Điểm cuối trục hợp tác Đông - Tây
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và xác định TP. Quy Nhơn - Bình Định là trung tâm tăng trưởng kinh tế phía Nam của vùng, là đầu mối giao thông đường bộ và cảng biển phục vụ trực tiếp cho khu vực Tây Nguyên.
Xét về vị trí, Bình Định nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam, đây cũng là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, nam Lào, đông bắc Campuchia và Thái Lan (bằng Cảng biển quốc tế Quy Nhơn và Quốc lộ 19). Trong tương lai gần, cảng biển Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội được xây dựng sẽ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, tạo cho Bình Định một lợi thế vượt trội trong giao lưu khu vực và quốc tế.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, với tiềm lực kinh tế biển, Bình Định sẽ là chất xúc tác đủ mạnh hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên đánh thức lợi thế của mình trong vai trò chiến lược thuộc Tam giác phát triển CLV, trong đó trục hợp tác Đông - Tây sẽ đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành viên và của cả khu vực.
Theo ông Dũng, để trục hợp tác Đông - Tây mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, việc đầu tiên là phải hình thành các trục giao thông xương sống, tạo nên những điểm liên kết hiệu quả, trong đó phải nhấn mạnh việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường Quốc lộ 19, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14, Quốc lộ 14E, Quốc lộ 40. Chính những huyết mạch kinh tế này sẽ phát huy tối đa vai trò hợp tác phát triển của khu vực.
Ông Dũng cũng cho rằng, đó mới chỉ là điều kiện cần từ phía Việt Nam, để tạo thành trục hợp tác Đông - Tây hiệu quả thì các quốc gia nằm trên Trục phải đồng thời đẩy mạnh việc đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng liên kết. Từ đó hình thành các các khu công nghiệp, khu kinh tế dọc theo trục này.
“Với tư cách là điểm cuối của trục hợp tác Đông - Tây, Bình Định sẽ ủng hộ và làm hết sức mình để trục sớm được hình thành và phát huy tiềm lực của nó trong phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực”, ông Dũng khẳng định
Với vị trí được xem như cánh cửa xuất khẩu hàng hóa cho khu vực Tây Nguyên rộng lớn cùng cả Khu vực Tam giác Phát triển CLV, vì vậy, để Bình Định phát triển đúng tầm, khai thác hết tiềm năng hiện có, Chính phủ đã cho nâng cấp Quốc lộ 19, nối từ Cảng Quy Nhơn (Bình Định) đến Lệ Thanh (Gia Lai) dài 238 km. Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây ra biển Đông thông qua Cảng Quy Nhơn từ các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh nam Lào, đông bắc Campuchia.
Cánh cửa biển cho cả khu vực
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nhận định rằng, Tây Nguyên và Khu vực Tam giác Phát triển CLV đang có những hướng phát triển khá mạnh, đặc biệt, đây là khu vực có lượng hàng hóa nông, lâm sản xuất khẩu khá lớn. Phần lớn lượng hàng này đều xuất khẩu qua cảng Quy Nhơn theo tuyến Quốc lộ 19.
Theo Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng Quy Nhơn - Bình Định là cảng tổng hợp quốc gia phục vụ chủ yếu cho các khu công nghiệp và trung chuyển các sản phẩm dầu. Hiện tại, Quy Nhơn đã có hai cảng biển hoạt động rất hiệu quả là Cảng Quy Nhơn (5 triệu tấn/năm) và Cảng Thị Nại (1 triệu tấn/năm). Hai cảng này đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp để tăng công suất hơn nữa.
Ông Dũng cho biết, cùng với hai cảng hiện có, Bình Định còn có 3 dự án xây dựng cảng đã được quy hoạch là Dự án Cảng tổng hợp Nhơn Hội tại Khu kinh tế Nhơn Hội, rộng 165 ha, Dự án Cảng tổng hợp thuế quan, cũng tại Khu kinh tế Nhơn Hội, rộng 119 ha, tổng công suất của 2 cảng này là 12 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng/năm. Thứ ba là Cảng Đống Đa, công suất 1,4 triệu tấn/năm, rộng 5 ha, đang xúc tiến đầu tư.
Trong tầm nhìn mới từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vai trò của Việt Nam trong phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được khẳng định. Việt Nam có vị trí án ngữ trên các tuyến hàng hải huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực Biển Đông. Trong đó, Cảng biển Bình Định là cầu nối không thể thiếu của cả khu vực rộng lớn, không chỉ phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Tây Nguyên, mà còn là cửa ngõ ra Biển Đông của Tiểu vùng sông Mê Kông.
Dưới góc nhìn đầu tư và du lịch, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Bình Định diễn ra đầu tuần này (30/3), phần lớn các đại biểu đều khẳng định rằng, Bình Định cần phải phát huy vai trò liên kết khu vực trong thu hút đầu tư phát triển du lịch. Bởi cũng như nhiều địa phương Duyên hải miền Trung khác, Bình Định đủ điều kiện phát triển ngành du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Bình Định có lợi thế khi sở hữu đầy đủ các hệ thống hạ tầng cơ bản quan trọng như sân bay, cảng biển, đường sắt, các tuyến giao thông huyết mạch. Đặc biệt, Sân bay Phù Cát đã cơ bản được nâng cấp tốt, đáp ứng loại máy bay hạng trung và lớn, hiện nay sân bay này đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại, hỗ trợ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và phát triển du lịch.
Theo các chuyên gia, du lịch là sự kết hợp chuỗi sản phẩm, có thể du khách sẽ từ Khu vực Tam giác Phát triển CLV hoặc Tây Nguyên đổ về Bình Định qua đường bộ để tận hưởng du lịch biển, nghỉ dưỡng và ngược lại, du khách quốc tế sẽ bằng đường biển, đường hàng không qua Bình Định theo Quốc lộ19 hướng về Tây Nguyên, xa hơn là Khu vực Tam giác Phát triển để khám phá.
Tiềm năng thì có nhiều, vấn đề là làm thế nào để phát huy hết thế mạnh của địa phương, cũng như phát huy liên kết với các địa phương khác trong khu vực để cùng phát triển. Kỳ vọng, Hội nghị hợp tác phát triển các địa phương Việt Nam với Lào và Thái Lan diễn ra tại Kon Tum vào ngày mai (2/4) sẽ tham vấn được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, đưa hợp tác lên tầm cao mới.