Big_Trends: Chiến lược lựa chọn danh mục cổ phiếu tối ưu

(ĐTCK) Đã có những phiên điều chỉnh rất mạnh giữa tuần qua khi VN-Index chạm vùng kháng cự 1.060 - 1.065 điểm. Các phiên điều chỉnh gây hoang mang ghê gớm ít nhất là đối với các nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu với tỷ lệ margin cao hoặc mới vừa giải ngân vào thị trường.
Big_Trends: Chiến lược lựa chọn danh mục cổ phiếu tối ưu

Câu hỏi về khả năng lên tiếp của thị trường lại đưa lên bàn cân và đâu đó các nhà đầu tư cũng đã phải thừa nhận mặt bằng cổ phiếu đang ở mức cao - Việc tham gia vào thị trường ở hiện tại tiềm ẩn rủi ro hơn và khó chọn cổ phiếu để tham gia đầu tư và đầu cơ hơn.

Câu chuyện về dự thảo sửa đổi cho vay margin của UBCK hay phiên bán đấu giá của một số bom tấn tuần qua như Pvoil hay BSR cũng là chủ đề được bàn luận sôi nổi hoặc thậm chí được cho là nguyên nhân khiến thị trường điều chỉnh. Ẩn chứa sau các phiên điều chỉnh đó là tâm lý nhà đầu tư, trạng thái  hay tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu lớn từ phía các nhà đầu tư cũng là nguyên nhân khiến thị trường “cần có nhịp điều chỉnh” lấy đà để lên các điểm cao mới.

Dù sao đi nữa, các phiên giảm điểm mạnh và hồi phục ngay sau đó cho phép chúng ta có cái nhìn đơn giản hơn về việc điều chỉnh kỹ thuật trên TTCK. Thị trường tăng nhanh và mạnh cũng sẽ phải có những phiêu điều chỉnh - Điều chỉnh mạnh (thường xảy ra ở các trend lớn trong khoảng thời gian ngắn hơn) kéo dài từ 3 - 5 phiên hay từ  2- 4  tuần.

Nếu thị trường tăng điểm mạnh nhờ đà tăng giá của các cổ phiếu lớn, thì cũng điều chỉnh mạnh do chính các cổ phiếu lớn đó điều chỉnh giảm - Các cổ phiếu khác không tăng giá hay đi ngang ở giai đoạn vừa qua cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Dưới góc độ kỹ thuật, mốc 1.060 - 1.065 chỉ là mốc kháng cự “yếu” so với vùng 1.100 - 1.180 của thị trường và thị trường vẫn sẽ tiếp tục hướng tới các điểm cao phía trên. Tại các cứ điểm 1.100 - 1.180 điều chỉnh lớn và dài ít nhất 2 - 3 tuần có khả năng sẽ diễn ra.

Cho dù điều gì xảy hay ra dự báo về thị trường của chúng ta như thế nào, thì không phải là điều quan trọng, chúng ta sẽ quan tâm hơn là áp dụng chiến lược đầu tư gì? Chiến lược đầu tư chủ động hay thụ động và nên tập trung vào nhóm ngành gì?

Chiến lược “không làm gì cả” khác với trường phái lựa chọn danh mục chủ động ở nhiều loại cổ phiếu khác nhau có thể phù hợp phần nào với các nhà đầu tư không thích mạo hiểm với mong muốn có lợi suất danh mục thỏa đáng.

Chiến lược chủ yếu chọn lựa các cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số - cụ thể là nhóm cổ phiếu VN30 - những cổ phiếu chưa tăng nhiều hay còn dư địa tăng thuộc các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí…, là những lựa chọn tối ưu hơn cả.

Hơn nữa, phương pháp mà chúng ta có thể gọi là The 10 VN30 Strategy cũng có thể là chọn ra 10 cổ phiếu thuộc VN30 với tỷ lệ trả cổ tức cao nhất, sau đó lại tiếp tục chọn ra vài cổ phiếu đầu ngành cơ bản có hưởng lợi từ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế năm nay như bán lẻ, dịch vụ, ngân hàng, chứng khoán…

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đi theo trường phái lựa chọn danh mục chủ động từ các cổ phiếu bất kỳ từ vốn hóa lớn đến vốn hóa nhỏ, miễn là thị giá cổ phiếu thấp hơn nhiều so với giá trị thực của cổ phiếu, định giá thấp hơn nhiều so với tài sản hoặc triển vọng cơ bản. Phương pháp này có lẽ cần nhiều hơn về kinh nghiệm cũng như trình độ của các nhà đầu tư có định hướng chuyên nghiệp.

Chọn cổ phiếu đã khó nhưng việc nắm giữ thế nào còn khó hơn - Phẩm chất tối quan trọng đối với nhà đầu tư hiện tại bên cạnh sự sáng suốt, nhanh nhậy, kỷ luật đó là sự kiên nhẫn.

Big_Trends

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục