Biết dựa vào truyền thông, doanh nghiệp thêm lớn mạnh

(ĐTCK) Truyền thông ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển doanh nghiệp, nâng cao uy tín và định vị thương hiệu. Nhiều ông chủ doanh nghiệp đã coi truyền thông là kênh ưu tiên số 1 để đồng hành nhằm phản biện chất lượng doanh nghiệp đến với nhà đầu tư.
Biết dựa vào truyền thông, doanh nghiệp thêm lớn mạnh

“Doanh nghiệp lớn mạnh nhờ truyền thông”

Đó là lời khẳng định của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC). HBC vừa lọt vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes bình chọn. Kết quả kinh doanh của năm 2017 và một số chỉ tiêu đánh giá cho thấy, HBC đang phát triển đúng hướng, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng.

“Trong 2 năm 2015 - 2017, doanh thu tăng hơn 3 lần, lợi nhuận tăng hơn 10 lần. Đây là một kỳ tích, mà trong đó, truyền thông đã có đóng góp rất quan trọng”, ông Hải nhấn mạnh.

Thực tế, HBC đã nhận thức được vai trò thiết yếu của truyền thông, nhất là kênh báo chí chính thống, bởi không ít kinh nghiệm trong quá khứ. Chẳng hạn, Tập đoàn từng có nhiều phen lao đao vì tin đồn, cổ phiếu giảm nhiều phiên liên tiếp khi xuất hiện tin đồn Xây dựng Hòa Bình bị KhaiSilk “xù” nợ 2.500 tỷ đồng.

Ngay sau đó, ông Hải đã lên tiếng chính thức trên báo chí phủ nhận tin đồn, đồng thời phát đi thông cáo báo chí. Phản ứng đính chính bằng truyền thông đã giúp cổ phiếu HBC tăng giá trở lại sau vài phiên giảm.

Hết tin đồn liên quan đến Khai silk, HBC lại “dính” tin đồn có quan hệ sâu sắc với Vũ “nhôm”, một lần nữa cổ phiếu HBC lao dốc bất chấp động thái đăng ký mua vào của lãnh đạo doanh nghiệp này nhằm cứu giá. Ông chủ HBC lại lên tiếng phủ nhận thông tin trên nhằm đảm bảo tính minh bạch, nhờ vậy cổ phiếu HBC phục hồi trở lại.

Xây dựng niềm tin trên thị trường chứng khoán rất quan trọng và để có niềm tin, các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, bằng nhiều kênh truyền thông, trong đó, kênh báo chí được nhiều lãnh đạo công ty lựa chọn.

Không riêng ông Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng Cotecons Nguyễn Bá Dương cũng đã phải lên tiếng với nhà đầu tư khi cổ phiếu CTD của công ty này giảm 50% giá trị chỉ trong thời gian chưa đến một năm.

"Cổ đông có muốn sáp nhập các công ty con để phát triển thêm hay không? Thế giới phát triển thì người ta phải lớn lên, nhiều công ty lớn trên thế giới cũng tăng trưởng mạnh sau sáp nhập", ông Dương nói, đồng thời đưa ra kế hoạch sáp nhập các công ty con để đảm bảo tính minh bạch cho CTD.

Về câu chuyện một lãnh đạo cấp cao của Cotecons ra đi mang theo nhiều đối tác, khiến hoạt động của Công ty sụt giảm nhiều, ông Dương thẳng thắn khẳng định, con người là tài sản của CTD nhưng với những người không muốn gắn bó với Công ty, CTD vẫn tôn trọng.

Ngay khi ông chủ Cotecons lên tiếng, mã CTD đã bật xanh trở lại và tăng giá trong nhiều phiên liên tiếp. Trong phiên ngày 15/6, cổ phiếu CTD có giá 161.200 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 32% so với điểm rơi ngày 25/5 về 122.000 đồng/cổ phiếu.

Truyền thông định vị thương hiệu

Không chỉ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động ổn định của doanh nghiệp, truyền thông còn được lựa chọn là kênh đặc biệt trong việc định vị thương hiệu. Điển hình cho câu chuyện này có thể nhìn cách các doanh nghiệp như Vinamilk, VietJet, Vingroup, Traphaco, Sungroup… đã và đang tiến hành.

Còn nhớ năm 2011, khi chen chân quảng cáo vào đêm chung kết Cúp C1, Kangaroo được phát đi với duy nhất một clip quảng cáo vỏn vẹn 5 giây và chỉ sau một đêm, thương hiệu Kangaroo - “Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam” đã ghi dấu mạnh mẽ trong tâm trí hàng triệu người tiêu dùng.

Chia sẻ về trường hợp truyền thông thương hiệu kinh điển này, ông Lê Xuân Hoàn, Tổng giám đốc Kangaroo Việt Nam nói: “Chúng tôi đã thành công, chỉ với một câu slogan dễ nhớ, dễ hiểu, gây ấn tượng mạnh mẽ với thị trường về bộ nhận diện mới của Kangaroo và lan tỏa truyền miệng nhanh chóng cho tất cả mọi người”.

Nhanh nhạy với các vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm, nhiều doanh nghiệp đã bắt theo xu hướng tốt để làm truyền thông thương hiệu (còn gọi là “bắt trend”). Câu chuyện của Biti’s là một ví dụ. Khi đội tuyển U23 Việt Nam ghi ấn tượng mạnh tại giải bóng đá trẻ châu Á năm 2017 vừa qua, niềm tự hào dân tộc dâng lên mạnh mẽ trong mỗi người dân Việt, hãng giầy Biti’s đã nhanh chóng đưa ra một sản phẩm mới - Biti’s Hunter The Red Snow phiên bản tự hào.

Đội ngũ Biti’s cho biết, “phiên bản tự hào” được thiết kế trong 12 giờ không nghỉ ngơi. Đây là một sản phẩm có câu chuyện ý nghĩa nên được truyền thông chú ý. Sản phẩm có số lượng có hạn và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng, hàng “cháy” ngay trong ngày ra mắt. Một lần nữa, Biti’s đã ghi thêm nhiều điểm cộng trong hành trình định vị thương hiệu.

Truyền thông nói chung và truyền thông báo chí nói riêng luôn có vai trò quan trọng trong hành trình phát triển của một doanh nghiệp, như một vị chủ tịch doanh nghiệp về dược phẩm chia sẻ “truyền thông có sức mạnh vô cùng lớn, lan tỏa thông tin trong cộng đồng nhanh, giúp doanh nghiệp kết nối với nhà đầu tư, khách hàng, gắn kết với mọi người tạo ra vòng tròn kết nối bền chặt và sâu rộng. Nếu biết sử dụng truyền thông hiệu quả, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích”.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục