Beyeu.com đóng cửa: IDG Ventures chọn sai mô hình

Giữa tuần qua, website beyeu.com chuyên kinh doanh mặt hàng dành cho mẹ và bé ngừng hoạt động khiến dư luận dặt câu hỏi: thị trường này đang nóng ảo hay do vấn đề từ chính bên trong doanh nghiệp?
Beyeu.com đóng cửa đúng lúc lĩnh vực kinh doanh sản phẩm dành cho trẻ em đang phát triển nóng

Thành lập vào năm 2013, beyeu.com ra đời cùng hai website thương mại điện tử khác là lamdieu.com và foreva.com, tập trung vào phân khúc đồ trẻ em, mỹ phẩm và đồ lót. Cả ba được xây dựng trên sự thành công của diễn đàn dành cho nữ giới ở Việt Nam đều do IDG Ventures đầu tư là webtretho.com.

Theo Alexa, đơn vị đo lường thứ hạng của các wesite trực thuộc công ty thương mại điện tử đa quốc gia amazon.com, webtretho.com đang đứng thứ 31 trong các website được truy cập nhiều nhất Việt Nam. Tuy nhiên, số phận của lamdieu.com, foreva.com và gần đây là beyeu.com lại không được suôn sẻ như vậy.

Điều đáng nói là, việc đóng cửa beyeu.com diễn ra trong thời điểm lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm dành cho mẹ và bé đang phát triển nóng. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường FTA năm 2014, thị trường sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em tại Việt Nam có doanh số đến 2,5 tỷ USD/năm. Thậm chí, thị trường sẽ sớm đạt quy mô 5 tỷ USD/năm trong tương lai gần.

Trên thị trường, có thể dễ dàng thấy sự bành trướng của các cửa hàng bán lẻ trong lĩnh vực này như Bibo Mart, Kidsplaza, My Kingdom, Concung.com… Còn trên online, cũng có nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm tham gia như deca.vn, website thương mại điện tử chuyên kinh doanh sản phẩm dành cho phụ nữ và em bé do Công ty cổ phần 24h đầu tư, taembe.vn của nhà đồng sáng lập thương hiệu Zalora Việt Nam…

Theo một chuyên gia vận hành thương mại điện tử (không muốn nêu tên), việc sở hữu lượng bà mẹ truy cập nhiều không đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người sẽ mua hàng từ beyeu.com, vì điều này phụ thuộc nhiều yếu tố khác như dịch vụ bán hàng, giao nhận, giá cả và chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Kế đến, đối với mô hình thương mại điện tử B2C (từ khách hàng tới doanh nghiệp), doanh nghiệp muốn trụ vững thì phải chọn các ngành hàng có lợi nhuận cao, chi phí thấp. beyeu.com lại đi chọn chiều ngược lại.

Cả 2 mặt hàng chủ đạo của website này là tã và sữa. Một hộp sữa cân nặng trên 1kg, tã thì trên 3kg dẫn đến chi phí giao nhận cao, phí lưu trữ hàng hóa cũng cao, trong khi lợi nhuận ngành hàng này rất thấp, chỉ khoảng 5% tổng doanh thu.

Thực tế, theo vị chuyên gia trên, thương mại truyền thống và cả thương mại điện tử vẫn dùng hình thức “lấy hàng hóa kéo khách hàng”. Đơn cử, tại chuỗi cửa hàng Thế giới Di động, họ dùng các mặt hàng lợi nhuận ít, nhưng giá hấp dẫn như sim điện thoại 100.000 đồng, điện thoại phổ thông giá rẻ để kéo khách hàng đến cửa hàng mua các sản phẩm có lợi nhuận cao hơn.

Trong khi đó, với beyeu.com, các ngành có lợi nhuận cao hơn tã và sữa như mỹ phẩm, đồ lót lại bị đẩy về các trang khác của IDG Ventures như lamdieu.com, foreva.com. Chính vì thế, beyeu.com bán càng nhiều thì lỗ càng cao, vì lợi nhuận thu về không đủ chi phí vận hành.

Cuối cùng, sự thất bại của beyeu.com cũng đến từ việc IDG Ventures chọn sai mô hình. Thay vì tập trung đầu tư vào một website để tìm thị phần, IDG Ventures lại chọn làm nhiều website dẫn đến phân tán nguồn lực. Cụ thể, thay vì dẫn khách hàng đi “thăm” nhiều ngành hàng khác nhau trên một website, việc chia thành nhiều website đồng nghĩa với IDG Ventures dẫn khách đi nhiều trang khác nhau. Điều này làm tăng chi phí tiếp thị, tăng chi phí vận hành trong khi hiệu quả về mặt doanh thu lại không cao.

“Dẫn khách hàng đến một chỗ có 5 thứ để mua sẽ ít chi phi hơn dẫn họ tới 5 chỗ khác nhau, vì đâu có gì đảm bảo là khách hàng sẽ mua ở cả 5 chỗ, trong khi chi phí tiếp thị mỗi chỗ đều phải bỏ ra”, vị chuyên gia nêu trên phân tích và cho rằng, IDG Ventures đã đóng cửa cả lamdieu.com và foreva.com để tập trung vào beyeu.com, nhưng đã quá muộn vì họ không còn nguồn lực dồi dào như lúc đầu.

Trước khi ngừng hoạt động, beyeu.com đã để lại một thông điệp khá sốc như sau: “Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty sẽ quyết định ngừng đốt tiền vào nó. Chúc may mắn cho những ai còn đang cố gắng”.

Trên thực tế, phần lớn giám đốc các công ty làm thương mại điện tử ở Việt Nam xác nhận, họ đều vẫn đang lỗ, vì thời điểm bùng nổ của thị trường này chưa thể xác định. Nhưng câu chuyện lỗ để đón làn sóng bùng nổ rất khác với chuyện lỗ dẫn đến đóng cửa.

Công Sang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục