Bí ẩn số liệu từ chối chi trả bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lâu nay, ngành bảo hiểm luôn chủ động công bố số liệu chi trả bảo hiểm, nhưng số ca từ chối chi trả bồi thường vẫn là con số bí ẩn.
Bí ẩn số liệu từ chối chi trả bảo hiểm

Khuyến khích “tốt khoe, xấu cũng khoe”

Nguồn công bố chính thức thường được bắt đầu từ cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm là Bộ Tài chính, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, sau đó được các công ty bảo hiểm dẫn lại khi đăng tải các thông tin, bài báo quảng cáo nhằm nâng cao uy tín của doanh nghiệp, của ngành.

Trong tháng 5/2023, Bộ Tài chính công bố tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 23.521 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối phi nhân thọ ước đạt 7.417 tỷ đồng và khối nhân thọ ước đạt 16.104 tỷ đồng.

Con số trên khiến không ít người bất ngờ trong bối cảnh doanh thu phí toàn thị trường giảm mạnh. Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75.338 tỷ đồng, chỉ tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực nhân thọ gần như không tăng trưởng (chỉ tăng 0,5%) - ước đạt 52.049 tỷ đồng, còn lĩnh vực phi nhân thọ, tăng 2,55% - ước đạt 23.289 tỷ đồng.

Thực tế, quy định pháp luật không bắt buộc công bố số ca từ chối bảo hiểm cũng như số ca chi trả bảo hiểm, nhưng có quan điểm cho rằng, khi đã công bố con số chi trả bảo hiểm thì cũng nên công khai số ca bị từ chối chi trả để tăng sự minh bạch trên thị trường.

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành không có quy định nào bắt buộc cơ quan quản lý hay công ty bảo hiểm phải công bố cụ thể số liệu về việc từ chối bồi thường nên họ không công bố. Chưa kể, đây không phải là thông số “đáng khoe”, cũng là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.

“Dù vậy, ở một mức độ nào nó vẫn nên công bố số ca từ chối chi trả bảo hiểm để có cái nhìn sâu và bao quát hơn về thị trường”, ông Sơn nêu quan điểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cũng đã điều chỉnh, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công bố thông tin. Theo đó, từ đầu năm nay, các doanh nghiệp sẽ phải công khai thêm nhiều thông tin vốn hiếm khi được đề cập tới trước đây như thông tin về quyết định xử phạt đối với những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bản án, quyết định của tòa án về hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; quyết định khởi tố đối với doanh nghiệp, người quản lý, người kiểm soát của công ty bảo hiểm..., nhưng thông tin về số ca từ chối bồi thường vẫn trong vòng bí mật.

Quan trọng là chủ động minh bạch

Pháp luật hiện hành không có quy định bắt buộc phải công bố cụ thể số liệu về việc từ chối bồi thường bảo hiểm. Chưa kể, đây không phải là thông số “đáng khoe”, cũng là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.

Thống kê từ các văn phòng luật sư, đơn vị tư vấn pháp lý trong nhiều năm qua cho thấy, toàn ngành chứng kiến nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện xuất phát từ việc bên bán bảo hiểm từ chối chi trả bồi thường cho bên mua ở cả 2 mảng bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ.

Thời gian gần đây, số lượng vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trong lĩnh vực nhân thọ có dấu hiệu gia tăng nhanh liên quan đến những cáo buộc “ép” người dân mua bảo hiểm (bị dồn vào thế buộc phải mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng), hay đi gửi tiết kiệm bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ...

Riêng với kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/4/2023, tổng số kiến nghị, phản ánh mà cơ quan này tiếp nhận qua điện thoại là 192 kiến nghị, phản ánh và qua email là 299 kiến nghị, phản ánh. Trong đó, phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến kênh này.

Trong kinh doanh bảo hiểm, tranh chấp do bị từ chối chi trả bảo hiểm là khá phổ biến. Nguyên nhân có thể do sự kiện bảo hiểm không thuộc phạm vi bảo hiểm hay nằm trong điểm loại trừ bảo hiểm, vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, gian lận trong kinh doanh bảo hiểm... Tùy theo mức độ trung thực, doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm. Vì vậy, khi tham gia bảo hiểm, người mua cần đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm để nắm bắt các rủi ro được bảo hiểm, sự kiện được bảo hiểm và các điểm loại trừ bảo hiểm ghi trong hợp đồng, nếu chưa rõ có quyền yêu cầu tư vấn viên/đại lý giải thích.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, một trong những lý do các doanh nghiệp bảo hiểm luôn công bố số liệu về chi trả bảo hiểm, tức là nhắm vào quyền lợi mà khách hàng được hưởng, nhằm mục đích cho người tham gia bảo hiểm thấy được giá trị của bảo hiểm. Trong khi đó, các thông số liên quan đến việc từ chối chi trả bảo hiểm sẽ chỉ được cung cấp cho các cơ quan quản lý, cơ quan điều tra... khi có yêu cầu, ngoài ra doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ phải công bố thông tin này vì quy định pháp luật không bắt buộc phải công bố.

Cũng theo ông Tuấn, sau khi kết thúc năm tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công bố các báo cáo tài chính theo quy định, nhưng chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ công khai thông tin liên quan. Do đó, để gia tăng tính minh bạch, cần yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải công bố cả 2 việc chi trả hợp đồng bảo hiểm khi đáo hạn, bao gồm các hợp đồng chi trả quyền lợi bảo hiểm và các hợp đồng bảo hiểm bị từ chối.

17 vụ khiếu kiện do bị từ chối trả bồi thường

Chưa có số liệu cập nhật từ đầu năm đến nay, nhưng theo ông Lương Văn Ban, Thư ký Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt, dựa vào thống kê từ website https://congbobanan.toaan.gov.vn của Tòa án nhân dân Tối cao về số bản án lĩnh vực bảo hiểm, trong năm 2022, có 17 vụ tranh chấp dẫn đến khiếu kiện ở 2 mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ mà nguyên nhân đều xuất phát từ việc khách hàng bị công ty bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm.

Trong đó, các bản án thuộc lĩnh vực phi nhân thọ chiếm phần lớn với 14 bản án, bao gồm 2 bản án mảng bảo hiểm sức khỏe, 5 bản án mảng bảo hiểm ô tô, 4 bản án mảng bảo hiểm tàu cá, 1 bản án mảng bảo hiểm tàu thủy và 2 bản án mảng bảo hiểm tài sản. Lĩnh vực nhân thọ chỉ có 3 bản án.

Kết quả, phần lớn công ty bảo hiểm bị thua kiện (14 bản án), tỷ lệ người mua bảo hiểm thua kiện thấp (3 bản án). Tổng số tiền chi trả bảo hiểm được yêu cầu là gần 12,4 tỷ đồng, tổng số tiền công ty bảo hiểm thua kiện phải bồi thường là gần 11,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngoài việc vướng khiếu kiện nhiều nhất, Bảo hiểm Bảo Minh cũng là công ty bảo hiểm phi nhân thọ có số tiền đòi chi trả bảo hiểm lớn nhất trong năm qua (tại vụ việc tranh chấp tàu, số tiền yêu cầu chi trả là gần 3,3 tỷ đồng). Bảo hiểm Bảo Việt đứng thứ 2 về số vụ kiện (4 vụ), kết quả là thua 3 vụ và thắng 1 vụ.

Trong lĩnh vực nhân thọ, có 3 vụ khiếu kiện thì người mua bảo hiểm đều thắng kiện (2 vụ tại Aviva Việt Nam và 1 vụ tại AIA Việt Nam).

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục