Bệ đỡ cho sự phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội, “chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau” là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện trên cơ sở Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội

Sau hơn 20 năm hoạt động, đặc biệt sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đến ngày 31/8/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 325.221 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 306.574 tỷ đồng, tăng 297.943 tỷ đồng (gấp 35,5 lần) so với thời điểm nhận bàn giao, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 20,9%. Chất lượng tín dụng được duy trì ổn định, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Nợ quá hạn là 571 tỷ đồng, chiếm 0,19%/tổng dư nợ.

Các chương trình tín dụng được thiết kế đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác. Trong hơn 20 năm qua, 44,407 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được hỗ trợ vay vốn, hơn 6,5 triệu hộ được hỗ trợ vượt ngưỡng nghèo. Gần 6,4 triệu lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm, trong đó hơn 147.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 3,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học.

Cùng với đó, hơn 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được xây dựng. 3.807 lượt doanh nghiệp được giải ngân với số tiền 4.829 tỷ đồng để trả lương cho 1,23 triệu lượt lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cho vay các chương trình tín dụng chính sách trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đạt 20.589 tỷ đồng, với trên 361.000 lượt khách hàng được vay vốn.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là một “điểm sáng”, và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam. Trong đó, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương là yếu tố quyết định trong việc thực hiện thành công tín dụng chính sách xã hội.

Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ

Ngân hàng Chính sách xã hội luôn nhất quán phương châm hành động “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và “Nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có Ngân hàng Chính sách xã hội”. Nhờ vậy, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Thứ nhất, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân; góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương trên cả nước; thực hiện Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia; đồng thời, trở thành cấu phần bổ trợ quan trọng, tất yếu, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ hai, xây dựng thành công mô hình tổ chức đặc thù, hiệu quả, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị, điều kiện thực tiễn đất nước, phát huy sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội.

Thứ ba, xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý tín dụng, trong đó huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia triển khai. Đó là ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình tín dụng thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội; phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội thành lập hơn 168.000 tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, ấp, bản, làng; tổ chức giao dịch tại hơn 10.400 điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước, đảm bảo dân chủ, công khai với cách thức giao dịch tại nhà, giải ngân - thu nợ tại xã.

Thứ tư, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng, có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định chủ trương của Đảng, giải pháp của Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội là đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, mang tính đột phá, phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp; được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Giải quyết triệt để những khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn một số khó khăn: nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo, đối tượng chính sách; nguồn vốn tuy đa dạng nhưng chưa thực sự hợp lý và bảo đảm bền vững; nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo chưa tập trung triệt để về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội.

Để giải quyết triệt để những khó khăn này, Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương xem xét, giải quyết hợp lý, kịp thời một số đề xuất, kiến nghị:

Một là, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí vốn, tạo nguồn lực đủ lớn để Ngân hàng Chính sách xã hội phát huy vai trò là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hai là, các cấp ủy đảng, các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư.

Ba là, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã; thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Bốn là, bộ, ngành trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; kết hợp giữa tín dụng chính sách xã hội với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội; cũng như cải thiện, nâng cao hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chỗ dựa tin cậy của người nghèo

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù, hiệu lực, hiệu quả. Chủ động thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động ngân hàng; phát triển các sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, phù hợp với nhu cầu của khách hàng là người có thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là “nhà cung cấp tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và châu Á”, là chỗ dựa tin cậy của người nghèo, các đối tượng chính sách (theo nhận định của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế).

Nguyễn Đức Hải
Theo Đặc san Phát triển bền vững 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục