Lênh đênh cùng dầu
Di dọc thành phố biển Seal Beach ở khu vực phía Nam California (Mỹ), ông Josh Haynie - giám đốc điều hành của một công ty điện ảnh - chẳng thấy gì nhiều ngoài một số người đang lướt sóng và thi thoảng vài con thú biển, do tầm mắt của Haynie bị che khuất bởi 20 tàu dầu đang loanh quanh khu vực Seal Beach.
Đây là 20 trong số 35 tàu dầu đang trôi dọc bờ biển Thái Bình Dương. Những tàu này đến từ Vancouver (Canada), Rotterdam (Hà Lan) hay Basra (Iraq), theo công ty phân tích dữ liệu tàu biển FleetMon.
Dầu mỏ “vô gia cư” xuất hiện ngày càng nhiều ở những nơi như Seal Beach - một địa danh nổi tiếng với những chiếc tàu gỗ dài và các điểm lướt sóng hấp dẫn.
Ở bờ bên kia, quốc đảo Malta và bờ biển Hurd Bank ở Địa Trung Hải trở thành những điểm đến ưa chuộng cho các tàu dầu. Hiện nhiều tàu cỡ lớn “no” dầu với hải trình đến Italy và Thổ Nhĩ Kỳ đang đổ về Hurd Bank vì nơi đây gần các cảng biển của Malta nên chủ tàu dễ dàng bổ sung thực phẩm và nhiên liệu chạy tàu.
Nằm chờ ở Hurd Bank đã một thời gian, tàu Front Tiger gắn cờ Cộng hòa Quần đảo Marshall rời Hàn Quốc hôm 1/3 và chở theo 850.000 thùng nhiên liệu máy bay, trước thời điểm nhu cầu nhiên liệu ở châu Âu đổ sụp do các hãng hàng không ngưng chuyến và vật lộn với dịch Covid-19. Theo dữ liệu của công ty phân tích dầu mỏ Vortexa, tàu Front Tiger đã lênh đênh 20 ngày ngoài khơi Malta để chờ lệnh đi tiếp.
Do các cảng đều từ chối cho thủy thủ lên bờ (lo ngại dịch Covid-19 lây lan) và khắp nơi hủy bỏ chuyến bay, nên thuyền trưởng tàu Front Tiger B. Murthy và các thủy thủ chọn cách “giết” thời bằng trò chơi Bingo và Foosball và hát karaoke. Họ đang tự hỏi khi nào mới được về nhà.
Đứng trên boong, “tôi thấy rất nhiều tàu dầu quanh đây. Tất cả đều bị mắc kẹt ở đây”, thuyền trưởng Murthy nói. “Chúng tôi không biết điểm đến tiếp theo là cảng nào”, ông than vãn.
Đứng cạnh Murthy, kỹ sư trưởng của tàu Front Tiger Samir Gulwadi đang rất nhớ nhà. “Khi trở về, tôi không biết liệu con mình có nhận ra không”, Gulwadi nói.
Một tàu khác từ Italy cũng lâm cảnh tương tự với 250.000 thùng xăng. Gần đó là một tàu Hy Lạp đang mang tải 580.000 thùng dầu được khai thác từ giàn khoan ở Libya hôm 3/3.
Ở những nơi khác, khoảng 8 triệu thùng dầu đang nằm im trên tàu ở Vịnh Saldanha (Nam Phi), con số này được công ty dữ liệu dầu mỏ Kpler dự báo tăng gấp đôi trong 4 tuần tới. Còn tại phía Nam biển Caribe, khoảng 2,5 triệu thùng dầu khác đang được tích trữ trên 5 tàu lênh đênh gần đảo Curaçao.
Gánh nặng tài chính
Xoay sở tích trữ dầu trên biển làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho ngành dầu mỏ. Theo số liệu của công ty tư vấn dầu khí Rystad Energy (Na Uy), chi phí thuê “siêu tàu” dầu là khoảng 4,5 USD/thùng/tháng. Nghĩa là, với tàu dầu có sức chứa trung bình khoảng 2 triệu thùng, bên thuê tàu phải trả phí thuê 9 triệu USD/tháng.
Công ty dữ liệu dầu mỏ Kpler cho biết, khối lượng dầu mỏ tích trữ trên tàu biển tăng vọt 76% kể từ ngày 1/3 lên 153 triệu thùng, tương đương 1,5 ngày sản lượng toàn cầu trước dịch Covid-19.
Thiếu nơi tiêu thụ, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ rơi vào thảm họa tài chính. Theo Rystad Energy, hơn 70 doanh nghiệp sản xuất dầu mỏ Mỹ ngập nợ đang đứng trước nguy cơ phá sản. Khoảng 1/2 số doanh nghiệp này đến từ bang Texas.
Nhiều nhà sản xuất dầu mỏ tại Nigeria, Algeria, Iraq và Iran cũng lâm nguy và tìm cách xin hỗ trợ khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi những “ông lớn” dầu mỏ của Saudi Arabia cũng tìm đường thắt chặt tài chính.
Còn theo nguồn tin của Tạp chí Phố Wall, tập đoàn thương mại năng lượng Trader Vitol (Hà Lan) vẫn gắng gượng tích dầu thay vì bán sớm, với hy vọng giá dầu sẽ nhích lên. Về nội dung này, Vitol từ chối bình luận.
Thế giới sắp tràn dầu
Thế giới thường sản xuất khoảng 100 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng với tình cảnh “ngủ đông” để tránh đại dịch Covid-19, thì nhu cầu dầu mỏ giảm xuống còn 70 triệu thùng.
Dầu thô trở nên thừa mứa khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và khiến nhu cầu dầu mỏ thế giới đổ sụp, tạo gánh nặng chưa từng có lên hệ thống phân phối dầu mỏ toàn cầu. Thậm chí, đã xuất hiện cảnh ngược đời tại một điểm giao nhận dầu mỏ lớn của Mỹ như thành phố Cushing, bang Oklahoma khi mà người bán phải trả tiền để người mua mang dầu đi.
Giá dầu Mỹ đã ổn định đôi chút những phiên gần đây và trong phiên mới nhất 24/4, giá dầu đứng ở mức 16 USD/thùng. Tuy nhiên, khu vực kho Cushing chỉ còn sức chứa đến giữa tháng 5. Khi đó, giá dầu lại đứng trước nỗi lo trượt giá như tháng qua nếu người mua không có phương án tích trữ thay thế.
Antoine Halff, chuyên gia phân tích trưởng của công ty phân tích thị trường hàng hóa Kayrros (Paris) cho biết, sức chứa dầu mỏ trên bờ toàn cầu đạt 4,4 tỷ thùng, nhưng khoảng 65% sức chứa này đã bị lấp đầy. Đáng ngại, các bể chứa dầu trên thế giới đã được nhồi với công suất “khổng lồ” 10 triệu thùng/ngày kể từ đầu tháng 4.
“Tình thế lúc này giống như hỏa hoạn và ai cũng muốn nhanh chân tìm cửa thoát hiểm”, Halff ví von. Với sức nhồi như hiện nay, các bể chứa dầu trên thế giới sẽ tràn trong trong vòng 100 ngày tới, vị chuyên gia dự báo.
Jason Bordoff, cựu cố vấn năng lượng thời Tổng thống Barack Obama và hiện là giám đốc sáng lập Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia đánh giá, việc thiếu nơi tích trữ dầu mỏ đang đẩy các thành viên trên thị trường dầu mỏ vào tình cảnh phải đóng cửa.
Trên thực tế, nhiều công ty khai thác ngoài khơi đã bắt đầu đóng cửa giếng khoan ở Vịnh Mexico còn các giám đốc điều hành lo ngại tình hình khai thác tại khu vực này có thể mất nhiều năm mới hồi phục hoàn toàn.
“Kịch bản giá dầu giảm sâu sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, nó cho thấy vấn đề cấp bách là phải đẩy nguồn cung ra thị trường với tốc độ và khối lượng kỷ lục”, cố vấn Bordoff nói.
Một số cơ sở tích trữ dầu mỏ trên thế giới vẫn chưa đầy về mặt vật lý, nhưng về cơ bản không thể cho thuê. Chris Midgley, trưởng bộ phận phân tích tại công ty phân tích thông tin năng lượng S&P Global Platts lý giải, khoảng 30 - 40% công suất chứa dầu tại Mỹ vẫn còn trống, nhưng đều được các nhà giao dịch đặt trước. “Có lẽ tình hình tích trữ dầu trên toàn cầu cũng vậy. Sức chứa vẫn sẵn có, nhưng không thể cho thuê”, Midgley nhận định.