Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chia sẻ việc “phải biết sửa sai để làm đúng”

“Tôi không ám chỉ bất cứ cái cụ thể nào, nhưng tôi nghĩ với tập thể mới, Ban Chấp hành mới, Thường vụ mới, qua quá trình công tác, nghiên cứu, xem xét cái gì chưa phù hợp thì phải mạnh dạn sửa để cho đúng" - ông Nguyễn Xuân Anh nói.
Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh trả lời phỏng vấn báo Infonet (Ảnh: HC) Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh trả lời phỏng vấn báo Infonet (Ảnh: HC)

PV: Năm 2011, tại Hội thảo về ý tưởng xây dựng và phát triển Đà Nẵng thì ý tưởng xây dựng Đà Nẵng trở thành “TP sống tốt”, “TP đáng sống” lần đầu tiên được TS Trần Du Lịch đưa ra, sau đó trở thành mục tiêu phấn đấu của Đà Nẵng những năm qua. Tuy nhiên Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 21 đưa ra chủ đề xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại; trong đó “an bình” nổi lên như một điểm mới, một mục tiêu mới của Đà Nẵng. 

Theo tôi thì “an bình” chỉ là một thành tố” để góp phần làm nên “TP đáng sống”. Vậy tại sao lại có sự chuyển đổi từ mục tiêu xây dựng “TP đáng sống” thành mục tiêu xây dựng “TP an bình”? Liệu đó là bước tiến hay bước lùi, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Thực ra, xây dựng “TP đáng sống” vẫn luôn là mục tiêu của Đà Nẵng. Đà Nẵng chưa thể gọi mình là “TP đáng sống”. Có thể có người khác gọi Đà Nẵng như thế nhưng bản thân lãnh đạo TP, kể cả người dân TP Đà Nẵng cũng chưa dám gọi TP của mình là “TP đáng sống”. Để đạt được tiêu chí ấy thì mình còn phải cố gắng rất lớn. So với một số TP khác ở các nước lân cận thì mình còn thua kém nhiều.

Tôi nghĩ với Đà Nẵng thì mục tiêu xây dựng “TP đáng sống” không đổi. Tuy nhiên việc Đại hội lần thứ 21 lấy chủ đề xây dựng TP Đà Nẵng “giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại” thì đó là nhiệm vụ của nhiệm kỳ này. 

Chủ đề đó cũng đã nhận được sự đóng góp ý kiến của các tầng lớp xã hội, các nhân sĩ, trí thức, của cả TƯ, trí tuệ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và lãnh đạo TP quyết định chọn chủ đề của Đại hội là như thế, còn mục tiêu cao cả xây dựng “TP đáng sống” thì vẫn giữ. Đó không chỉ là mục tiêu của nhiệm kỳ này mà là của 5 – 7 nhiệm kỳ, cho đến khi nào đạt được!

PV: Xin hỏi ông đã viết bài phát biểu bế mạc Đại hội như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Bài phát biểu đó thực ra đầu tiên là do Văn phòng Thành ủy chuẩn bị, thư ký của tôi làm lại, chuyển cho tôi trình ra Ban Thường vụ. Tuy nhiên sau đó tôi viết lại. Bài đầu tiên tôi viết trước khi tôi đi dự Hội nghị TƯ 12. Gần như tôi thay đổi khoảng 60% nội dung. Đoạn sau hoàn toàn viết lại so với bài trình ra Ban Thường vụ để cho ý kiến. Sau khi họp TƯ về, còn hai ngày trước khi Đại hội thì tôi viết lại lần nữa. Những cái tôi mới đưa vào trong bài phát biểu bế mạc là những cái tôi đã suy nghĩ cả một thời gian dài. Có những cái tôi sửa, thay đổi liên tục. Trong đầu suy nghĩ ra ý tưởng gì là phải ghi lại ngay để khỏi quên.

Trong bài phát biểu bế mạc, tôi không nói theo ý tưởng của bất kỳ ai cả. Cũng không sao chép lại ở đâu cả. Tôi chỉ suy nghĩ thế nào thì thể hiện nó ra như thế. Tôi nghĩ những suy nghĩ đó phải là quan điểm xuyên suốt. 

Ở một người lãnh đạo với tư cách Bí thư Thành ủy thì phải làm được những việc như thế. Đó là những gì tôi suy nghĩ, tôi rút ruột ra để viết, vì tôi nghĩ đó sẽ là bài phát biểu mà người ta rất quan tâm đối với một Bí thư mới, còn tái cử thì có lẽ họ ít để ý hơn.

PV: Như vậy bài phát biểu cho tới khi ông trình bày trước Đại hội là chưa trình ra Thường vụ?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Trước đó đã trình ra Thường vụ chứ, nhưng sau đó tôi chỉnh sửa rất nhiều. Và tôi nghĩ là tôi có cái quyền được chỉnh sửa. Những cái chung, cốt lõi thì tôi không nói, nhưng những cái tứ riêng thì tôi có điều chỉnh. Với tư cách Bí thư phát biểu bế mạc thì tôi nghĩ tôi có quyền được chủ động trong việc chuẩn bị bài phát biểu của mình.

PV: Vừa có quyền nhưng cũng vừa có trách nhiệm?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Đúng vậy, vừa có quyền nhưng qua cái quyền đó cũng thể hiện trách nhiệm của mình đối với bài phát biểu và những vấn đề được nêu trong đó!

PV: Trong bài phát biểu, ông có nói một ý rất quan trọng. Đó là “phải biết sửa sai để làm đúng”. Theo ông, nhiều điều Đà Nẵng cần phải sửa sai để làm đúng trong thời gian tới là gì?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Tôi không ám chỉ bất chứ cái cụ thể nào, nhưng tôi nghĩ với tập thể mới, Ban Chấp hành mới, Thường vụ mới, qua quá trình công tác, nghiên cứu, xem xét cái gì chưa phù hợp thì phải mạnh dạn sửa để cho đúng, chứ không phải sửa vì một mục đích nào khác, không vì mục đích phản bác ai cả. 

Tôi nghĩ, cái gì sai mình sửa thành đúng thì chỉ có tốt thôi. Và phải dũng cảm làm việc đấy, chứ không phải tôi sửa việc đấy để phục vụ lợi ích, mục đích cá nhân tôi. Nghĩ như thế là không đúng. Miễn sao nó phục vụ cho lợi ích của TP này, của nhân dân này thì mình phải quyết tâm làm. 

Nói thật là tôi không ngại va chạm đâu. Tôi rất không ngại cái việc đó, vì tôi không làm cái gì cho cá nhân mình cả nên tôi không bao giờ ngại. Miễn sao cái gì nó sai, nó không phù hợp, không đúng, không phục vụ cho lợi ích của TP này thì phải sửa!

PV: Nhưng muốn sửa sai thì phải thấy cho được cái sai. Vậy ông có thể điểm danh một vài cái mà ông cho là chưa phù hợp và Đà Nẵng cần phải sửa không?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Ví dụ việc huy động các nguồn lực, kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng. Thời gian qua, ngay cả Báo cáo chính trị cũng nói rõ, là làm chưa tốt. Thu hút vốn FDI chưa tốt. 

Các nguồn lực mà mình khai thác chủ yếu dựa vào tài nguyên, khoáng sản thô là chính, chứ còn phát triển có chiều sâu và bền vững thì chưa. Thu hút các dự án FDI lớn vào TP có thể nói là chưa đạt yêu cầu. Với vị thế là một TP trung tâm của khu vực, cái gì cũng dẫn đầu, chỉ số năng lực cạnh tranh rồi cải cách hành chính…, cái gì cũng nhất nước cả, tại sao thu hút đầu tư lại thua kém rất nhiều?

Tôi đi họp, gặp lãnh đạo các địa phương, nhìn báo cáo thu chi ngân sách của họ, nhất là một số địa phương lớn, cảm thấy chạnh lòng về Đà Nẵng. Nếu không có hướng đi đúng thì sẽ rất khó khăn. Ý chung là như vậy, còn những cái cụ thể thì thời gian sẽ trả lời. Cái chung của TP như vậy ai cũng thấy cả, nên phải thay đổi. Nếu không thì Đà Nẵng sẽ bị chệch đường hẳn đi, sẽ rất khó khăn!

PV: Cũng trong bài phát biểu, ông khẳng định “không có quyền lực ngoài pháp luật” và “không cho phép các cấp ủy viên lợi dụng chức vụ để vun vén cho cá nhân”. Ông có biện pháp gì để biến sự “không cho phép” bằng lời nói đó trở nên có hiệu lực thực sự trong thực tiễn?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Trong bài phát biểu tôi đã nêu rõ, chức vụ là do Đảng phân công chứ chức vụ đó không phải là của cá nhân nào cả, của gia đình nào cả. Không phải của nhà mà đem ra phân phát. Đảng phân công cho anh vị trí đấy, anh phải đảm đương cho tốt. Mỗi cấp ủy viên có một chức vụ, quyền hạn nhất định. Chức vụ đi đôi với quyền hạn nhất định, nên phải làm sao luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu.

Tôi nghĩ, trước hết là người đứng đầu của Đảng bộ TP này phải gương mẫu. Trước hết và ít ra là anh phải gương mẫu cái đã. Anh nói cho bản thân anh làm nữa chứ không phải anh nói cho người khác làm, các đồng chí làm đi nhé, còn tôi thì không! Không có cái việc đó. Trước hết người đứng đầu phải đi đầu trong tất cả. Tiêu cực, tham nhũng, lãng phí… thì mình tránh xa, không làm những việc đó. Từ đó mới có sức lan tỏa.

Trước hết phải là như thế, và sử dụng các cơ quan tham mưu, giúp việc, các cơ quan chuyên môn để giúp mình trong việc phòng chống tình trạng tiêu cực, tham nhũng mà hiện nay, theo đánh giá thì không phải ít đâu. Điều đó gây nhức nhối lắm, người dân mất lòng tin. Tôi rất không hài lòng với cái diễn biến như thế. 

Tôi nghĩ, bất cứ người lãnh đạo nào, ở bất cứ vị trí nào, cũng phải sống và làm việc theo pháp luật, không được chệch ra khỏi các quy định của luật pháp. Phải thượng tôn pháp luật. Các nước phát triển sở dĩ người ta phát triển là vì người ta tuân thủ pháp luật. Pháp luật quy định thì anh phải chấp hành, bất kể anh là ai.

Tôi nghĩ trong thời gian tới, tư tưởng đó phải được quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân TP Đà Nẵng. Sẽ không chấp nhận việc lợi dụng vị trí, chức quyền để vun vén cho cá nhân, lợi ích riêng là chính còn lợi ích chung thì ít. Phải luôn luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Trong cái chung nó có cái riêng. Còn anh đặt lợi ích riêng lên trên hết thì không bao giờ có cái chung cả. Tôi đảm bảo ông nào cũng nghĩ tới cái riêng thì không bao giờ có cái chung. Chắc chắn như vậy. Tôi nói đây không phải là nói cho nó hay mà trong tâm nguyện của tôi như thế. Tôi nghĩ TP Đà Nẵng phải phát triển theo hướng như thế!

(còn nữa)

Trao đổi về công tác quản lý xã hội, ông Nguyễn Xuân Anh nói: Mình cấm chứng tỏ mình bất lực. Phương Tây quản lý xã hội rất tốt. Trình độ quản lý của họ cao hơn mình rất nhiều. Có tự do, có dân chủ nhưng có kỷ cương chứ không phải tự do quá trớn, mà cũng không phải xiết chặt hay bóp nghẹt. Rất là hay ở chỗ đó. Vấn đề của mình là cách quản lý làm sao cho nó hài hòa!”. Mời bạn đọc đón đọc tiếp trong phần 3 của bài phỏng vấn này!


Infonet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục