Bill Gates nói Paul Allen đã thay đổi đời mình

Tỷ phú Bill Gates nhớ lại khi mới gặp đã ngưỡng mộ Paul Allen ngay vì... rất cao và là thần đồng máy tính.
Pau Allen (trái) và Bill Gates (phải) khi còn học chung trường. Ảnh: Gates Notes. Pau Allen (trái) và Bill Gates (phải) khi còn học chung trường. Ảnh: Gates Notes.

Paul Allen là nhà đầu tư, doanh nhân và nhà từ thiện có tầm ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, khoa học, thể thao đến âm nhạc. Ông qua đời vì bệnh ung thư hạch không Hodgkin hồi giữa tháng.

Allen đồng sáng lập Microsoft cùng Bill Gates năm 1975, vài năm sau khi cả hai cùng học tại một trường tư ở Seattle. Dưới đây là những điều Bill Gates nhớ nhất về Allen, được ông đăng trên Gates Notes.

Tôi gặp Paul Allen năm lớp 7. Và việc này đã thay đổi đời tôi.

Tôi ngưỡng mộ ông ấy ngay lập tức. Ông ấy học trên tôi 2 lớp, rất cao và là thần đồng máy tính (Sau này ông ấy còn có bộ râu rất ngầu nữa, kiểu mà tôi chẳng bao giờ nuôi được). Chúng tôi gắn kết với nhau nhờ chiếc máy điện báo kết nối với một mạng máy tính từ xa, mà mẹ của một số học sinh khác mua cho trường.

Sau này, chúng tôi thường dành gần như toàn bộ thời gian rảnh nghiên cứu bất kỳ loại máy nào mình được chạm tay vào. Ở độ tuổi mà các học sinh khác còn lẻn ra ngoài đi tiệc tùng, Paul và tôi lại lén ra ngoài nửa đêm để dùng máy tính tại một phòng thí nghiệm ở Đại học Washington. Nghe có vẻ cuồng công nghệ, mà thực ra cũng đúng như vậy, nhưng nó cũng là một trải nghiệm nền tảng.

Tôi không chắc mình có đủ dũng cảm làm điều đó không nếu không có Paul. Mà tôi biết như thế sẽ kém vui hơn nhiều lắm. (Việc “ăn gian” thời gian dùng máy tính đã trở thành điều quen thuộc với cả hai chúng tôi.

Sau này, khi học tại Harvard, tôi từng gặp rắc rối vì để Paul dùng máy trong phòng lab của trường mà không xin phép).

Thậm chí khi còn học trung học, trước khi phần lớn mọi người biết máy tính cá nhân là gì, Paul đã dự báo chip máy tính sẽ trở nên siêu mạnh và sẽ nâng tầm cả ngành công nghiệp. Rất nhiều người không biết rằng Microsoft không phải dự án đầu tiên chúng tôi làm chung, mà là Traf-O-Data.

Nó là một loại máy phân tích thông tin thu thập được từ hệ thống giám sát giao thông trên đường. Chúng tôi nghĩ rằng nó là một minh chứng tuyệt vời cho sức mạnh của các thiết bị mới. Chúng tôi đã tạo ra bản mẫu và cho chạy nó, rồi tưởng tượng sẽ bán được trên khắp nước Mỹ. Nhưng rút cục, chẳng ai muốn mua cả, thế là chúng tôi phải từ bỏ.  

Sau đó, chúng tôi quyết định khởi động dự án khác, thành công hơn, vào tháng 12/1974. Paul và tôi đều sống ở Boston. Ông ấy khi đó đã đi làm, còn tôi vẫn đi học. Một ngày, ông ấy ghé qua chỗ tôi, năn nỉ tôi đến một sạp báo cùng. Khi tới nơi, ông ấy chỉ cho tôi xem trang bìa số tháng 1 của tờ Popular Electronics.

Trên đó là một chiếc máy tính có tên Altair 8800, chạy chip xử lý mới. Paul nhìn tôi và nói: “Việc này đã xảy ra mà không có chúng ta”. Đó là khoảnh khắc đánh dấu sự kết thúc quãng thời gian đi học của tôi, và mở ra một công ty mới - Microsoft.

Thời đó, chip xử lý hạn chế đến nỗi bạn không thể làm cái gọi là “phát triển tự nhiên”, tức là không thể dùng máy đó để viết phần mềm cho chính nó. Điều này khiến việc viết code cho các loại chip này khá thách thức. Paul đã có một ý tưởng tuyệt vời:

Viết đoạn code cho phép chúng tôi giả lập những con chip đó trên một máy tính mạnh, sau đó chuyển đoạn mã này sang máy có chip yếu hơn. Đây là sự đột phá quan trọng với thành công ban đầu của Microsoft. Và Paul xứng đáng được vinh danh vì điều đó.

Là người đầu tiên tôi hợp tác cùng, Paul đã khiến tôi thiết lập một tiêu chuẩn mà ít người có thể đạt được. Ông ấy có trí tuệ hơn người và tài năng đặc biệt trong việc lý giải các vấn đề phức tạp theo cách đơn giản.

Ông ấy có rất nhiều sở thích, từ nghệ thuật đến trí tuệ nhân tạo. Ông ấy muốn ngăn chặn nạn săn bắt voi, thúc đẩy thành phố thông minh và tăng tốc nghiên cứu não bộ.

Vì rất may mắn biết ông ấy từ khi còn nhỏ, tôi đã nhìn thấy những điều đó trước khi cả thế giới này nhìn ra. Có lần, khi còn là thiếu niên, tôi tò mò về xăng dầu.

Tôi thắc mắc thế nào là “lọc dầu”, và tìm đến người hiểu biết nhất mà tôi biết. Paul đã giải thích nó theo cách cực kỳ thú vị và dễ hiểu. Đó là một trong rất nhiều cuộc hội thoại khai sáng mà chúng tôi có với nhau trong vài thập kỷ sau đó.

Paul thú vị hơn tôi nhiều. Ông ấy thực sự thích Jimi Hendrix. Tôi nhớ ông ấy từng chơi bản “Are You Experienced?” cho mình nghe. Tôi khi ấy không có nhiều trải nghiệm trong bất kỳ lĩnh vực gì, và Paul muốn chia sẻ thứ âm nhạc tuyệt vời ấy với tôi.

Con người Paul là thế. Ông ấy yêu cuộc sống và những người xung quanh mình.

Sự hào phóng của ông ấy cũng rộng lớn như sở thích vậy. Tại quê nhà chúng tôi ở Seattle, Paul đã hỗ trợ cung cấp nơi ở cho người vô gia cư, nghiên cứu não bộ và giảng dạy nghệ thuật. Ông ấy cũng xây Bảo tàng Văn hóa Đương đại, với bộ sưu tập khổng lồ của mình về âm nhạc, khoa học viễn tưởng và phim ảnh.

Khi nghĩ về Paul, tôi sẽ nhớ về một người nhiệt thành, quan tâm đến gia đình và bạn bè. Tôi cũng nhớ về một chuyên gia công nghệ kiệt xuất, một nhà hảo tâm luôn muốn làm những điều vĩ đại, và đã làm được.

Paul xứng đáng được sống lâu hơn nữa. Ông ấy sẽ biết cách tận dụng tối đa quãng thời gian đó. Tôi sẽ nhớ ông ấy rất nhiều.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục