Trong thư gửi tới Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trung Nam Group cho biết hiện có 3 nhà máy năng lượng tái tạo là Nhà máy điện gió Trung Nam 151,95 MW, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam 204 MW và Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW.
Trong số này, Nhà máy điện gió Trung Nam 151,95 MW hiện đã được hoàn thành và đi vào vận hành toàn bộ giai đoạn 1 và 2 cùng 8/12 trụ gió của giai đoạn 3, với tổng công suất là 135,95 MW.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam 204 MW được phê duyệt bổ sung quy hoạch và đưa vào vận hành trong giai đoạn lưới điện hiện hữu bảo đảm khả năng giải toả công suất nhà máy. Việc lưới điện quá tải do nguyên nhân tiếp nhận công suất từ các nhà máy điện được bổ sung quy hoạch kèm theo điều kiện “cần phải đồng bộ về phát triển lưới điện hiện hữu nhằm tránh gây quá tải lưới điện khu vực”. Như vậy, hiệu quả hoạt động của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan từ các dự án phát triển điện mới.
Đối với dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW, phía doanh nghiệp cũng cho rằng, đây là dự án đầu tư có điều kiện, yêu cầu nhà đầu tư bàn giao hạ tầng lưới điện truyền tải sau khi hoàn thành. Hiện tại, hệ thống trạm biến áp, 500 kV cùng đường dây 500 kV, 220 kV do Trung Nam Group tự bỏ kinh phí đầu tư đang thực hiện truyền tải hộ và giải toả công suất khoảng 900 MW cho khoảng 16 dự án điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực.
Bản thân Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam hoạt động không gây ra quá tải lưới điện. Khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư đã xem xét, cân đối hiệu quả giữa chi phí đầu tư trạm biến áp, đường dây và hoạt động của 450 MW điện mặt trời..
Hiện Trung Nam Group cũng đang tiếp tục bỏ kinh phí để vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống truyền tải, thay mặt EVN/EVNNPT thực hiện giải toả công suất, mang lại lợi ích chung cho các nhà đầu tư khác trong khu vực.
Bởi những đóng góp này mà việc cắt giảm công suất của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam không phân biệt với các dự án khác hiện đang sử dụng chung đường truyền tải do doanh nghiệp đầu tư là thiếu công bằng và hợp lý.
Dẫn chứng cho việc cắt giảm này, Trung Nam Group cũng cho hay, có thời điểm ngày 31/1/2021, nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam chỉ phát điện 208 MW/450 MW, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam chỉ phát điện 86 MW/204 MW, Nhà máy điện gió Trung Nam chỉ phát điện 60 MW/135,95 MW.
Phía doanh nghiệp cho hay, để hoàn thành các dự án điện năng lượng tái tạo như trên, có sự đồng hành của các tổ chức tín dụng cho vay vốn. Với các khoản vay này, nhà đầu tư sẽ hoàn trả từ nguồn duy nhất là doanh thu bán điện của các nhà máy.
Tuy nhiên, việc thường xuyên cắt giảm công suất như trên đã khiến doanh nghiệp gặp áp lực nhất định và khó khăn.
Bất cập điện mặt trời
Bởi vậy, Trung Nam Group đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, ủng hộ, có ý kiến tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về việc ưu tiên điều độ để khai thác toàn bộ công suất của 3 dự án nói trên.đồng thời khi tính toán, phân bổ công suất điện của các nhà máy, cần rà soát, phân nhóm các nhà máy được bổ sung quy hoạch có điều kiện “cần phải đồng bộ về phát triển lưới điện hiện hữu nhằm tránh gây quá tải lưới điện khu vực” vào nhóm các nhà máy cần phải giảm phát công suất phát điện trong các thời điểm lưới quá tải và thừa nguồn.