Trả lời câu hỏi của báo giới, trong khi một số thương vụ hợp nhất, sáp nhập khác trải qua thời gian khá dài, nhưng chưa thể hoàn tất, điều gì khiến MHB sáp nhập vào BIDV hoàn tất nhanh đến vậy, ông Trần Bắc Hà cho hay, quá trình sáp nhập diễn ra nhanh nhưng rất kỹ lưỡng, đúng quy định của pháp luật, nhờ BIDV có kinh nghiệm trong tham gia tái cơ cấu các ngân hàng.
“Tuy việc thực hiện các thủ tục sáp nhập hoàn thành trong 55 ngày, nhưng trước đó BIDV và MHB đã có nhiều bước đi tích cực…”, ông Hà nói và cho biết thêm, ngoài quán triệt sớm chủ trương sáp nhập đến lãnh đạo chủ chốt của hai ngân hàng, hai bên còn tích cực trong phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan, chính quyền nhiều địa phương, cũng như các bên liên quan trong giải quyết nhanh khó khăn, vướng mắc phát sinh.
“Sau thương vụ MHB sáp nhập vào BIDV, tôi nghĩ đã mang lại kinh nghiệm thực tiễn tốt để các cơ quan quản lý hoàn thiện hơn khung pháp lý về M&A, phát triển thị trường mua bán nợ…”, ông Hà nói.
Trả lời câu hỏi sau sáp nhập, BIDV hoạt động ra sao, ông Hà cho biết, 1 tháng hoạt động sau sáp nhập, BIDV vẫn hoạt động ổn định. Riêng hệ thống công nghệ thông tin của 2 ngân hàng cần có thêm thời gian để hoàn tất chuyển đổi. Dự kiến việc này sẽ hoàn thành vào ngày 30/10/2015 để tháng 11 năm nay hệ thống công nghệ thông tin hoạt động thông suốt.
Cũng tại buổi chia sẻ thông tin với báo giới hôm nay, BIDV công bố triển khai “Gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình bổ sung vốn đối ứng để đóng tàu theo Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản”, với quy mô 1.000 tỷ đồng, mức vay tối đa 500 triệu đồng/khách hàng, thời hạn cho vay tối đa 36 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, lãi suất 6%/năm trong suốt thời gian vay. Gói tín dụng này sẽ được BIDV triển khai từ ngày 1/7/2015-31/12/2016.
Việc triển khai gói tín dụng trên, theo ông Hà góp phần giải quyết nút thắt lớn nhất hiện nay là ngư dân thiếu hụt hoặc không chứng minh được phần vốn đối ứng phải tham gia theo phương án vay đóng mới tàu.
Câu hỏi đặt ra là gói tín dụng trên được triển khai theo hình thức tín chấp, liệu có gây rủi ro cho BIDV? Mức lãi suất cho vay là 6%/năm, chỉ bằng khoảng 50% mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại, liệu có ảnh hưởng đến bài toán lợi nhuận của BIDV?
Chủ tịch BIDV cho hay, việc triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng được BIDV đánh giá rất kỹ lưỡng và nắm bắt các thông tin chi tiết đến từng hộ vay như: vốn có được sử dụng đúng mục đích không, khả năng trả nợ ra sao…, nên đảm bảo an toàn. “Tôi không có mối lo nào về gói tín dụng này…”, ông Hà chia sẻ.
Cũng theo ông Hà, với mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện khoảng 11-12%/năm, theo khuyến nghị mới đây của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng nên giảm lãi suất cho vay thêm mức 1-1,5%/năm, thì sắp tới lãi suất cho vay giảm còn 10-11%. So sánh với mặt bằng lãi suất này, thì thấy việc BIDV triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm không vì mục tiêu lợi nhuận, mà nhằm hỗ trợ bà con ngư dân.
“Việc cho vay với mức lãi suất ưu đãi trên, không ảnh hưởng quá nhiều đến bài toán lợi nhuận của BIDV, vì chúng tôi sẽ tìm kiếm lợi nhuận ở các khoản mục đầu tư khác để bù đắp…”, ông Hà cho hay.