Biên giới Trung - Triều thời khốn khó

Người Trung Quốc làm ăn ở biên giới Trung - Triều lo ngại khi quốc tế tăng áp lực buộc Bắc Kinh tăng trừng phạt Bình Nhưỡng.
Cầu Đồng Môn nối thành phố Đồng Môn, Trung Quốc và huyện Onsong, Triều Tiên. Ảnh: SCMP. Cầu Đồng Môn nối thành phố Đồng Môn, Trung Quốc và huyện Onsong, Triều Tiên. Ảnh: SCMP.

Su Nan, một thương nhân ở biên giới Trung Quốc - Triều Tiên, cách đây ít lâu còn rất bận rộn. Ông dậy từ sáng sớm, liên tục bàn chuyện làm ăn qua điện thoại, thảo luận những hợp đồng trị giá triệu đô nhưng giờ đây, mọi thứ đã đi vào dĩ vãng, theo SCMP.

"Năm nay chúng tôi không kiếm được gì", Su nói. "Thực tế, chúng tôi bắt đầu chật vật từ năm 2016, các đơn hàng ngày một ít đi".

Su làm việc tại công ty Thương mại Sevsuns Đan Đông. Đây là một công ty xuất nhập khẩu có trụ sở tại Đan Đông, thành phố biên giới Trung Quốc cách Triều Tiên một con sông hẹp.

Trung Quốc có đường biên giới dài 1.420 km với Triều Tiên. Đường biên dài khiến thúc đẩy mậu dịch qua biên giới phát triển, chỉ riêng Đan Đông đã có tới 600 công ty như của Su.

Trong tình hình Bắc Kinh đang cố ngăn trở chương trình tên lửa hạt nhân và đạn đạo của Bình Nhưỡng, những thương nhân Trung Quốc như Su đang cảm thấy tương lai bất an.

Những cuộc đàm phán an ninh cấp cao gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ ở Washington, cùng với cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên tuần trước, càng gây nhiều lo ngại hơn cho các doanh nghiệp xuyên biên giới.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Trung Quốc và Mỹ "đều đồng ý rằng công ty hai nước không được làm ăn với bất kỳ tổ chức nào của Triều Tiên trong danh sách cấm của Liên Hợp Quốc".

Trung Quốc đã ký một số lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên và hiện chưa rõ những động thái mới này sẽ ảnh hưởng thế nào tới chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hành động.

Cheng Xiaohe, giáo sư về quan hệ Trung - Triều tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận xét Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày một tăng, buộc Bắc Kinh phải rời xa đồng minh thân cận một thời.

Ông nói thêm về lợi ích của Trung Quốc khi duy trì Triều Tiên ở trạng thái phi hạt nhân. Các cuộc thử nghiệm hạt nhân liên tục của Bình Nhưỡng khiến các nước trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc buộc phải củng cố kho vũ khí hạt nhân của nước mình.

"Vì các nỗ lực kiềm chế Triều Tiên thử hạt nhân qua đàm phán ngoại giao thất bại, Bắc Kinh lại không muốn chiến tranh nổ ra sát vách, do đó ngăn cản tham vọng hạt nhân của Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn trở thành lựa chọn duy nhất", ông Cheng nhận định.

Tuy nhiên, trừng phạt kinh tế khiến người Trung Quốc sống nhờ giao thương ở khu vực biên giới lo lắng. Đối với Su, động thái này có thể là "cú đấm hủy diệt".

Lo ngại

Công ty của Su giúp các tổ chức quốc tế mua bán và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Nguồn viện trợ quốc tế cho Triều Tiên gần như chững lại trong những tháng gần đây và công ty của Su đang rất khó khăn để trụ lại.

"Nếu Trung Quốc đình chỉ thêm nhiều hoạt động thương mại thì chúng tôi sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài đóng cửa", Su nói.

Những thương nhân Trung Quốc khác cũng có chung suy nghĩ.

"Bán trái cây sang Triều Tiên là việc chính nuôi sống gia đình tôi. Chúng tôi biết làm gì để sống nếu Trung Quốc không còn giao thương với Triều Tiên nữa?" Wu Xiuhua, một phụ nữ trung niên người Trung Quốc ở Đồ Môn, thành phố biên giới cách Triều Tiên một giờ lái xem, than thở.

Trước đây, bà Wu chỉ việc lái xe hàng chở thẳng qua sông Đồ Môn sang bên kia biên giới nhưng bây giờ, ai cũng phải xin giấy phép để đưa hàng qua.

Mùa hè luôn là tháng bán trái cây thấp điểm, bà Wu tạm thời còn đủ sức đối phó với tổn thất tài chính. Tuy nhiên, những người khác đã phải đem hàng đổ đi, bà Wu nói, bày tỏ tức giận về sự thay đổi tốn kém và tốn thời gian.

Chính quyền địa phương Đồ Môn từ chối bình luận việc này.

Hiện không rõ bao nhiêu người Trung Quốc làm ăn dọc biên giới đang và sẽ bị lệnh trừng phạt ảnh hưởng. Bà Wu tỏ ra không lạc quan.

Biên giới Trung - Triều thời khốn khó ảnh 1

 Xe tải chở hàng từ Triều Tiên nối nhau qua cầu sang thành phố Đan Đông, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

"Nhiều người ở đây đang điều hành các công việc làm ăn qua biên giới", bà nói, tiết lộ một số bạn bè đã đầu tư nhiều tiền xây kho lạnh công nghiệp bảo quản hải sản ở Triều Tiên để xuất sang Trung Quốc.

"Những khoản đầu tư này sẽ đi tong nếu Trung Quốc cắt đứt quan hệ kinh tế với Triều Tiên", bà lo ngại.

Ngoài mậu dịch, bất kỳ việc làm ăn nào với Triều Tiên, cho dù là gián tiếp, cũng đều rủi ro.

Giám đốc một công ty may ở Phượng Thành, tỉnh Liêu Ninh, cho biết nhà máy không bán hàng cho Triều Tiên nhưng lại thuê ít nhất 100 lao động Triều Tiên và trớ trêu thay, họ may quần áo cho khách hàng châu Âu và Mỹ.

"Nếu Bắc Kinh mở rộng các biện pháp trừng phạt, bao gồm cấm thuê lao động Triều Tiên, việc kinh doanh của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực", ông này nói.

"Người Triều Tiên chịu làm việc với đồng lương thấp hơn", ông cho biết. "Chúng tôi rất khó tìm đủ số lượng công nhân Trung Quốc. Phượng Thành, cũng như nhiều thành phố khác ở Trung Quốc, đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động".

Theo báo cáo của Trung tâm Chiến lược Triều Tiên, có khoảng 80.000 người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm đem về khoản khu 2,3 tỷ USD cho đất nước. Hơn nửa số lao động này làm việc ở Trung Quốc và Nga.

Nhà máy ở Phượng Thành vẫn chưa nhận được thông báo nào của chính quyền về hạn chế tuyển dụng nhưng một số người dân nói rằng, thành phố đang có thay đổi.

"Một nhà hàng trước đây có nhiều bồi bàn là người Triều Tiên vài tháng nay không biết họ đã đi đâu. Không ai rõ vì sao họ đi, họ đi chỗ nào", một người dân ở Phượng Thành nói.

Lạc quan

Ngành kinh doanh duy nhất chưa bị ảnh hưởng đó là các công ty du lịch Trung Quốc mở tour tới Triều Tiên.

Thực tế, một đại lý của Công ty Du lịch Quốc tế Đan Đông Trung Quốc cho biết họ làm ăn tốt tới nỗi bây giờ ngày nào cũng mở tour sang Triều Tiên.

"Nhiều người Trung Quốc tò mò về Triều Tiên", Wang, một đại lý du lịch cho biết. "Ngày nào cũng tôi cũng đưa hơn 30 khách sang Triều Tiên, một số người đến từ Hong Kong và Macau".

Bất chấp cái chết gần đây của Otto Warmbier, sinh viên Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ năm 2016, hôn mê và tử vong ít ngày sau khi được trả tự do về Mỹ, Wang khẳng định "du lịch sang Triều Tiên rất an toàn".

Khi được hỏi liệu công ty của cô có kế hoạch mở tuyến du lịch mới sang nước khác ngoài Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng gia tăng căng thẳng không, Wang bật cười.

"Không, chúng tôi không cần", Wang nói. "Trung Quốc không thể nào chấm dứt giao thương với Triều Tiên. Do đó kế hoạch B không cần thiết".

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục