BIDV 2014: Nỗ lực để tiếp tục bứt phá thành công

(ĐTCK) Năm 2013, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, chứng minh được khả năng phát triển bền vững, bất chấp những khó khăn từ thị trường tài chính - tiền tệ. 

Đây là cơ sở để BIDV lên sàn niêm yết ngay từ đầu năm 2014 và trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 1 kế hoạch kinh doanh 2014 với những chỉ tiêu khá ấn tượng. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc BIDV - về những mục tiêu lớn của BIDV trước thềm Đại hội.

Trong dự thảo tờ trình kế hoạch kinh doanh 2014 trình ĐHCĐ tới đây, BIDV đưa ra mức tăng trưởng các chỉ tiêu trọng yếu đều trên 10%, lợi nhuận 6.000 tỷ đồng. Cơ sở của kế hoạch này là như thế nào?

Đây là một kế hoạch được tính toán rất kỹ dựa trên dự báo về môi trường kinh doanh và năng lực thực hiện của BIDV để đảm bảo tính tích cực và khả thi của các chỉ tiêu tăng trưởng và hiệu quả. Có thể nhận thấy, kinh tế Việt Nam bước sang năm 2014 đã có nhiều chuyển biến tích cực thể hiện ở sự ổn định vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, sản xuất công nghiệp, dịch vụ… chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Đặc biệt là nhiều DN đã qua khó khăn và phục hồi được sản xuất.

Với vai trò là một trong những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, thời gian qua, BIDV đã thực hiện linh hoạt, kịp thời các chính sách, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, chủ động triển khai thực hiện Phương án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 và đạt được những kết quả bước đầu. BIDV đã tập trung rà soát, phát triển nền khách hàng, sản phẩm mới và mở rộng kênh phân phối; Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức; Nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực quản trị rủi ro và chất lượng nguồn nhân lực..

Theo đó, các chỉ tiêu chính BIDV trình ĐHCĐ sẽ tích cực hơn năm 2013 như: Nguồn vốn huy động tăng trưởng 13%; Dư nợ tín dụng tăng trưởng 13%; Lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 13% so với 2013; Nợ xấu sẽ được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 3%; ROA: 0,79%; ROE: 13,8%...

Để triển khai những nhiệm vụ này, BIDV đã có hàng loạt giải pháp, biện pháp cụ thể và đã tổ chức thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. BIDV đang nỗ lực hết mình để hoàn thành kế hoạch năm 2014 và tạo đà cho sự phát triển những năm tiếp theo.

Ông có nói, việc đưa cổ phiếu BID lên niêm yết là dấu mốc quan trọng của BIDV. Vậy sau hơn 2 tháng niêm yết, ông đánh giá thế nào về tác động mang lại?

Đây thực sự là một dấu mốc rất quan trọng đối với BIDV trong quá trình phát triển 57 năm qua, tiếp nối sự kiện IPO thành công vào tháng 12/2011. Đối với TTCK, việc ra mắt cổ phiếu BID với khối lượng hơn 2,8 tỷ cổ phiếu đã góp phần đáng kể tăng quy mô của thị trường và nâng tỷ trọng vốn hóa thị trường của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng lên gần 27%.

Đối với các NĐT, thanh khoản của cổ phiếu là một yếu tố rất quan trọng trong quyết định đầu tư. Trên thực tế, sau hơn 2 tháng niêm yết, mức thanh khoản cổ phiếu BIDV khá tốt với khối lượng giao dịch bình quân xấp xỉ 2 triệu đơn vị/phiên. Đáng chú ý là lượng mua vào khá mạnh của các NĐT nước ngoài, kể từ sau khi niêm yết, các NĐT nước ngoài đã liên tục mua ròng cổ phiếu BID (25/28 phiên với khối lượng trung bình 100.000 CP/phiên). Điều đó phần nào khẳng định sự tin tưởng của cộng đồng các NĐT trên thị trường với cổ phiếu BID.

Đối với DN niêm yết, chúng tôi nhận thấy có 3 tác động chính. Thứ nhất là nâng cao tính minh bạch, thực tế sau khi chính thức trở thành ngân hàng TMCP, BIDV đã tuân thủ các quy định về việc công bố thông tin áp dụng với công ty đại chúng quy mô lớn quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC. Sau thời điểm niêm yết trên HOSE, BIDV đã thực hiện công bố thông tin đầy đủ, kịp thời theo định kỳ, bất thường và theo yêu cầu tới UBCK, Sở GDCK và trên website của BIDV. Để phục vụ NĐT, chúng tôi đã cải tiến giao diện, nội dung và bổ sung các tính năng tra cứu của trang tin NĐT nhằm giúp các cổ đông tiếp cận thông tin thuận lợi hơn.

Thứ hai, về hoạt động kinh doanh, việc lên sàn là khẳng định cam kết của Ban lãnh đạo BIDV và tập thể cán bộ nhân viên trong việc nỗ lực hoàn thành tốt các kế hoạch ĐHCĐ đề ra và đáp ứng các kỳ vọng của cổ đông đối với DN niêm yết. 

Thứ ba, việc niêm yết cổ phiếu là cơ sở để BIDV thực hiện thành công quá trình bán cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài trong thời gian ngắn sắp tới. Đây là tiền đề quan trọng để BIDV thực hiện đa dạng hóa sở hữu theo lộ trình đề ra, hướng đến việc giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại BIDV không thấp hơn 65% vào năm 2015 theo chủ trương của Chính phủ.

