Thời gian qua, để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua được tình hình suy thoái kinh tế hiện nay và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã tổng hợp nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giải pháp tìm hướng tháo gỡ.
Mới đây, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký văn bản kiến nghị gửi Tổng cục Hải quan và Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong văn bản gửi Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét việc cải tiến quy trình kiểm tra sau thông quan cho các doanh nghiệp.
“Trong đó giảm thiểu việc kiểm tra đối với những doanh nghiệp có quá trình chấp hành tốt pháp luật và không có lịch sử vi phạm các quy định về hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn suy thoái kinh tế hiện nay”, nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định.
Đối với hoạt động xuất khẩu, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét và có các chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho vay USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn.
Lý do đề nghị trên, UBND tỉnh Bình Định thông tin, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu tại địa phương gặp nhiều khó khăn và giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các mặt hàng thủy sản, sản phẩm gỗ xuất khẩu chịu nhiều tác động tiêu cực của thị trường thế giới nên đơn hàng giảm dần dẫn đến hoạt động cầm chừng.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 730 triệu USD, giảm 14,4%; xuất khẩu nhóm hàng thủy sản ước đạt 55,9 triệu USD, giảm 33,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm gỗ (bàn, ghế...) ước đạt 27,6 triệu USD, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước (số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Định).
Bên cạnh nguyên nhân chính do bối cảnh thế giới tác động, còn có một số nguyên nhân khác như khả năng cạnh tranh yếu, chi phí nguyên vật liệu và giá bán cao, nguồn lực còn hạn chế của doanh nghiệp; trong đó lãi suất cho vay giữa VNĐ và USD còn cao.
Trước đó, tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp vào ngày 26/6/2023, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển bền vững; lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng mong muốn nhận được nhiều ý kiến, hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp.