Theo Guardian, Thủ tướng Johnson ra quyết định trên trước sức ép từ chính nội bộ đảng Bảo thủ Anh. Hồi đầu năm, các nghị sĩ đảng Bảo thủ phản đối dữ dội khi ông Johnson trao cho Huawei vai trò đáng kể trong dự án phát triển hạ tầng 5G tại Anh.
Hành động của ông Johnson cũng "chọc giận" chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguồn tin Financial Times cho biết hồi tháng 2, ông Johnson gọi điện cho ông Trump để giải thích việc ký hợp đồng với Huawei.
Ông Trump đã nổi giận đập điện thoại xuống bàn. Trước đó, Nhà Trắng từng nhiều lần cảnh báo thỏa thuận giữa chính phủ Anh và Huawei sẽ tạo lỗ hổng để chính quyền Trung Quốc thu thập thông tin tình báo phương Tây.
Guardian cho biết trước sức ép dữ dội từ cả trong và ngoài nước, Thủ tướng Anh sẽ giảm vai trò của Huawei trong dự án phát triển hệ thống 5G. Ông Johnson cam kết đưa vai trò của tập đoàn Trung Quốc về 0% vào năm 2023.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Getty Images.
Theo các điều khoản của thỏa thuận hiện tại, vai trò của Huawei sẽ giảm xuống còn 35% vào năm 2023.
Nguồn tin Guardian khẳng định ông Johnson buộc phải xem xét lại thỏa thuận với Huawei do lo ngại Hạ viện sẽ bỏ phiếu chống. Ước tính có tới 50 nghị sĩ Đảng bảo thủ sẵn sàng "nổi loạn". Làn sóng phản đối đã lan rộng trong nội bộ đảng Bảo thủ từ tháng 3.
Theo Business Insider, tháng trước một số nghị sĩ đảng Bảo thủ có ảnh hưởng đã thành lập một nhóm có tên "Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc" để gây sức ép buộc ông Johnson xem xét lại thỏa thuận với Huawei.
Giới chính trị gia Anh trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc khi dịch Covid-19 bùng nổ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới Anh. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab - người thay thế thủ tướng điều hành chính phủ khi ông Johnson điều trị Covid-19 - cho rằng mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc "sẽ không thể trở lại bình thường" sau đại dịch.
Hồi tháng 4, Đại sứ Anh tại Mỹ Dame Karen Pierce tuyên bố cộng đồng quốc tế cần điều tra rõ nguồn gốc của dịch Covid-19.