Ở giai đoạn 2 vụ án VN-Pharma, cơ quan tố tụng đã truy tố 14 bị can, trong đó có ông Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VN-Pharma)…
Còn đối tượng Nguyễn Lê Xuân Khang - nhân vật “bí ẩn” đứng sau VN-Pharma hiện đang bỏ trốn.
Cáo trạng thể hiện, Khang là người Việt Nam định cư tại Canada và có quốc tịch Canada. Từ năm 2007-2010, Khang đã gặp ông Lê Văn Sơn, Giám đốc CTCP Dược phẩm trung ương 2 (Codupha) và Nguyễn Minh Hùng (khi đó là Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Vimedimex).
Khang tự nhận là đại diện Công ty Health 200 Canada tại Việt Nam và nhờ Codupha, Vimedimex đứng tên số đăng ký, nộp hồ sơ đề nghị Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành sản phẩm cho 7 thuốc tân dược nhãn hiệu Healthe 2000 Canada gồm Extrafovir, Kaderox 250, Kafotax 1000, MGP Axinex 1000, MGP Mosinase 625, H2K Levoflxacin, H2K Ciprofloxcin.
Đối tượng cũng cung cấp hồ sơ các thuốc trên, trong đó có nhiều giấy tờ chứng nhận giả mạo. Tiếp nhận hồ sơ do ông Sơn và Hùng đứng đơn, Cục Quản lý Dược đã thẩm định, xét duyệt visa cho 7 loại thuốc trên.
Để phát triển thị trường ở Việt Nam, khoảng giữa năm 2010, Khang nhờ cháu họ là Võ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế H&C làm đại diện, giao cho Cường con dấu và chữ ký của Health 2000.
Quá trình hợp tác, Khang còn giới thiệu Cường gặp Raymundo Y.Mararac (quốc tịch Philippines, Giám đốc Công ty Health 2000 Canada tại Philippines kiêm Giám đốc Công ty Helix Canada).
Năm 2012, Cường và Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Trí Nhật, phó tổng giám đốc VN Pharma đến gặp Raymundo để trao đổi hợp tác. VN Pharma quyết định đặt mua 4 loại thuốc do Helix Canada sản xuất.
Do thời điểm này Helix Canada chưa được cấp giấy phép tại Việt Nam, nên các bị can đã nhờ pháp nhân là Công ty Austin Pharma (công ty đã được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam). Để nhập khẩu thuốc Helix Canada, từ năm 2012-2014, Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm làm giả 15 hợp đồng mua bán và 26 phụ lục hợp đồng giữa VN Pharma và Công ty Austin Pharma.
Tuy nhiên, do thông tin trong hồ sơ nhập khẩu 4 loại thuốc trên không nhất quán, để nhập khẩu trót lọt, Võ Mạnh Cường đã trực tiếp chỉnh sửa logo của Helix Canada thành Health 2000 Canada.
Hoàn tất các thủ tục, VN Pharma đã thông qua 4 loại thuốc gồm 838.100 hộp mang nhãn mác Health 2000 Canada giả mạo, rao bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc 623.819 hộp giá gần 52 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý dược và hải quan, nhóm Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Lê Xuân Khang, Võ Mạnh Cường cùng các nhân viên VN Pharma, Công ty H&C đã dùng các thủ đoạn để buôn bán, nhập khẩu, thông quan số lượng lớn thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước, gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe cho người bệnh.
Các bị can đã nâng khống giá mua thuốc từ 25,9 tỷ đồng lên 54 tỷ đồng, sau đó bán ra và thu lời bất chính hơn 31,5 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng xác định, đối tượng Nguyễn Lê Xuân Khang đã trực tiếp thỏa thuận mua bán 6 thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada cho 5 doanh nghiệp trong nước thông qua 36 hợp đồng với giá trị hơn 94 tỷ đồng. Do Khang đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ các cá nhân liên quan khi bắt được đối tượng này.
Cơ quan điều tra cũng đang thực hiện tương trợ tư pháp để làm rõ đối tượng Raymundo.
Còn đối với ông Lê Văn Sơn và các cá nhân khác tại Codupha đã ký đơn, hồ sơ đăng ký 5 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada. Tài liệu điều tra chưa đủ căn cứ kết luận các cá nhân này biết đó là hồ sơ giả nên công an không xem xét xử lý.