, nông nghiệp phía Tây, là khu vực nông nghiệp đặc trưng của thị xã gồm xã Nhơn Mỹ, Nhơn Khánh, Nam Nhơn Hậu và phần còn lại ở phía Tây đường sắt thuộc Nhơn Hưng và Bình Định, có diện tích khoảng 35 – 35,5 km2. Đồng thời, là khu vực phát triển dân cư nông thôn, phát triển nông nghiệp đô thị, tính chất đặc thù kết hợp khu vực tiếp nhận lũ thượng nguồn của thị xã An Nhơn.
Khu vực 7: Phát triển công nghiệp và bảo vệ ổn định cảnh quan, là khu vực phía Nam của Quốc lộ 19, thuộc phần phía Nam của phường Nhơn Hoà và các xã Nhơn Tân, Nhơn Thọ, có diện tích khoảng 87 – 90 km2.
Đây là khu vực phát triển công nghiệp đa ngành với thế mạnh là chế biến chuyên sâu nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, trên cơ sở phát triển công nghiệp diện rộng với nền tảng là Khu đông nghiệp Nhơn Hoà, đồng thời là khu vực có rừng phòng hộ, tuân thủ quy định về đề bảo vệ rừng, giữ vai trò quan trọng trong vấn đề hạn chế lũ lụt.
Tại quyết định này, UBND tỉnh Bình Định giao UBND thị xã An Nhơn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình phát triển đô thị theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các xã, phường căn cứ quy hoạch đã được phê duyệt, chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định; tổ chức vận động nhân dân tham gia cùng với chính quyền thực hiện chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt. Tăng cường quản lý đất đai, quản lý xây dựng, tạo điều kiện và hướng dẫn nhân dân xây dựng công trình đảm bảo quy hoạch và mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng hướng dẫn, hỗ trợ UBND thị xã An Nhơn tổ chức thực hiện chương trình, kịp thời hướng dẫn giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Đồng thời, các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt; giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.