Người vực dậy Ford có “cứu rỗi” Microsoft?

(ĐTCK) Không phải vô cớ mà Microsoft quyết tâm mời gọi Alan Mulally, thủ lĩnh của hãng ôtô Ford về thay thế vị trí giám đốc điều hành cho Steve Ballmer.
Alan Mulally Alan Mulally

Ở thời kỳ đỉnh cao của Microsoft, Bill Gates đã phát biểu công kích ngành công nghiệp ôtô, rằng nếu các nhà sản xuất ô tô có sự sáng tạo vượt bậc như các công ty sản xuất máy tính, thì giá mỗi chiếc xe ôtô chỉ dừng lại ở mức 27 USD. Nhưng đó là chuyện của 16 năm về trước. Không ai ngờ rằng, có một ngày Microsoft lại nhắm tới thủ lĩnh của hãng ôtô Ford, ông Alan Mulally để thay thế vị trí giám đốc điều hành của Steve Ballmer trong vòng 1 năm tới.

Alan Mulally đã trở thành một tên tuổi nổi tiếng trong ngành công nghiệp ô tô thế giới khi vực dậy Ford sau 4 năm hãng này chìm trong bóng tối, với lợi nhuận kỳ vọng thu về lên tới hơn 8 tỷ USD trong năm nay. Không phải vô cớ mà Microsoft quyết tâm mời gọi Alan Mulally về vị trí giám đốc điều hành, đơn giản vì ở ông hội tụ nhiều yếu tố về tài năng và tầm nhìn chiến lược để có thể cải cách toàn bộ bộ máy hoạt động trong Công ty, đưa Microsoft trở về thời kỳ đỉnh cao.

Microsoft kỳ vọng Alan Mulally sẽ phát huy được khả năng lãnh đạo tài tình mà ông đã thể hiện tại hãng ô tô Ford để có thể nhìn thấu và sửa chữa những vấn đề tồn đọng trong hệ thống Microsoft mà những người tiền nhiệm không nhận ra, như văn hóa cạnh tranh hoặc là sự phân chia nhỏ những mảng hoạt động. Microsoft hiện đang đốt cháy hàng tỷ USD vào công cụ tìm kiếm Bing trong công cuộc chạy đua với Google. Đồng thời, sự thất bại đáng buồn của máy tính bảng Surface cũng “cuỗm” đi hàng trăm triệu USD của Công ty.

Người vực dậy Ford có “cứu rỗi” Microsoft? ảnh 1

Alan Mulally đã trở thành một tên tuổi nổi tiếng trong ngành công nghiệp ô tô thế giới khi vực dậy Ford

Bằng cách nào Alan Mulally có thể cứu Microsoft? Mặc dù Mulally chưa thật sự nắm rõ tình hình của Microsoft, nhưng ít ra ông đã từng ở trong trường hợp tương tự với Ford. Chính ông là người đã đưa Ford ra khỏi vũng bùn phá sản ở TP. Detroit, nơi từng là cái nôi của nền công nghiệp ôtô Mỹ đầu thế kỷ 20 mà không cần dựa vào gói cứu trợ nào của Chính phủ. Cụ thể, ông yêu cầu các kỹ sư phải tiến hành sản xuất dòng xe ôtô toàn cầu như Focus, thay vì tốn hàng tỷ USD vào những dòng xe cá nhân cho từng vùng. Thậm chí, trong thời kỳ khủng hoảng của Ford, Mulally đã quyết định bán hoặc đóng cửa các thương hiệu từng một thời rất nổi tiếng nhưng đang gây thua lỗ như Volvo, Jaguar và Mercury, để đầu tư vào những loại xe ôtô tầm trung với thiết kế sắc sảo như Fusion. Ông đưa ra chỉ thị rõ ràng cho toàn bộ ban lãnh đạo: hoặc là chấp thuận kế hoạch mới hoặc ra khỏi Công ty. Kết quả là hầu hết nhân viên đều ở lại và hợp tác với Mulally.

“Ông ta là một thiên tài trong việc điều hành con người. Là người vẽ ra đường đi nước bước cho Ford nhằm sử dụng thời gian và đồng tiền một cách hiệu quả nhất, đem lại dịch vụ đặc biệt cho khách hàng”, James Schrager, giáo sư ở Đại học Chicago nói.

Ngoài ra, Alan Mulally cũng đang có mối quan hệ ràng buộc với Microsoft cũng như ngài Ballmer. Với tư cách là giám đốc điều hành của Ford, ông Mulally đang hợp tác với Microsoft trong việc cung cấp hệ điều hành Microsoft’s Windows Embedded dành cho bảng điều khiển hệ thống giải trí Ford Sync. Thêm vào đó, bố của Steve Ballmer cũng từng làm việc ở Ford trong hơn 30 năm. Trên thực tế, Mulally và Ballmer là bạn bè của nhau. Thậm chí, Ballmer đã nói chuyện với Mulally về việc tái cấu trúc Microsoft vừa được công bố vào tháng 7. Vì thế, ông Mulally chắc chắn sẽ cần đến sự ủng hộ của ngài Ballmer nếu được tiến cử vào vị trí Giám đốc điều hành khi Ballmer đang là một trong 5 cổ đông lớn của Microsoft. Năm 2009, trong ấn phẩm Time số 100, Ballmer đã hết lời ca ngợi Mulally, rằng sự cống hiến của Mulally dành cho Ford bao gồm hai mặt “tình cảm và lý trí” trong đó. 

Mặc dù vậy, bên cạnh tài năng điều hành, không thể phủ nhận Mulally vẫn còn thiếu kinh nghiệm cũng như kiến thức nền trong lĩnh vực công nghệ phần mềm.

“Ngày nay, bất cứ nhà lãnh đạo giỏi giang nào trong lĩnh vực phần mềm, phần cứng hay dịch vụ khách hàng đều là những người “học cao hiểu rộng” về công nghệ”, Patrick Moorhead, Chủ tịch Hãng phân tích Moor Insights and Strategy nói. Ông Moorhead ứng cử Tony Bates, một lập trình viên đồng thời là cựu giám đốc điều hành của phần mềm Skype và hiện đang quản lý mảng phát triển chiến lược kinh doanh ở Microsoft.

Chưa kể, với tuổi 68 của mình, Alan Mulally như “ông lão” trong bộ máy Microsoft, khi độ tuổi trung bình của nhân viên Công ty là 34 theo số liệu của Hãng nghiên cứu PayScale Inc. Con số này của Microsoft cao hơn cả độ tuổi trung bình ở Google (29 tuổi) và Facebook (28 tuổi). Nhiều người đặt câu hỏi, nên chăng Microsoft cần tìm một vị lãnh đạo trẻ tuổi để thổi luồng gió mới vào hệ thống phần mềm lâu đời này?

Câu chuyện “chèo kéo” Alan Mulally về làm Giám đốc điều hành của Microsoft vẫn chưa đi đến hồi kết, nhưng nhiều người quan tâm kỳ vọng sự hiện diện của Mulally tại Microsoft sẽ mang lại nhiều chuyển biến mới tích cực hơn cho Công ty như những gì Mulally đã làm được với Ford.


Hồng Tuyết (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục