Ông Nguyễn Đình Thọ nhìn nhận kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cuộc chơi thương mại và đầu tư toàn cầu nên phải có cách nhìn, cách tiếp cận không phụ thuộc và nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ.
Thỏa thuận Paris năm 2015 tại COP 21, đưa ra cam kết công bằng hơn, các nước đang phát triển thực hiện giảm phát thải, theo đó, nếu nước đang phát triển sự hỗ trợ của quốc tế thì sẽ phát thải nhiều hơn.
Việt Nam cam kết trong NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) lần thứ nhất, giảm phát thải 9% nếu không có sự hỗ trợ quốc tế và có hỗ trợ quốc tế mức giảm phát thải cam kết là 27%. Tại COP 26, Việt Nam đưa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đi trước rất nhiều nước là Thái Lan, Ấn Độ, Brazil, Malaysia, Trung Quốc, Nga, Ukraina đều là những nước phát thải lớn, cạnh tranh bán hàng trực tiếp với Việt Nam. Sau COP 26, Việt Nam điều chỉnh cam kết giảm phát thải 18% nếu không có sự hỗ trợ quốc tế và giảm 43% nếu có sự hỗ trợ quốc tế. Hiện NDC đang soạn thảo lần thứ 3 vào năm 2025.
"Chúng ta không thể không thay đổi bởi áp lực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là tốt trong giảm phát thải", ông Nguyễn Đình Thọ chia sẻ. Ảnh Dũng Minh. |
Hiện Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo cáo phát triển bền vững bắt buộc cho tất cả các doanh nghiệp niêm yết từ tháng 1/2023 và từ 6/2024 các nước thành viên trong liên minh châu Âu đã thể chế hóa vào Luật của mình bắt buộc các công ty niêm yết phải thực hiện về báo cáo phát triển bền vững.
Việt Nam đang hướng tới thương mại toàn cầu đạt 1.000 tỷ USD và đang nằm trong top 20 nước có thương mại lớn nhất thế giới và cũng là top 20 nước phát thải lớn nhất thế giới, tuy nhiên quy mô nhỏ chỉ 0,8-1% toàn cầu.
“Giảm phát thải, phát triển bền vững là yêu cầu với toàn bộ hệ sinh thái, toàn bộ chuỗi cung ứng phát triển bền vững. Nếu chúng ta không đạt được điều này sẽ bị loại bỏ khỏi thương mại đầu tư. Gia nhập WTO là sức ép thay đổi, thời điểm 2026 yêu cầu phải thay đổi để chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững và bao trùm”, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ khẳng định.
Trả lời câu hỏi liệu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump có làm thay đổi, đảo ngược yêu cầu về cam kết phát thải toàn cầu và các cam kết về phát triển bền vững toàn cầu như bảo vệ sinh thái, hiệp thương hiệu toàn cầu hay bảo tồn trên cạn 30%, bảo tồn dưới nước 30% hay không? Ông Nguyễn Đình Thọ nhận định, ông Trump không phải là người tin vào biến đổi khí hậu, tuy nhiên, tỷ phú Elon Musk người ủng hộ Trump lớn nhất (người đồng sáng lập 7 công ty, bao gồm nhà sản xuất ô tô điện Tesla) đang thúc đẩy hệ thống giao thông sử dụng xe điện. Các công ty lớn nhất của Mỹ như Apple, Intel, IBM đều đưa ra chính sách về Net Zero. Hai ngày trước Apple đã công bố máy tính đầu tiên đạt trung hòa carbon (vàng bạc tái chế 100%, năng lượng sử dụng năng lượng điện).
Việt Nam đủ điều kiện sản xuất máy tính trung hòa carbon, cơ sở hạ tầng đáp ứng, miễn nhà đầu tư yêu cầu. Hiện nay, Samsung sử dụng diện tích rất nhỏ tại Bắc Ninh (5 ha), Thái Nguyên (2 ha) nhưng sản xuất 17-18% sản lượng xuất khẩu từ Việt Nam. Bằng chứng này cho thấy nếu chúng ta đối mặt với thách thức, sẽ giải quyết được không phụ thuộc vào nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ.
Ông Thọ thông tin thêm, thời gian vừa qua, khi làm việc với doanh nghiệp FDI, họ vào Việt Nam với tiêu chí sản xuất sạch gồm nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED, phát thải phải sử dụng năng lượng mặt trời, nước phải tuần hoàn. Yếu tố về tiêu chuẩn này bắt buộc thực hiện, không thực hiện nhà đầu tư sẽ rời đi nước khác.
"Chúng ta không thể không thay đổi bởi áp lực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là tốt trong giảm phát thải. Chúng tôi tin rằng tin rằng, tận dụng cơ hội chuyển đổi xanh, số đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Nếu chuyển đổi chậm chi phí cao, mà chi phí cao thì mất năng lực cạnh tranh nên phải có lộ trình để có chi phí hợp lý", ông Thọ cho biết, đồng thời phân tích, trong phát thải, đứng đầu là lương thực, thứ hai là giao thông, thứ ba là xây dựng và thứ tư là dệt may, tất cả đều liên quan đến năng lượng.
“Đối mặt áp lực chuyển đổi xanh - số thời điểm này rất tốt, nếu có quyết tâm về chính sách sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi kép để đón đại bàng, thu hút đầu tư”, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.