Kế hoạch thu hút NĐT chiến lược đã được triển khai thế nào và có thể thực hiện xong vào năm 2014 không?

Trong năm 2014, sau khi thực hiện thành công niêm yết chính thức trên TTCK, BIDV xây dựng kế hoạch tìm kiếm và phát hành cổ phần cho NĐT nước ngoài trong giai đoạn 2014 - 2015 và trình ĐHCĐ xem xét thông qua với số lượng: 01 NĐT chiến lược và 01 NĐT tài chính.

Việc thực hiện bán cổ phần cho NĐT nước ngoài được thực hiện theo phương thức phát hành thêm cổ phần; sau khi phát hành, tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐT nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của BIDV. Theo lộ trình này, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại BIDV sẽ giảm xuống không thấp hơn 65% tới năm 2015.

Hiện nay, chúng tôi đang có các cuộc tiếp xúc với một số đối tác quan tâm. Chúng tôi phấn đấu trong thời gian sớm nhất có thể lựa chọn được NĐT nước ngoài. Đồng thời, BIDV hiện đang triển khai các nội dung chuẩn bị cần thiết, với sự hỗ trợ của tư vấn quốc tế Morgan Stanley, đảm bảo quá trình trao đổi, đàm phán, lựa chọn theo nguyên tắc minh bạch, bình đẳng theo đúng thông lệ và tập quán quốc tế.

Ba ngân hàng lớn của Nhật là Mitsubishi Tokyo UFJ, Mizuho và SMBC đã là NĐT chiến lược của một số ngân hàng trong nước. Liệu BIDV có mong muốn hợp tác với NĐT Nhật Bản hay không?

Nguyên tắc trong lựa chọn NĐT chiến lược đối với BIDV là hai bên xác định những điểm căn bản phù hợp về định hướng, thống nhất về chiến lược kinh doanh, phát triển tại thị trường Việt Nam, đối tác có hiểu biết về văn hóa kinh doanh, có cam kết hợp tác lâu dài, có khả năng hỗ trợ kỹ thuật và nghiệp vụ một cách tích cực trong phát triển các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của BIDV, và phải là một ngân hàng hiện đại, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như yêu cầu của BIDV… BIDV để ngỏ khả năng trao đổi, thảo luận với các ngân hàng tiềm năng trên phạm vi toàn cầu.

Đối với các NHTM Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy các đối tác này đều có tiềm năng hợp tác. Ngoài các ngân hàng chủ chốt (mega banks) nói trên thì các ngân hàng ở nhóm còn lại cũng có năng lực tài chính, có khả năng hỗ trợ về quản trị điều hành, quản trị rủi ro, chuyển giao công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng... Bên cạnh đó, nét tương đồng về văn hóa, về quản trị DN cùng với mối quan hệ truyền thống giữa hai quốc gia, giữa cộng đồng DN hai bên cũng là yếu tố BIDV đánh giá cao các NĐT đến từ Nhật Bản. Do vậy, trong kế hoạch của BIDV, Nhật Bản cũng là một trong các thị trường mục tiêu cùng với các thị trường khác mà chúng tôi triển khai cấu phần tìm kiếm NĐT chiến lược cho BIDV.

Ông có đề cập về môi trường kinh doanh đã thuận lợi hơn, nhưng đâu là vấn đề mà lãnh đạo BIDV phải quan tâm thời điểm này?

Như tôi đề cập ở trên, nền kinh tế đang có chuyển biến tích cực nhưng giai đoạn 2014-2015 này, để tận dụng được xu hướng thuận lợi, các ngân hàng còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong quá trình tái cấu trúc. Do vậy, chúng tôi xác định có một số vấn đề cần phải tập trung quan tâm:

Thứ nhất, về môi trường vĩ mô, chúng tôi rất quan tâm đến những chuyển biến thực sự của kinh tế Việt Nam theo lộ trình tái cấu trúc nền kinh tế và trước sức ép rất lớn của tiến trình hội nhập thông qua các cam kết song phương và đa phương của Việt Nam với các nền kinh tế khác, đặc biệt là qua các Hiệp định TPP, AEC...

Thứ hai, về các yếu tố vi mô, qua quan sát xu hướng sửa đổi chính sách của Nhà nước, phân tích xu hướng tác động đến DN Việt Nam, bức tranh cạnh tranh ngành ngân hàng…, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại nền khách hàng theo ngành nghề, lĩnh vực để có những ứng xử phù hợp.

Thứ ba, trong công tác tái cơ cấu theo lộ trình, chúng tôi xác định tập trung vào nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tài sản, hiệu quả nền khách hàng; kiểm soát chất lượng tín dụng; quản lý chi phí hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ trọng điểm; đổi mới quản trị điều hành và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên có các đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh của DN, hỗ trợ thị trường như: Đề xuất các gói tín dụng hỗ trợ thị trường nông sản, ngành nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu; Hỗ trợ DNVVN, DN ứng dụng công nghệ cao; Đề xuất tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư góp phần khơi dậy tiềm năng của các địa phương; Phối hợp tổ chức thành công các sự kiện hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và các nước...

Ngọc Kha

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục