Biến động toàn cầu trong năm 2024 tác động không nhỏ đến Việt Nam

(ĐTCK) TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu chia sẻ: "Chúng ta nhớ câu nói của Triết gia Heraclitus “Trong cuộc sống có một hằng số, không bao giờ thay đổi, đó là sự thay đổi không ngừng của cuộc sống”".
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu

2024: Biến động bởi “cơn gió ngược” bên ngoài

Tại Hội thảo với chủ đề “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội” do Báo Đầu tư tổ chức, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu nhận định, 2024 là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam bởi đã có rất nhiều biến động về địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Xung đột tại Ukraine và Trung Đông, và mới đây là những biến cố tại Hàn Quốc và Syria, là những điểm nóng hiện nay. Đồng thời, một sự kiện đáng chú ý khác là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sự thắng cử của ông Donald Trump cho nhiệm kỳ thứ hai 2025-2028.

Những yếu tố này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tài chính và các thị trường khác trên thế giới. Việt Nam, với độ mở lớn vào thị trường quốc tế, không nằm ngoài vòng tác động.

Cụ thể, chính sách tiền tệ của Mỹ, đặc biệt là việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng, đã làm thay đổi cục diện kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Trong năm 2024, Fed đã giảm lãi suất sau một thời gian dài tăng lãi suất, tác động mạnh đến tỷ giá, thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối của Việt Nam. Đồng thời, biến động địa chính trị đã ảnh hưởng đến giá vàng toàn cầu, từ đó lan sang thị trường vàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, do thị trường vàng trong nước chưa liên thông chặt chẽ với thị trường thế giới, giá vàng tại Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng không giảm sâu như trên thế giới.

“Nhìn chung, năm 2024 chứng kiến nhiều biến động toàn cầu, tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Dẫu vậy, chúng ta vẫn giữ được một số điểm sáng, như kiểm soát được lạm phát ở mức khả quan, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu tiếp tục tăng. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, và đến thời điểm này, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt khoảng 6,5%”, TS. Hiếu nói.

Thách thức 2025

Theo TS. Hiếu, những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2025, kèm theo những biến cố mới, đặc biệt là trên mặt trận địa chính trị. Với nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, thế giới sẽ phải đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, vì năm 2025 có thể sẽ là một năm đầy thử thách cho nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, có 4 “biến số” chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Thứ nhất là tỷ giá

Chỉ số đồng USD (DXY) ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua, đạt mức 105,69 vào ngày 9/12. Điều này kéo theo tỷ giá đồng Việt Nam tăng từ 24.265 đồng/USD đầu năm lên 25.318 đồng/USD hiện nay, tương đương mức tăng 4,34%. Dự báo, cả năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Donald Trump.

Giới chuyên môn cho rằng, chính sách giảm thuế cho người giàu của ông Trump sẽ tăng thiếu hụt ngân sách cho Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách. Thâm hụt ngân sách cũng có thể buộc Fed mua trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều hơn, một động thái được gọi là nới lỏng định lượng (Quantitative Easing), làm phình tổng tài sản.

“Ngân hàng trung ương Mỹ và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông. Tất cả những điều này có khả năng làm tăng lạm phát và buộc Fed đảo ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt và tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND”, TS. Hiếu nói.

Thứ hai là ngoại thương

Theo TS. Hiếu, dưới khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” (America First), ông Trump có thể sẽ áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam (Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ). Nếu Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác (ít nhất 25%), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ - đối tác xuất khẩu số một. Những chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump nếu thực hiện sẽ rất bất lợi cho Việt Nam.

Riêng đối với Hoa Kỳ, chính sách bảo hộ mậu dịch có thể là một lợi thế chính trị trong cuộc tranh giành quyền lực với Trung Quốc, nhưng đối nội việc tăng thuế nhập khẩu sẽ làm tăng giá cả hàng hóa đối với người tiêu dùng ở Mỹ và tăng lạm phát. Đồng thời, kế hoạch trục xuất hàng triệu lao động nhập cư bất hợp pháp có thể tạo ra sự khan hiếm lao động tại Mỹ, đẩy giá lao động lên cao, đồng thời tăng lạm phát và tác động đến chính sách tiền tệ của Fed.

Mặt khác, ngoại thương Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ cũng là một rủi ro. Các chính sách bảo hộ của ông Trump sẽ tạo ra thách thức lớn, đặc biệt nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ như giai đoạn trước.

“Một cách để cân bằng là tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhằm giảm thặng dư thương mại. Đồng thời, cần đón nhận cơ hội từ các doanh nghiệp Mỹ di dời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất bán dẫn”, TS. Hiếu nói.

Thứ ba là tình hình địa chính trị

Các điểm nóng tại Ukraine, Trung Đông, và mới đây là bán đảo Triều Tiên, sẽ tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam. Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ giải quyết dứt điểm cuộc chiến tại Ukraine trong vòng 24 tiếng, nhưng không đưa ra một kế hoạch cụ thể.

Giới chuyên môn cho rằng, ông Trump sẽ yêu cầu Ukraine chấp nhận nhường phần đất Nga đã chiếm đóng, nếu không sẽ ngưng viện trợ cho Ukraine. Tại Trung Đông, cuộc chiến giữa Do Thái và các nhóm vũ trang Hamas và Herzbolla vẫn chưa có dấu hiệu cho một thỏa hiệp ngừng chiến. Gần đây nhất là sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria, Assad. Sự sụp đổ xảy ra quá nhanh chóng và đồng minh lớn nhất của Tổng thống Assad là Nga cũng không cứu vãn được tình thế. Tại Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk-yeol đang chịu áp lực từ chức và có khả năng bị luận tội phản quốc sau khi rút lại lệnh thiết quân luật do chính ông ban hành ngày 3/12 vừa qua.

“Tất cả những biến động địa chính trị này sẽ tác động lên chính sách đối ngoại của chính phủ của ông Trump sau khi ông nhậm chức ngày 20/1/2025. Với vị trí là một siêu cường của thế giới, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tác động mạnh mẽ lên tình hình chính trị toàn cầu và từ đó các thị trường tài chính. Việt Nam với sự lệ thuộc vào ngoại thương với Mỹ và có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới khoảng 80-90%, sẽ chịu những tác động của sự biến động của USD và các chính sách kinh tế và đối ngoại của Hoa Kỳ”, TS. Hiếu nói.

Thứ tư là nội tại của nền kinh tế

Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật phục hồi sau COVID-19. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn. Năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Cơ hội nào trong 2025?

Bên cạnh những thách thức trên, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Gần đây, công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ, Nvidia, đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại ASEAN.

Nếu cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ thì có khả năng một số công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ lại tìm đường dịch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Cũng trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng hóa Việt Nam có thể hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, TS. Hiếu cho rằng, học hỏi từ bài học của những năm trước trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nếu Việt Nam không cẩn thận và trở thành trạm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ vì hàng hóa nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế rất cao, thì khả năng Việt Nam bị theo dõi và trừng phạt.

Trong khi đó, châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam - cũng mang lại cơ hội lớn, dù tình hình chiến sự tại Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu hàng hóa tại châu Âu. Tuy nhiên, nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân châu Âu và giá rẻ so với hàng sản xuất nội địa tại châu Âu, do đó châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Về nội tại, theo TS. Hiếu: "Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng để cho một giai đoạn phát triển mới. Dẫu vậy, những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với điều kiện và môi trường toàn cầu luôn biến động để khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản".

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục