Bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT VCSC nhấn mạnh: “Vietnam Access Day được tổ chức nhằm mang lại bức tranh toàn cảnh về kinh tế Việt Nam cùng với góc nhìn chuyên sâu trong từng lĩnh vực, giúp các NĐT nước ngoài đánh giá chính xác môi trường đầu tư, các cơ hội trên thị trường cũng như kết nối vốn và cơ hội đầu tư. Các NĐT có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo của 25 doanh nghiệp là những công ty hàng đầu ở Việt Nam”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mới khi chuẩn bị ký kết Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Frederick Burke, Tổng giám đốc Công ty Luật Baker & McKenzie Việt Nam nhận định, so với các hiệp định thương mại khác, TPP có lợi thế vượt trội, gấp 3 lần so với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đối với Việt Nam, khi TPP được ký kết, dự kiến GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 26,2 tỷ USD nếu là TPP 11 và tăng thêm 35,7 tỷ USD nếu là TPP + Nhật Bản. Nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam cũng được tăng cường và Việt Nam sẽ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng gắn kết hơn.
Theo ông Frederick Burke, ước tính được con số GDP tăng thêm nêu trên là nhờ TPP sẽ mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn. Dự kiến, xuất khẩu của lĩnh vực sản xuất tăng 34%, nhập khẩu trong ngành sản xuất, hàng tiêu dùng tăng 27%. Tuy nhiên, hội nhập sâu rộng thì tất yếu cạnh tranh sẽ gay gắt, nhưng cũng nhờ vậy mà tạo động lực cho DN Việt Nam củng cố năng lực nội tại, phát huy các thế mạnh. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Chính phủ Việt Nam cải cách hành chính, tạo môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi.
Việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ mở ra cơ hội thu hút thêm nguồn vốn từ NĐT nước ngoài, nhất là khi thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng về tiêu dùng. Đối với ngành hàng bán lẻ, hàng tiêu dùng, ông Ralf Matthaes, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Infocus cho rằng, ngành tiêu dùng Việt Nam trong năm 2014 có sự tăng tưởng nhờ lạm phát thấp, GDP tăng khá, xuất khẩu tăng, chính sách tài khóa tốt, thị trường bất động sản bắt đầu tan băng. Một thực tế đáng ghi nhận là những mặt hàng xa xỉ như ô tô thì sản lượng bán ra gia tăng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, đầu tư FDI chững lại và kinh tế tiêu dùng trẻ bị mất phương hướng.
Năm 2015, ông Ralf Matthaes dự báo, tiêu dùng sẽ tăng trưởng hơn so với năm 2014, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, xuất khẩu, nhưng có sự lệ thuộc vào mức tăng trưởng của lĩnh vực công nghệ. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào 3 đối tượng tiêu dùng chính gồm tầng lớp cao cấp, nông thôn và giới trẻ.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Henry B.Nguyen, Giám đốc điều hành IDG Ventures Viet Nam, đồng thời là Chủ tịch McDonald’s VietNam chia sẻ, Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về dân số, trong đó có 20 triệu người (bằng 1/5 dân số) sử dụng facebook, có 45,7 triệu người dùng Internet (1/2 dân số). Đặc biệt, giới trẻ Việt Nam rất ưa chuộng sử dụng công nghệ mới. Dự báo, tầng lớp trung lưu và thượng lưu sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020. Dư địa phát triển của ngành công nghệ vẫn còn lớn.
Ngoài ra, ông Henry cho biết, hiện nay, cứ 3 người dân Việt Nam thì có 1 người sử dụng điện thoại thông minh. “Đây sẽ là thiết bị ‘vàng’, có thể thay đổi ngành công nghệ Việt Nam trong thời gian tới”, ông Henry nói.
Với mức độ sử dụng thiết bị điện tử thông minh gia tăng, ông Henry dự báo sẽ có 4 lĩnh vực phát triển trong ngành công nghệ Việt Nam gồm: ứng dụng trò chơi điện thoại (hiện 64% người dùng sử dụng); mua bán online dự kiến tăng doanh thu từ 0,8 tỷ USD năm 2013 lên 7 tỷ USD năm 2017; giáo dục trực tuyến ước tăng trưởng 50% trong giai đoạn 2011 - 2016 và quảng cáo qua mạng sẽ chiếm 10% trong các hình thức quảng cáo.