Bệ đỡ vĩ mô giúp doanh nghiệp bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhờ chiến lược kinh doanh linh hoạt, cùng với đà hồi phục tích cực của kinh tế vĩ mô, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm và dự báo còn nhiều dự địa để bứt tốc cuối năm.
Nhiều doanh nghiệp ngành cao su có kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm nhờ giá cao su tăng Nhiều doanh nghiệp ngành cao su có kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm nhờ giá cao su tăng

Chuyển lỗ thành lãi

Đối mặt với những “cơn gió ngược” đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới và xung đột địa chính trị, nhiều doanh nghiệp đã có những chiến lược thích ứng linh hoạt, qua đó đã vượt qua được sóng gió.

Công ty cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất (mã chứng khoán TNS) đã có bước chuyển mình thành công khi chuyển từ kinh doanh thua lỗ sang có lãi trong quý II/2024 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2024.

Cụ thể, trong quý II/2024, Thép tấm lá Thống Nhất ghi nhận doanh thu thuần đạt 920 tỷ đồng, tăng 656% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 1,3 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.725 tỷ đồng, cao gấp 7 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt gần 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 3 tỷ đồng.

Thép tấm lá Thống Nhất cho biết, thị trường thép cán nguội đầu năm 2024 vẫn còn những diễn biến khó lường từ cạnh tranh địa chính trị, khả năng phục hồi chậm. Tuy nhiên, với nỗ lực tìm kiếm khách hàng cũng như nguồn hàng có giá cả hợp lý, nhờ đó sản lượng sản xuất tăng 162% và tiêu thụ tăng 171% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Bảo hiểm Dầu khí (PVI Finance, mã chứng khoán PFH) đã thoát lỗ ngoạn mục trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ mảng đầu tư bất động sản và chứng khoán ghi nhận kết quả tích cực. Cụ thể, trong quý II/2024, doanh thu của PVI Finance đạt hơn 13,59 tỷ đồng, tăng 920% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý II của Công ty đạt 9,51 tỷ đồng, tăng 479% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVI Finance ghi nhận doanh thu đạt hơn 80,7 tỷ đồng, tăng 4.874% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 0,33 tỷ đồng.

Giá vốn trong kỳ tăng chậm hơn, trong khi mảng đầu tư bất động sản và đầu tư chứng khoán hiệu quả hơn đã đem lại kết quả tăng trưởng cao cho PVI Finance. Năm 2024, PVI Finance đặt mục tiêu doanh thu 90 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 11 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã gần như sắp về đích kế hoạch doanh thu và vượt xa mục tiêu về lợi nhuận cả năm (vượt 172% kế hoạch năm).

Mở rộng dư địa

Không chỉ Thép tấm lá Thống Nhất và PVI Finance, nhiều doanh nghiệp khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ xoay trục tăng trưởng.

Kinh tế vĩ mô khởi sắc đang trở thành bệ đỡ, giúp các doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục bứt phá trong nửa cuối năm 2024.

Chẳng hạn, nhờ thúc đẩy tăng doanh thu mảng băng tải dây chuyền và cao su kỹ thuật, trong quý II/2024, Công ty cổ phần Cao su Bến Thành (mã chứng khoán BRC) đã có sự bứt phá. Cụ thể, lợi nhuận quý II/2024 đạt 5,58 tỷ đồng, tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp tích cực vào kết quả này là nhờ doanh thu mảng băng tải dây chuyền (tăng 24,8% so với với cùng kỳ năm trước, đạt 75 tỷ đồng) và mảng cao su kỹ thuật (doanh thu tăng 63% so với cùng kỳ năm trước, đạt 23,3 tỷ đồng).

Tương tự, ngay từ đầu năm 2024, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán DPR) đã nhận định, năm nay tiếp tục có những diễn biến khó lường đối với tình hình an ninh, kinh tế thế giới cũng như thị trường cao su, làm giá vật tư, nguyên liệu đầu vào và chi phí logistic tăng quá cao, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động sản xuất của Công ty. Do đó, Cao su Đồng Phú đã triển khai một loạt giải pháp để thích ứng và đạt được kết quả khả quan.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ cao su của Công ty đạt hơn 2.682 tấn, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ giá bán cao su bình quân cao đạt 41,87 triệu đồng/tấn (cùng kỳ năm trước đạt 34,41 triệu đồng/tấn), nên kết quả doanh thu ghi nhận tích cực hơn. Bên cạnh đó, sản lượng gỗ chế biến tiêu thụ trong kỳ cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 6.398 tấn, đóng góp khả quan cho kết quả chung của Công ty.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Cao su Đồng Phú ghi nhận doanh thu hơn 324 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận gộp đạt 118,9 tỷ đồng, tăng 42,3%. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 38,5% kế hoạch doanh thu và 42,9% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM), việc duy trì nhịp sản xuất an toàn, ổn định cũng như liên tục mở rộng thành công các sản phẩm, thị trường mới đã giúp doanh nghiệp này có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ, kinh doanh phân bón và hóa chất của PVFCCo đều vượt kế hoạch và tăng từ 5 - 20% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tổng sản lượng kinh doanh phân bón tăng trưởng 5% (đạt 694.400 tấn), tổng sản lượng kinh doanh hóa chất tăng trưởng 20% (đạt 63.600 tấn). Về xuất khẩu, PVFCCo đã xuất khẩu ure đạt gần 100.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu ure bình quân của PVFCCo cũng tăng hơn 8% so với năm 2023.

Chia sẻ kế hoạch 6 tháng cuối năm, PVFCCo cho biết sẽ cung ứng khoảng trên 650.000 tấn phân bón và hóa chất các loại, tiếp tục phát triển thêm các dòng sản phẩm mới và các thị trường quốc tế nhằm hoàn thành tốt nhất kế hoạch cả năm 2024.

PVFCCo tích cực phát triển thêm các dòng sản phẩm NPK mới, tiêu biểu là dòng NPK Phú Mỹ 20-10-10+TE chuyên dùng cho mía đường, cây ăn trái. Điều này giúp lượng tiêu thụ NPK Phú Mỹ đạt trên 80.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023 trong điều kiện thị trường năm nay có nhiều thách thức hơn như khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài, làm chậm mùa vụ và sức tiêu thụ các sản phẩm phân bón.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, ngành phân bón được đánh giá có triển vọng khả quan, cùng kỳ vọng nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ phục hồi dần sau khi bị ảnh hưởng bởi thời tiết El Nino nghiêm trọng vào năm 2023, từ đó giúp giá phân bón cải thiện.

Một doanh nghiệp phân bón khác cũng được dự báo tích cực là Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM). Cụ thể, Công ty Chứng khoán DSC dự phóng PVCFC sẽ có kết quả kinh doanh vượt kế hoạch năm 2024 với doanh thu đạt 14.560 tỷ đồng (tăng 16% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.554 tỷ đồng (tăng 40%) nhờ ba yếu tố: Thứ nhất, thị phần Tây Nguyên và Đông Nam Bộ dự kiến tăng mạnh từ thương vụ mua lại nhà máy KVF; thứ hai, giá ure kỳ vọng tiếp tục tăng khi nguồn cung thắt chặt; thứ ba, các yếu tố chi phí khấu hao giảm, tỷ trọng khí tự nhiên nội địa tăng và Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ hỗ trợ lợi nhuận tăng.

Kinh tế Việt Nam đã có sự hồi phục tích cực trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024 với mức tăng trưởng GDP lần lượt đạt 6,93% và 6,42%. Theo kịch bản tăng trưởng mới, mục tiêu tăng trưởng năm nay sẽ ở mức 6,5 - 7%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và các công ty chứng khoán, sự phục hồi tích cực của kinh tế vĩ mô sẽ tạo bệ phóng vững chắc cho doanh nghiệp tăng tốc, bứt phá trong nửa cuối năm.

Hải Minh
Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục