“Bình dân học vụ số” với cam kết lan tỏa tri thức số ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để thay đổi tư duy, nhận thức và thành công trong công cuộc chuyển đổi số thì mỗi cán bộ ngân hàng dù ở bất cứ vị trí nào cũng cần nâng cao kiến thức số, từ đó đóng góp thiết thực vào nâng cao hiệu quả công việc của đơn vị, đồng thời góp phần hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ quan, bộ, ngành và cả nền kinh tế.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” của ngành Ngân hàng Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” của ngành Ngân hàng

Những con số từ “Bình dân học vụ số”

Theo báo cáo Digital Việt Nam 2025 của DataReportal, Việt Nam hiện có 79,8 triệu người dùng internet, tăng 223 nghìn so với năm 2024; có 127 triệu lượt kết nối di động, tăng tương ứng 2,2 triệu lượt. Số liệu cho thấy xu thế người dân ứng dụng công nghệ số trong cuộc sống ngày càng tăng.

Tại Hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” của ngành Ngân hàng gắn với Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng ngày 27/5, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, nắm bắt xu thế, Vietcombank đã tiên phong triển khai nền tảng số toàn diện VCB Digibank, tích hợp đầy đủ dịch vụ tài chính từ chuyển tiền, thanh toán đến đầu tư, với thiết kế giao diện đơn giản, trực quan, tích hợp gợi ý hành vi thông minh - phù hợp cả với người lớn tuổi hoặc ít tiếp xúc công nghệ.

Số liệu ghi nhận đến tháng 4/2025 tại Vietcombank cho thấy, trên 15 triệu người dùng đăng ký các nền tảng ngân hàng số của Vietcombank, 85% tỷ lệ khách hàng có sử dụng dịch vụ trên các kênh điện tử, 91,8% tổng lượng giao dịch thực hiện trên nền tảng số. Riêng khách hàng bán lẻ, tỷ lệ này lên tới 99% - cho thấy mức độ tiếp nhận và niềm tin rất lớn từ cộng đồng.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó tổng giám đốc Vietcombank

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó tổng giám đốc Vietcombank

“Tại Vietcombank có “triết lý” đào tạo khách hàng thông qua giao diện trực quan, thân thiện với mọi người sử dụng, ngôn ngữ dễ hiểu, thao tác tự nhiên, giúp khách hàng có thể làm quen và sử dụng thành thạo ngay từ lần đầu”, bà Yến nói.

Tại BIDV, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc cho biết, Ngân hàng coi phong trào Bình dân học vụ số không chỉ là nhiệm vụ nội bộ mà còn là cam kết lan tỏa tri thức số đến từng khách hàng, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng thành thị, vùng nông thôn để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình tiếp cận dịch vụ tài chính số.

Theo đó, BIDV tập trung xóa nhòa rào cản công nghệ, bình dân học vụ ngân hàng số thông qua thiết kế trải nghiệm ngân hàng số đơn giản, dễ dùng minh bạch và hỗ trợ trực tuyến. Đưa ngân hàng số đến gần với người dùng bằng việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính số toàn diện nơi mọi hành trình được thiết kế đáp ứng trọn vẹn nhu cầu của khách hàng từ tiết kiệm, đầu tư gia tăng sinh lời, vay vốn, thanh toán, tiêu dùng...

Hiện nay, nền tảng số cho khách hàng cá nhân BIDV SmartBanking với hệ sinh thái số kết nối với hơn 2.000 nhà cung cấp dịch vụ thuộc nhiều lĩnh vực thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông… đang phục vụ hơn 22 triệu khách hàng đáp ứng từ giao dịch cơ bản đến các giải pháp tài chính chuyên sâu, giúp BIDV trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV

Đối với khách hàng doanh nghiệp, bà Giao cho biết, BIDV xác định chuyển đổi số là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Doanh nghiệp không chỉ cần vốn, mà cần một đối tác cung cấp giải pháp tài chính số toàn diện, linh hoạt phù hợp với quy mô hoạt động; đồng hành dài hạn, giúp hiện đại hóa vận hành, tối ưu quản trị và đưa ra quyết định nhanh, chính xác trên nền tảng dữ liệu.

Đáng chú ý, với các doanh nghiệp lớn - những người dẫn dắt thị trường, BIDV mang đến hệ sinh thái tài chính tích hợp sâu vào quy trình của doanh nghiệp - từ quản lý dòng tiền, quản lý chuỗi cung ứng, thu chi tự động, kết nối hệ thống kế toán… đến các dịch vụ ngân hàng mở (Open API).

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, thấu hiểu khách hàng là trung tâm chuyển đổi số, VietinBank cũng tích cực số hoá trải nghiệm khách hàng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đối với khách hàng cá nhân, VietinBank có 9 triệu khách hàng cá nhân sử dụng thường xuyên. VietinBank iPay với hơn 150 tính năng, kết nối với hơn 2.400 nhà cung cấp, số lượng giao dịch đạt gần 2 tỷ giao dịch/năm 2024, tăng 66% so với năm 2023. VietinBank iPay đang khẳng định là ngân hàng số uy tín và tin cậy của khách hàng.

“VietinBank là ngân hàng nhóm Big4 đầu tiên có dịch vụ mở tài khoản thanh toán trực tuyến dành cho khách hàng doanh nghiệp”, ông Lân cho biết.

Triển khai thử nghiệm từ ngày 17/4/2025, sau 7 ngày VietinBank có 57 khách hàng doanh nghiệp mới mở tài khoản qua eKYC. Chỉ 5 phút có ngay tài khoản doanh nghiệp VietinBank. Hiện Ngân hàng cũng có tỷ lệ 31% chuyển dịch giải ngân online cho khách hàng doanh nghiệp. Đối với cán bộ nhân viên, VietinBank cũng số hoá trải nghiệm cán bộ và đặt con người là trung tâm của chuyển đổi số. Trong đó, 79 khoá học nâng cao năng lực chuyển đổi số với 109.822 lượt học. Chuyển đổi số được phổ cập đến tất cả cán bộ tại VietinBank. Ngân hàng cũng tiến hành đào tạo phương thức làm việc bằng AI, sử dụng Chatbot AI để hỗ trợ kiến thức, đào tạo, tuyển dụng…

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank

5 nội dung chính của “Bình dân học vụ số”

Phát biểu tại Hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” của ngành Ngân hàng gắn với Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Ban chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 923/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã đưa ra các nội dung thi đua quan trọng trong phong trào “Bình dân học vụ số” tại ngành Ngân hàng.

Thứ nhất, thi đua nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và mô hình hoạt động, điều hành từ “truyền thống” sang không gian số dựa trên dữ liệu số. Gắn tuyên truyền, mục tiêu nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ của từng đơn vị, từng ngành trong hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số, phát triển các mô hình ngân hàng số, tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, hệ thống với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng, phát triển hệ sinh thái số. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị về công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ mới vào quy trình quản lý nội bộ và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán ngân hàng.

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả việc tinh gọn bộ máy gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh ứng dụng số trong cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, hướng tới cung cấp dịch vụ công toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng, đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức làm việc tiên tiến đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Thứ năm, xây dựng chương trình, kế hoạch phát động phong trào học tập trên các nền tảng số để trở thành phong trào “Học tập số”.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Việc phát động phong trào thi đua này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tinh thần, ý chí quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng trong việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao. Đặc biệt là các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và phong trào “Bình dân học vụ số” của Thống đốc NHNN … Qua đó, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và ngành Ngân hàng trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục