Rời vị trí Chủ tịch sau 33 năm, vị tỷ phú giàu nhất hành tinh Bill Gates sẽ vẫn duy trì sự hiện diện ở Microsoft như một thành viên trong HĐQT và giúp đỡ CEO mới được bổ nhiệm Satya Nadella trong vấn đề công nghệ và tái cấu trúc Tập đoàn. Trong khi rất nhiều quan điểm cho rằng, Satya Nadella là sự lựa chọn khá an toàn và khó có khả năng làm nên điều kỳ diệu, thì Gates trên cương vị mới được xem là tia hy vọng lớn cho các cổ đông Microsoft.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn rằng, không hẳn mọi nhà sáng lập đều thành công khi quay trở lại. Kinh nghiệm của Jerry Yang ở Yahoo!Inc là một minh chứng. Là người sáng lập Yahoo cùng với David Filo vào năm 1995 và theo dõi quá trình trưởng thành của Công ty từ những ngày còn chập chững cho đến nay. Những tưởng hơn ai hết, Yang sẽ vực dậy Công ty thành công sau khi Yahoo bị mất vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực quảng cáo mạng vào tay Google!
Song, sau 2 năm ngồi vào chiếc ghế CEO, Jerry Yang đã khiến toàn bộ cổ phiếu Yahoo mất đi 60% trị giá và phải chịu áp lực bán lại Công ty từ phía Microsft với giá 47,5 tỷ USD.
“Anh ta đã xây dựng cỗ máy tìm kiếm tuyệt vời ngay từ lúc bắt đầu. Tuy nhiên, khi trở lại, anh ấy đã không thể tìm ra được đâu là hướng đi tiếp theo”, Giáo sư Jerry Davis ở trường Đại học Michigan nhận xét.
Trái lại, cũng có những nhà sáng lập chưa bao giờ ra đi và đang viết tiếp những câu chuyện thành công cho đứa con tinh thần của họ. Cụ thể, Jeff Bezos vẫn đang duy trì tầm ảnh hưởng của mình ở Tập đoàn Amazon.com kể từ ngày phát minh ra nó. Hay như Ralph Lauren vẫn tiếp tục sáng tạo các xu hướng thời trang mới tại kinh đô mang tên mình sau 40 năm.
Trở lại với trường hợp của Bill Gates, năm 2000, khi Gates rời vị trí CEO, Microsoft đang nắm giữ quyền thống trị thế giới bằng việc điều khiển gần 93% thiết bị máy tính khách hàng toàn cầu. 12 năm sau, con số đó giảm xuống còn chưa đầy 12% sau khi thị trường liên tục bành trướng với sự gia nhập thêm dòng điện thoại thông minh và máy tính bảng - những máy móc không chạy trên phần mềm Microsoft.
Nhiều lời chỉ trích dồn vào Bill Gates lúc đó khi ông đã bỏ lỡ xu hướng thiết bị di động. Bởi rất lâu trước thời điểm Apple tung hoành, Gates đã bắt tay vào phát triển những mẫu thiết bị màn hình nhỏ đầu tiên, song không thành công. Năm 2007, iPhone ra đời là dấu hiệu lớn nhất cho sự thất sủng của Microsoft trên chiến trường quốc tế.
Nhiều người đã đặt Bill Gates và Steve Jobs lên bàn cân và đem ra so sánh. Trong khi Gates đạt được mục tiêu ban đầu của mình là phải đặt một chiếc PC trên mỗi bàn làm việc, thì Jobs giống với hình ảnh một người thợ thủ công hơn. Ông gần như tập trung mọi phút giây sáng tạo vào những chi tiết dù là nhỏ nhất để tạo cho sản phẩm vẻ ngoài bắt mắt và dễ sử dụng. Khác với Gates, Jobs không tham gia vào bất cứ công việc xã hội, từ thiện nào khác ngoài Apple trước khi ông chết.
Không thể phủ nhận, sau 12 năm đấu tranh và sáng tạo, Steve Jobs mang đến cho thế giới một cuộc cách mạng về công nghệ có giá trị nhất. Ông đã nhìn thấy trước con đường phát triển của những thiết bị hiện đại giúp con người có thể trò chuyện, nghe nhạc, xem phim và giao dịch thương mại. Đây là suy nghĩ để cho ra đời những chiếc iPod, iPhone và iPad.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của Steve Jobs. Riêng đối với Bill Gates, nhiều con mắt tỏ vẻ hoài nghi khi bằng cách nào người đàn ông quyền lực 58 tuổi này có thể trở nên hữu dụng cho tân CEO mới kể từ thời điểm này? Và liệu ông có bắt kịp xu thế hiện đại nói chung? Bởi những năm qua, Gates đã dùng phần lớn thời gian vào quỹ từ thiện của mình để cố gắng diệt trừ bệnh bại liệt và giảm đói nghèo. Người ta chắc chắn rằng, ông đã rút lui khỏi Microsoft và quy về ở ẩn.
Song, có vẻ như niềm đam mê công nghệ trong ông chưa bao giờ tắt. Quyết định trở về làm người bạn đồng hành cho CEO mới của Tập đoàn là cái kết được chờ đón nhất từ Gates.
“Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nếu căn nguyên của sự thành công ban đầu không phải là những gì cần thiết để thành công trong tương lai thì những người sáng lập cũng không thể thay đổi được gì”, Giáo sư Davis nói.