Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo.
Nếu không ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài, lưu vực sông rộng lớn.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.
Theo một số nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước. Đặc biệt, 20% diện tích TP.HCM cũng sẽ có nguy cơ bị ngập. Khi đó sẽ có 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP.
Thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học.
Đến nay, 11/13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua; mỗi năm có khoảng 300 ha đất đai bị sụt lún, sạt lở; hiện tượng nước biển dâng gây xâm nhập nước mặn, nước lợ ngày càng gia tăng… và nhiều tác động thiên tại khác đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế đất nước và đời sống dân sinh, biến đổi khí hậu cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến vấn đề an ninh năng lượng. Đây là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam hết sức quan tâm”, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Phát biểu danh dự tại Hội thảo, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế cũng khẳng định rằng thách thức biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn trên thế giới, không riêng đối với Việt Nam.
"Biến đổi khí hậu luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao của Việt Nam hiện nay thì Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu" ông John Kerry cho biết thêm.
Ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo; đây xu thế chung để giải quyết vần đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Theo góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước về công nghiệp, đại diện Bộ Công Thương đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong những hoạt động công nghiệp và năng lượng của Việt Nam.
Đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu, ông Bruno Angelet đã đưa ra một số cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách liên quan.
Toàn cảnh Hội thảo
Bên cạnh đó, đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo An ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu là cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát huy mạnh mẽ những ứng dụng của khoa học công nghệ để tăng cường tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khác đã tham gia phát biểu thảo luận, phân tích thêm về tình hình biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay, nhất là những tác động tiêu cực đã xảy ra trong thời gian vừa qua tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất một số giải pháp ứng phó.
Đối với nguồn cung năng lượng, các chuyên gia cho rằng cần phải đa dạng hoá, nhấn mạnh giải pháp sử dụng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu cho các dự án điện trong thời gian tới.
Các chuyên gia cũng đề cập đến việc thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng hợp lý theo nguyên tắc cơ chế thị trường có tính đến việc gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động xấu đến biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế các-bon thấp.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến dưới góc nhìn đa chiều của doanh nghiệp phát điện, người tiêu dùng, cơ quan hoạch định chính sách, nhà đầu tư về triển vọng phát triển năng lượng sạch, tái tạo tại Việt Nam.
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 3 (năm 2019) với sự tham dự của gần 250 đại biểu lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, một số đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các diễn giả quốc tế. Bên lề Hội thảo, hoạt động Triển lãm với 10 gian trưng bày, giới thiệu nhiều công nghệ, sản phẩm tiên tiến của các Tập đoàn năng lượng, công nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam. |