Big Tech Trung Quốc trở lại cuộc đua giúp thúc đẩy kinh tế Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các báo cáo thu nhập quý I/2023 của Alibaba, Baidu và Tencent cho thấy tinh thần lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
Big Tech Trung Quốc trở lại cuộc đua giúp thúc đẩy kinh tế Trung Quốc

Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đang trở lại đường đua. Doanh thu của Alibaba đã tăng 2% so với năm trước. Mặc dù có một khởi đầu chậm chạp trong đầu năm, nhà điều hành của hai trong số các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc đã nhận thấy đà tăng trưởng tích cực trong nước vào tháng 3.

Baidu là công ty đang nỗ lực để khẳng định mình là người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đã báo cáo mức tăng trưởng khoảng 10%. Đây là mức tăng trưởng vượt qua kỳ vọng của các chuyên gia phân tích kinh tế.

Ngoài ra, Tencent cũng công bố doanh thu tăng ấn tượng là 11%. Công ty cho rằng hiệu suất của họ là nhờ sự phục hồi đáng kể về khối lượng thanh toán, doanh số bán quảng cáo và trò chơi, dựa trên sự phục hồi vững chắc của người tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc.

Các công ty Big Tech của Trung Quốc hiện đang ủng hộ việc tích hợp các nền kinh tế kỹ thuật số và thực tế. Điều này có nghĩa là ngoài việc cung cấp dịch vụ đám mây cho khách hàng doanh nghiệp, các công ty Big Tech của Trung Quốc còn cung cấp thêm các dịch vụ công nghệ khác.

Tencent đang hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác đường cao tốc địa phương triển khai radar để giúp ngăn ngừa tai nạn giao thông và Huawei đang tự động hóa các mỏ than để giảm đáng kể nhu cầu về nhân sự dưới lòng đất. Mặc dù những liên doanh này ít được công khai hơn, nhưng họ đang khiến những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc nổi bật so với các nền tảng internet cơ bản như Meta.

Hoạt động kinh doanh chính của hầu hết các công ty công nghệ đều tập trung vào các lĩnh vực như hàng tiêu dùng và quảng cáo. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 5,2% trong năm 2023.

Các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang ngày càng có tầm nhìn vượt ra ngoài biên giới đất nước. Doanh thu trò chơi của Tencent từ các thị trường quốc tế tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu trò chơi ở nước ngoài hiện chiếm hơn 1/3 quy mô doanh thu trò chơi trong nước của công ty.

Theo các chuyên gia, Tencent đã có kế hoạch thiết kế các trò chơi để thu hút khán giả toàn cầu ngay từ đầu, thay vì nhắm mục tiêu vào các thị trường cụ thể. Công ty đã đặt mục tiêu mở rộng các nhóm địa phương của họ để thúc đẩy một hệ sinh thái trò chơi toàn cầu tích hợp.

Ngoài ra, các nền tảng thương mại điện tử Shein và Temu của Trung Quốc đang giúp giảm bớt gánh nặng lạm phát cho người tiêu dùng bằng cách giảm chi phí cho các sản phẩm quần áo và thời trang. Trong khi đó, TikTok tiếp tục phục vụ nhu cầu mua sắm của hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Alibaba, Daniel Zhang Yong cho rằng, toàn cầu hóa sẽ là một trong những yếu tố quan trọng mà công ty đang hướng đến.

Vào thời điểm căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, những thành tựu của các công ty Big Tech ở Trung Quốc trên thị trường quốc tế cho thấy tinh thần kinh doanh và cam kết bền vững của họ hướng đến toàn cầu hóa. Điều này như một nguồn cảm hứng cho nhiều công ty khởi nghiệp nhỏ hơn tại Trung Quốc.

"Không nên đánh giá thấp mảng công nghệ của Trung Quốc"

Tờ Nikkei Asian cho hay nhà sáng lập Jensen Huang của Nvidia đã cảnh báo rằng, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng phát triển chip bán dẫn cho riêng mình nhằm đáp trả những áp lực hiện nay của Phương Tây, và những doanh nghiệp chip hiện nay cần phải tỉnh táo để giữ được sự cạnh tranh.

“Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ coi căng thẳng thương mại lần này là một cơ hội để thúc đẩy các nhà khởi nghiệp và đây là lý do có rất nhiều startup mảng GPU (bộ xử lý cho phát triển AI) đã xuất hiện ở Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã chứng minh cho mọi người thấy khả năng phát triển công nghệ vượt bậc của mình trong mảng điện toán đám mây, dịch vụ Internet, thanh toán trực tuyến, xe điện và hệ thống lái tự động", nhà sáng lập đồng thời là CEO của Nvidia, ông Jensen Huang nhận định.

Khi được hỏi về khoảng cách công nghệ giữa Nvidia với những nhà sản xuất chip Trung Quốc, ông Jensen Huang nhấn mạnh “Chúng tôi đang phải vắt chân lên mà chạy. Nguồn lực của Trung Quốc trong mảng này là cực kỳ khổng lồ và bạn không nên đánh giá thấp quốc gia này”.

Song, điều đáng chú ý là có tình trạng một số công ty tại nước này bắt đầu chuyển trụ sở chính ra nước ngoài với hy vọng thoát khỏi tầm ngắm của chính phủ Mỹ. Thêm nữa, một số lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc gần đây cho biết, họ cần có quyền thường trú nhân hoặc quốc tịch nước ngoài để hạn chế hơn nữa những thành kiến đối với công ty Trung Quốc tại Mỹ.

Theo Reuters, các doanh nhân công nghệ Trung Quốc, những người muốn mở rộng kinh doanh sang Mỹ đều đang lấy quốc tịch khác, chẳng hạn như Hồng Kông, Canada, Nhật Bản, Mỹ hay Singapore. Đó là bởi việc mở rộng sang thị trường Mỹ vẫn là mục tiêu cuối cùng của hầu hết những doanh nhân công nghệ Trung Quốc bất chấp những khó khăn gần đây, trong bối cảnh thị trường nội địa không phải là lựa chọn hấp dẫn dù có quy mô khổng lồ. Việc thắt chặt các chính sách quản lý công nghệ, cùng chính sách “zero-Covid” nghiêm ngặt khiến nhiều công ty tại đây “vỡ mộng”.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục