Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 đã khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp gắn kết chiến lược phát triển bền vững với các mục tiêu kinh doanh để đón đầu các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, nhiều doanh nghiệp trong khối tư nhân đã biết cách biến cơ hội từ thực hành ESG thành động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.
Chia sẻ thực tế động lực này, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Shinec cho biết, ông đã tiếp cận ESG từ rất sớm, đã từng làm nghiên cứu khoa học về vấn đề bảo vệ môi trường. Khi phát triển khu công nghiệp (Nam Cầu Kiền) ông tìm hiểu khu công nghiệp cần gì để thu hút đầu tư và nhận thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện ESG từ rất lâu. Điều này thôi thúc Shinec đẩy mạnh hơn nữa trong thực hành ESG, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sinh thái.
“Chúng tôi làm bằng chữ tâm để đi một chặng đường dài với tâm niệm kinh doanh từ đất sẽ làm trả lại cho đất. Trong quá trình thực hiện ESG, nếu khó khăn về pháp lý, chúng tôi từng bước tìm cách tháo gỡ qua các Thông tư, Nghị định hướng dẫn, làm việc với các cơ quan chức năng để thông pháp lý. Đối với chủ đầu tư, tôi email từng người để chia sẻ kế hoạch, hành động, truyền cảm hứng để họ cùng chúng tôi tham gia vào xây dựng hệ sinh thái cộng sinh, cảnh quan khu công nghiệp. Mỗi dịp Tết chúng tôi tổ chức Tết trồng cây, các nhà đầu tư FDI rất vui vì đóng góp cho cộng đồng, tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc của họ”, ông Điệp chia sẻ.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec chia sẻ làm bằng chữ tâm để đi một chặng đường dài với tâm niệm kinh doanh từ đất sẽ làm trả lại cho đất. |
Không chỉ kiến tạo khu công nghiệp sinh thái, tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền còn thành lập các câu lạc bộ doanh nghiệp FDI, câu lạc bộ kỹ sư… cùng kết nối chia sẻ cơ hội việc làm, hỗ trợ kỹ thuật, đồng hành phát triển.
Với triết lý “ngũ phương hưởng lợi”, bà Trần Thị Thu Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel cho rằng, thực hành ESG giúp công ty phát triển, nâng cao vị thế cạnh tranh. Hiện Công ty xuất khẩu nhiều linh kiện, máy móc sang Nhật Bản, không chỉ yêu cầu về chất lượng, giá cả mà còn yếu tố văn hoá nên Hanel rất chú trọng trong phát triển bền vững. Khi thực hành ESG, công ty thực hiện quản trị rủi ro toàn hệ thống, hoạt động kinh doanh duy trì đà tăng trưởng hai chữ số dù năm nay bối cảnh kinh doanh khó khăn thách thức hơn.
Yếu tố quan trọng mà bà Trang nhấn mạnh đó là “hạnh phúc” trong thực hành ESG bởi các nhân viên trong công ty thích việc mình làm, hạnh phúc nhân rộng, đóng góp nhiều giá trị có ích cho cộng đồng, bảo vệ môi trường. Hanel đã đồng hành cùng bà con nông dân sản xuất máy sấy lạnh nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, giúp người dân có thu nhập cao hơn, phát triển bền vững hiệu quả.
Ông Vũ Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Xây dựng Vilai Việt cho biết, động lực chính mà Vilai Việt đẩy mạnh hoạt động ESG đến từ người mua. Nhiều khách hàng của công ty đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore… hỏi Vilai Việt đã làm ESG chưa. Công ty nhận thấy, để thu hút nhiều khách hàng thì không thể đứng ngoài xu thế.
Dòng chảy thực hành ESG đối với bà Nguyễn Thị Hải Bình, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn STP là dòng chảy hạnh phúc. Bởi theo bà Hải Bình, doanh nghiệp thực hành ESG là con đường đi đến thành công nhanh nhất.
Doanh nghiệp thực hành ESG như thế nào? Bà Thu Trang chia sẻ công thức tại Hanel là L-T-C-H-B, trong đó L- lãnh đạo thấu hiểu, T- thành lập đội giám sát, C- chọn yếu tố gì từ ESG (Hanel chọn nghiên cứu phát triển máy sấy), H- hợp tác nhà cung cấp, khách hàng, tổ chức và B- báo cáo đánh giá.
Hiểu và đưa ra các cách thực hành hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, không nằm ngoài xu thế phát triển bền vững của thế giới.