Infonet: Lúc nãy qua điện thoại, ông có kể ông Nguyễn Công Khế (nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, cơ quan cũ của ông Nguyễn Xuân Anh) có gọi điện cho ông sau khi đọc bài phát biểu của ông, và có dặn ông là phải làm đúng như đã nói. Nhiều người khác cũng mong ông như vậy. Ông nghĩ gì về điều đó?
Ông Nguyễn Xuân Anh: Anh Nguyễn Công Khế nguyên là lãnh đạo cũ của tôi, là người đi trước rất quý mến tôi. Sáng sớm nay ảnh gọi điện cho tôi, bảo: “Đọc cái bài anh thấy rất phấn khởi. Xuân Anh à, chú cứ làm y như những gì chú nói. Nếu không làm được như vậy thì đất nước sẽ lộn xộn, nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ chứ không phải không. Bây giờ anh em mình có phải thiếu thốn gì ấy đâu mà phải tiêu cực, phải này nọ. Chú phải làm y như những điều đã nói!”. Tôi nghĩ rất là đúng. Tôi nói với ảnh là: “Anh yên tâm. Em hứa em nói sao em sẽ làm như vậy!”.
Ảnh nói: “Đà Nẵng mình có nền rồi Xuân Anh ạ. Từ hồi anh Bá Thanh để lại Đà Nẵng rất là tốt, có cái nền phát triển như thế, phải ráng mà giữ lấy, làm sao cho bầu không khí sinh hoạt chính trị, kinh doanh buôn bán ở địa bàn TP này phải phấn khởi, trong lành, an bình, mọi người đều được thực hiện quyền tự do của mình trong khuôn khổ pháp luật, ai cũng có cơ hội để thăng tiến, doanh nghiệp đều có cơ hội đến với TP và làm ăn, kiếm lợi nhuận ở đây mà không phải lo suy nghĩ bất cứ việc gì, không phải lo chính quyền, mấy ông lãnh đạo gây khó dễ!”. Tôi nghĩ chỉ cần làm được như thế thì người dân đã phấn khởi rồi. Chưa cần làm cái gì to lớn cả như cố gắng được như thế đã là tốt!
Infonet: Trước đây, tôi từng có lần đưa lên báo Infonet phát biểu gây sốc của ông: "Với TP du lịch mình, tôi cho rằng không thể không có mại dâm, nhưng đừng có bầy hầy như Hà Nội, TP.HCM để mà khám phá ra mấy cái quán karaoke này kia quá là bầy hầy, quá quắt”. Sau mấy năm, nếu cũng trở lại vấn đề đó, ông sẽ nói như thế nào trong cương vị mới của mình?
Ông Nguyễn Xuân Anh: Quan điểm của tôi cho đến bây giờ vẫn thế này, tôi thấy xu thế chung hiện nay mà báo chí đăng liên quan đến các tệ nạn nói chung, ma túy thì tôi không nói nhưng liên quan đến mại dâm thì đã có xu hướng phải làm thế nào đây để việc quản lý được tốt, vào khuôn khổ. Bây giờ chúng ta chưa có quy định nào về pháp luật để chế định cái này cả, trong khi tình trạng mại dâm thì vẫn bùng phát, không chỉ ở Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác cũng rất nhức nhối.
Quan điểm cá nhân của tôi là phải làm sao quản lý nó thật tốt, không quá duy ý chí nhưng cũng đừng buông lỏng. Mọi việc phải căn cứ trên thực tế đời sống hàng ngày đang diễn ra để có giải pháp cho phù hợp đối với các tệ nạn cụ thể mà ở đây là mại dâm. Tôi không cổ súy, không phát động phong trào “TP du lịch phải là TP mại dâm”, nhưng phải làm sao quản lý. Cực đoan quá cũng không phải là biện pháp. Cái hay là phải làm sao chế tài, quản lý cho tốt chứ không phải bất cứ cái gì mình cũng phải cấm.
Mình cấm chứng tỏ mình bất lực. Phương Tây quản lý xã hội rất tốt. Trình độ quản lý của họ cao hơn mình rất nhiều. Có tự do, có dân chủ nhưng có kỷ cương chứ không phải tự do quá trớn, mà cũng không phải siết chặt hay bóp nghẹt. Rất là hay ở chỗ đó. Vấn đề của mình là cách quản lý làm sao cho nó hài hòa!
Infonet: Trong bài phát biểu bế mạc Đại hội, ông nói nhiều về nhân dân. Xin hỏi, ông nghĩ mình đã thực sự gần dân và hiểu về người dân chưa?
Cái hiểu biết về nhân dân, thật lòng mà nói, nhiều người nghĩ tuổi của tôi còn trẻ, tuy nhiên tôi nghĩ tôi đủ trải nghiệm để hiểu về nhân dân. 18 tuổi tôi đã rời TP này, sau mấy năm học ở nước ngoài thì có 7 – 8 năm làm việc trong môi trường báo chí, cũng lăn lộn ghê lắm trong một môi trường hết sức phong phú. Rồi quay lại Đà Nẵng, có hơn 3 năm ở cơ sở.
Mức độ hiểu dân, gần dân tùy vào từng người. Không hẳn ngày nào anh cũng ra đường, đi xuống dưới dân là anh hiểu dân. Không có nghĩa ngày nào anh cũng mang tơi, đội nón ra đường là bảo là tôi hiểu dân, gần dân. Hiểu dân là phải xuất phát từ tình cảm yêu thương, quý mến, quý trọng nhân dân, chia sẻ với những khó khăn của họ. Mình ăn ngon một tí cũng nghĩ là còn nhiều người khác còn nghèo khổ. Đó là sự chia sẻ, sự thấu hiểu, sự đồng cảm để từ đó làm những việc có ích cho người dân. Và phải hiểu được thực trạng của đất nước, của TP. Mức độ đi xuống dân nhiều hay ít là tùy mỗi người, nhưng điều đó không có nghĩa là anh hiểu dân ở mức độ nào.
Tôi nghĩ tôi đủ trải nghiệm trong cuộc sống, đã đi đây đi đó rất nhiều, quan sát trong nước, ngoài nước, môi trường làm việc khác nhau, thay đổi rất nhiều, nên tôi hiểu được sự cần thiết phải quan tâm, chăm lo đến người dân. Không có họ là không có mình. Phải có tình thương yêu đối với tất cả mọi người. Nhân dân là phạm trù lớn mà trong đó mình phải xuất phát từ những cái cụ thể như thương yêu đồng chí, đồng bào, anh em…
Infonet: Nói vậy nhưng nếu vẫn tiếp tục có những trải nghiệm thực tế, gần gũi với đời sống của người dân hơn thì vẫn tốt hơn chứ?
Ông Nguyễn Xuân Anh: Chính xác là như vậy. Sắp tới tôi sẽ làm sao đó để gần dân hơn nữa, hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ để làm sao đưa ra những chủ trương, chính sách hợp với lòng dân!
Infonet: Tôi cho đây là mối quan hệ hai chiều. Người lãnh đạo hiểu người dân nhưng cũng phải tạo điều kiện để người dân hiểu người lãnh đạo !
Ông Nguyễn Xuân Anh: Đúng rồi, phải có sự tương tác với nhau !
Infonet: Nhưng làm sao tương tác nếu người lãnh đạo không gặp người dân trong thực tiễn cuộc sống của họ? Rõ ràng nếu chỉ tương tác qua văn bản thì không thể hiệu quả bằng tương tác qua thực tế. Qua đó người dân hiểu được ông lãnh đạo của TP mình như thế này đây. Khi đó, lãnh đạo TP đưa ra một chủ trương, chính sách gì đó thì người ta sẽ dễ chấp nhận hơn?
Ông Nguyễn Xuân Anh: Đúng là như vậy! Tôi không nề hà việc gặp người này, người kia đâu. Ai gặp thì tôi cũng thoải mái chứ không nề hà gì hết!
Infonet: Lâu nay người ta thường gọi Báo cáo chính trị là sự hội tụ, chắt lọc, kết tinh công sức, trí tuệ của Đảng bộ, quân và dân mỗi địa phương. Nghị quyết của Đại hội càng là sự đúc kết từ Báo cáo chính trị nên càng tinh túy hơn. Vì vậy, sau mỗi kỳ Đại hội thì Nghị quyết thường được "đóng khung, cứ y như vậy, câu chữ như thế, cứ thế thực hiện. Nhưng trong phát biểu bế mạc Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 21, ông lại nêu: "Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban chấp hành Đảng bộ TP sẽ tiếp tục lắng nghe, bổ sung ý kiến đóng góp xây dựng để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống". Như vậy có phải Đà Nẵng đang cố gắng hình thành nên một Nghị quyết "linh hoạt"?
Ông Nguyễn Xuân Anh: Thực ra nếu đóng khung theo một khuôn mẫu nhất định, câu chữ như thế, rứa là kết thúc rồi mình thực hiện cũng không hoàn toàn đúng đâu. Thực tế cuộc sống biến đổi hàng ngày, đòi hỏi mình cũng phải biến đổi theo cho phù hợp. Cái gì đúng diễn ra, nếu chưa có trong Nghị quyết thì phải bổ sung. Cái đó phù hợp với lợi ích của người dân, quyền lợi của người dân, phù hợp với lợi ích của TP thì chả có việc gì mà không bổ sung vào. Không phải Nghị quyết chỉ đóng khung, làm năm, ba việc chốt lại là xong. Đương nhiên anh phải làm những việc đó, nhưng ngoài ra anh cũng có thể làm thêm nữa, miễn nó tốt, chứ không phải nhất nhất cố định chỉ có như vậy thôi.
Trong thời gian tới có thể có thêm nhiều ý kiến hay, nhiều cao kiến thì mình phải lắng nghe, phải đưa vào Nghị quyết để Nghị quyết đi vào cuộc sống. Chưa chắc trong quá trình chuẩn bị Đại hội mình đã nghe hết. Có thể có những người chưa có cơ hội tiếp cận với mình, nhiều ý tưởng mới có thể phát sinh trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ sau nữa thì mình phải sẵn sàng đón nhận. Cái nào tốt, cái nào hay thì Nghị quyết phải ghi nhận chứ !
Infonet: Xin được hỏi ông câu cuối cùng: Tự nhận xét về mình, ông thấy điểm yếu lớn nhất của ông hiện nay mà ông cần bổ túc để đảm đương tốt trọng trách Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là gì ?
Ông Nguyễn Xuân Anh: Nhân đây tôi nói luôn các điểm mạnh, điểm yếu của mình. Điểm mạnh của tôi là đang ở độ tuổi rất sung sức, độ tuổi đẹp nhất cả về thể chất lẫn tinh thần.
Thứ hai là tôi xuất thân từ gia đình có truyền thống. Truyền thống đó rất quý trong bối cảnh hiện nay rất phức tạp. Không ai khác mà chính tôi phải hiểu được rằng phải giữ truyền thống đó, không bao giờ phản bội.
Thứ ba là tôi được đào tạo một cách rất cơ bản, được trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau trong suốt quá trình vừa qua.
Thứ tư là tôi đánh giá tôi trong sáng. Trong sạch hay không thì để mọi người đánh giá, nhưng tôi nghĩ tôi không dính vào bất cứ vấn đề gì tiêu cực, không bè phái, không phe cánh. Ai cũng có thể là bạn bè, ai cũng có thể là đối tác cả. Thẳng thắn, không ngại nói thẳng, thấy sai thì không ngại nói. Kể cả trong các phiên họp Thường vụ, Ban chấp hành mà tôi thấy có điều gì không đúng thì tôi cũng nói thẳng. Mình nói vì cái chung chứ không phải là phản đối. Có tâm huyết, biết nghĩ về cái chung. Đó là những điều mà tôi mạnh dạn nói về mình.
Còn khuyết điểm là nhiều khi thẳng thắn quá mức. Nhiều khi không chế ngự được tình cảm. Có thể có những việc mình không nên phản ứng như vậy, mặc dù phản ứng đó không sai. Và tôi hay thể hiện việc thích hay không thích, nhưng không để bụng, việc qua rồi là thôi. Anh em hiểu nhau rồi thì rất vui vẻ. Nhưng để mọi người hiểu mình hơn thì tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Để mọi người hiểu hơn về những mặt tốt của mình thì tôi còn cần phải làm nhiều để anh em người ta đến với mình, tăng cường thêm khả năng quy tụ, tập hợp. Với cái chất của tôi như thế thì tôi có niềm tin là anh em sẽ hiểu và sẽ đến với mình, chung tay lại vì cái chung !
Infonet: Lúc nãy tôi đã xin phép hỏi câu cuối cùng, nhưng vì ông vừa nói nhiều khi ông không chế ngự được tình cảm nên tôi xin hỏi thêm một câu nữa: Tình cảm nhiều khi rất dễ trở thành cảm tính. Hai cái đó đôi khi rất dễ lẫn lộn. Ông lại ở vị trí làm lãnh đạo cao nhất trong khi cấp dưới có rất nhiều người lớn tuổi hơn ông nhiều. Liệu điều đó có gây khó khăn cho công việc sắp tới của ông không? Và để cải thiện "môi trường" đó thì ông sẽ làm như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Anh: Cái này không phải lần đầu tiên tôi gặp. Hồi làm Bí thư Quận ủy Liên Chiểu thì tôi là người trẻ nhất trong Thường vụ, thậm chí trong Ban Chấp hành cũng chỉ lớn tuổi hơn được vài người. Những vị làm việc chung với tôi toàn là thế hệ của ông bà già tôi. Lúc đầu cũng rất khó làm việc, nhưng tôi nghĩ tôi thuyết phục họ bằng phong cách làm việc, bằng sự gần gũi của mình, và đặc biệt là bằng sự tôn trọng.
Anh là người quyết định nhưng anh phải tôn trọng, lắng nghe người ta. Và trong mấy năm tôi ở Liên Chiểu thì được anh em rất quý. Tôi nhớ là ở Đại hội Đảng bộ quận Liên Chiểu tôi chỉ mất đúng một phiếu. Tất cả anh em trong Ban Thường vụ, ra ngoài là anh em nhưng vào công việc là đồng chí với nhau. Tôi nghĩ cần phát huy cái đó.
Bây giờ ở TP cũng là trường hợp tương tự. Trong Thường vụ thì tôi là người trẻ tuổi nhất, dưới quyền là những người đều lớn tuổi cả. Cũng có khó khăn nhất định về mặt tuổi tác nhưng tôi nghĩ công việc phải là công việc. Đảng đã phân công rồi, mỗi người một vị trí. Trong công việc anh phải chấp hành cái đã, còn trong việc thực hiện chức trách của mình thì sẽ có sự phối hợp, sự tôn trọng nhất định, sẽ có trao đổi để có sự đồng cảm, chia sẻ.
Khi có sự thống nhất thì quyết, còn khi vấn đề chưa quyết được thì tôi phải có trách nhiệm quyết việc đấy và tôi sẵn sàng lãnh trách nhiệm đó. Đảng giao cho mình làm Bí thư Thành ủy mà mình không quyết việc đấy, cứ ngồi chờ người này, chờ người kia thì làm sao xong việc được? Trên tinh thần rất lắng nghe, rất cầu thị, tranh thủ kinh nghiệm, sự từng trải của các anh, cái nào hay là tôi ghi nhận, chắc lọc ý kiến của mọi người và quyết chứ không ngại chuyện đó.
Infonet: Xin cám ơn ông rất nhiều !
Ông Nguyễn Xuân Anh: Có gì đó thì anh biên tập lại, tinh thần là tôi muốn gởi gắm những tâm tư, tình cảm chứ không nhằm mục đích gì khác. Anh viết sao đừng để mọi người nghĩ là tôi có ý định qua báo chí để đánh bóng gì trong chuyện này!
Infonet: Tôi nghĩ tôi sẽ đề nghị Toà soạn giữ nguyên toàn bộ diễn biến cuộc trao đổi và chuyển đến bạn đọc. Bạn đọc bây giờ tinh ý lắm, PR hay không, đọc vào là họ biết liền. Tôi tin có nhiều câu hỏi trong cuộc trao đổi này có rất nhiều người muốn hỏi và muốn nghe ông trả lời, còn tôi chỉ hỏi thay cho họ. Qua trao đổi, tôi thấy trước mắt cái khó nhất với ông là độ chênh về mặt tuổi tác với những người dưới quyền. Làm Bí thư Quận ủy dù sao cũng nhỏ, gọn hơn, còn lâu nay ông chủ yếu giữ các vị trí cấp phó, bây giờ lên trưởng, lại là cấp trưởng cao nhất của một TP như Đà Nẵng…
Ông Nguyễn Xuân Anh (cắt lời): Tôi nói luôn ý này. Làm lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cao nhất, như Bí thư cấp ủy, thì khả năng tập hợp, quy tụ và khả năng giao nhiệm vụ cho người khác làm là quan trọng nhất. Người lãnh đạo giỏi không phải là tất cả mọi việc anh đều phải làm. Anh giỏi là phải làm sao quán xuyến được công việc, giao việc đúng người, anh cho chủ trương, đường lối và người ta thực hiện theo cái đó. Người ta thực hiện đúng thì giao việc cho người ta, rồi mình kiểm tra, đôn đốc và suy nghĩ chủ trương làm cái gì chứ không phải sa vào các chi tiết.
Quan điểm của tôi là làm lãnh đạo, đặc biệt là làm Bí thư cấp ủy thì không sa vào các chi tiết, tiểu tiết không nhất thiết. Cái đó để cơ quan tham mưu, để chuyên viên người ta làm. Vấn đề là làm sao giao cho đúng việc, giám sát, đôn đốc cho kỹ và phải nghiêm. Mình phải làm gương trong tất cả các vấn đề. Mình là người đứng đầu, phải làm sao cho người ta nhìn vào. Dù người ta lớn tuổi hơn mình nhưng người ta nhìn vào thấy ông này nói như thế và ổng làm đúng như thế thì người ta sẽ cùng với mình trên con đường này thôi !
Infonet: Thực tế là có chuyện thế này, nhiều khi giao nhiệm vụ cho các cơ quan tham mưu, các sở, ngành nhưng họ ì ạch khiến công việc không chạy. Vì vậy mà có nhiều vị lãnh đạo bức xúc, xắn tay áo vào việc đó luôn, và như thế hóa ra là họ can thiệp vào những công việc rất cụ thể của cấp dưới. Đó là thực tế, vậy ông nghĩ thế nào ?
Ông Nguyễn Xuân Anh: Tôi nghĩ là có nhiều cách để xử lý chứ không nhất thiết là anh lãnh đạo phải xắn tay áo vào. Tôi giao việc cho anh, trách nhiệm đi đôi với cái quyền anh được giao. Anh làm không được thì tôi mời anh lên phòng lần thứ nhất. Anh để tôi kêu đến lần thứ hai thì rách việc. Vì Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, đặc biệt là công tác cán bộ. Tôi giao việc cho anh rồi, tôi mời anh lên phòng nói chuyện một lần mà anh để tôi kêu lần thứ hai, lần thứ ba thì anh không xong.
Tôi nghĩ mình phải mạnh dạn và sau này phải ủng hộ chuyện không ngại việc thay thế cán bộ nếu cán bộ đó không đảm bảo. Tại sao nước ngoài nội các 2 – 3 tháng có thể thay được? Là vì không đảm bảo, dư luận không đồng tình thì Thủ tướng phải thay thôi. Tôi không cổ súy việc bãi nhiễm này kia nhưng tôi nghĩ là có chứ không phải không "một bộ phận không nhỏ" các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ì ạch, nhũng nhiễu, dư luận ồn ào thì mình để yên sao? Để làm được điều đó thì anh phải sạch cái đã. Anh phải làm được điều đó thì khi anh thay họ, họ mới tâm phục khẩu phục, chứ không phải thay họ để anh đưa anh em, bà con, thân tin, ê kíp của anh vào.
Tôi không có quan niệm đó. Dù thân quen nhưng năng lực chỉ ở mức độ đó thì chỉ ở mức độ thế thôi, vui vẻ. Tôi không có chuyện ê kíp đâu. Hồi nào tới giờ chưa bao giờ mọi người nói tôi có ê kíp với ai. Anh hỏi trong Thường vụ đi, hỏi thân ông nào? Không! Quan hệ tốt, chí tình, ngồi nhậu với nhau, có. Nhưng không phải là đệ tử hay ruột rà hay thế này thế khác. Được cái này thì mất cái kia, nên thôi, hài hòa vì cái chung. Mình phải có cách của mình. Người ta giao mình làm Bí thư cấp ủy, mình không làm được chuyện đó thì thôi chứ mình làm cái chi? Mình đã lên tới vị trí cao nhất rồi mà còn không làm được gì cả, nói không nghe, việc cứ ì à, ì ạch rồi mình cũng cứ cười cười là không được.
Anh Bá Thanh từng nói với tôi: "Mày làm lãnh đạo thì cấp dưới phải biết sợ, khi nó sai, nhìn mày thì phải biết sợ chứ không phải cứ nhơn nhơn ra đó. Nó sai mà nó gặp mày cứ nhơn nhơn cái mặt coi như không và nó tiếp tục sai nữa thì thôi mày làm đơn nghỉ quách đi!". Ảnh nói đúng quá chứ chi nữa. Không phải mình đi hù dọa họ, nhưng khi họ sai, họ nhìn mình thì họ phải biết sợ. Quan điểm của tôi là, đã bầu tôi lên làm Bí thư Thành ủy, đây là sự tín nhiệm của cả một tập thể, một quá trình thì tôi phải có chức năng, quyền hạn nhất định để vì lợi ích chung. Và mong mọi người ủng hộ !