Những mục tiêu thách thức
Đại hội đồng cổ đông thường niên VPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 107% so với năm 2021, đạt 29.662 tỷ đồng. Con số này vượt mức lợi nhuận cao nhất trong hệ thống ngân hàng năm 2021 là 27.376 tỷ đồng của Vietcombank.
SHB dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 11.686 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2021.
Ban điều hành BIDV kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay đạt 20.600 tỷ đồng, tăng 52% so với năm ngoái.
SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 4.866,6 tỷ đồng, tăng 48,9% so với năm 2021.
Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của VietABank là 38%, đạt 1.158 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông TPBank đã thống nhất kế hoạch kinh doanh năm nay là lợi nhuận trước thuế tăng 36%, đạt 8.200 tỷ đồng.
Cổ đông của LienVietPostBank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận năm 2022 ở mức 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021.
Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2021, các cổ đông OCB đã thông qua kế hoạch với mức lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 29%, đạt 7.110 tỷ đồng.
Trong khi đó, ACB kỳ vọng, lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 25%, đạt 15.018 tỷ đồng.
Tại Nam A Bank, ngân hàng này đặt mục tiêu đạt lãi trước thuế năm 2022 là 2.250 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021, trên cơ sở mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận là 22,7%.
Đại hội đồng cổ đông HDBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021.
Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của VPBank là 107%, SHB là 87%, BIDV là 52%, SeABank gần 49%, TPBank 36%, LienVietPostBank 32%, OCB 29%...
Sacombank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay tăng 20%, đạt 5.280 tỷ đồng.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MB là 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Ngân hàng dự phòng trường hợp kinh tế vĩ mô khó khăn, lợi nhuận trước thuế theo kịch bản này là 19.000 tỷ đồng, tăng 15%.
Năm 2022, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021.
Đối với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, mục tiêu tăng trưởng không cao nhưng con số lợi nhuận rất lớn. Cụ thể, Vietcombank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng tối thiểu 12%, tương ứng vượt 30.675 tỷ đồng. Kế hoạch của VietinBank là lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 tăng 15%. Năm 2021, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 17.589 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 16.860 tỷ đồng. Theo đó, với kế hoạch đặt ra, lãi trước thuế riêng lẻ của VietinBank trong năm 2022 ước đạt 19.390 tỷ đồng.
Cơ sở để ngân hàng tự tin
VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay gấp đôi năm trước khiến một số cổ đông băn khoăn. Theo lãnh đạo ngân hàng này, cơ sở để đạt lợi nhuận là kế hoạch tăng trưởng tín dụng 35% (còn phụ thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước), từ 384.030 tỷ lên 518.400 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng tài sản của Ngân hàng dự kiến tăng 27,4%, huy động vốn tăng 27,8%.
“Kế hoạch năm 2022 rất thách thức, nhưng tính khả thi cao. Tại sao chúng tôi lại đưa ra một mục tiêu lớn như vậy? Thứ nhất, chúng tôi cho rằng, nhu cầu thị trường của nền kinh tế sau giai đoạn khó khăn sẽ tăng trở lại, đặc biệt là nhờ các chiến lược của Chính phủ trong hỗ trợ phục hồi kinh tế với hàng trăm nghìn tỷ đồng được đưa vào thị trường. Thứ hai, VPBank với một nền tảng vững chắc, hệ thống sẵn sàng, sẽ có khả năng cho tăng trưởng cao”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ.
Không dừng lại ở mảng kinh doanh cốt lõi, Tổng giám đốc VPBank cho biết, nếu 5 năm trước là thời cơ của lĩnh vực ngân hàng và tài chính tiêu dùng, thì 5 năm sau sẽ là cơ hội cho chứng khoán và ngân hàng đầu tư. VPBank sẽ không bỏ lỡ cơ hội trên thị trường này để củng cố doanh thu và lợi nhuận.
“Chúng tôi nhận thấy, cơ hội cho ngân hàng đầu tư chuyên nghiệp là rất lớn”, ông Vinh nói.
Được biết, trong quý I/2022, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 11.000 tỷ đồng, mức cao nhất hiện nay trong hệ thống. Nếu không kể giao dịch bất thường thông qua hợp đồng bảo hiểm, thu nhập của Ngân hàng đạt gần 6.000 tỷ đồng, trong đó ngân hàng mẹ vượt 5.000 tỷ đồng. Công ty tài chính FE Credit có mức tăng trưởng tín dụng không cao, đạt 1,6%, nhưng nhờ tối ưu hoá, thu nợ... nên lợi nhuận mang về gần 800 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông 2022 của BIDV, Tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm chia sẻ, việc thu nợ ngoại bảng thường diễn ra trong 2 quý cuối năm và đóng góp vào kết quả kinh doanh của Ngân hàng. Dự kiến, nguồn thu nợ ngoại bảng năm nay có thể lên đến 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức trích lập dự phòng khoảng 23.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức 29.000 tỷ đồng của năm ngoái, trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu đang ở mức thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao. Trong quý I/2022, số dư huy động vốn của BIDV tăng 1,3%, dư nợ tín dụng tăng 4,7%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,8%, lợi nhuận hợp nhất hơn 4.500 tỷ đồng.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV khẳng định: “Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 20.600 tỷ đồng trong năm nay chắc chắn sẽ đạt được”.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, quý I/2022, Ngân hàng có tổng tài sản tăng 3,4%, dư nợ tín dụng tăng 7%, huy động vốn tăng 3,8%, nợ xấu ở mức 0,8%, lợi nhuận hợp nhất đạt 9.950 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 9.650 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021.
“Với tiến độ thực hiện trong quý I, Ban lãnh đạo Ngân hàng tin tưởng vững chắc sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 đã đề ra”, ông Dũng nói.
Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn chia sẻ, khả năng năm nay sẽ có lợi nhuận khác biệt so với kế hoạch. Bên cạnh triển vọng bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và có thặng dư là thương vụ hợp tác phân phối bảo hiểm.
“Hiện LienVietPostBank đã qua mấy vòng đàm phán với đối tác, nhiều khả năng sẽ chốt vào tháng 6 tới để báo cáo cổ đông. Nếu chốt, chắc chắn việc hạch toán phí trả trước sẽ tạo khác biệt, thậm chí đột biến ở lợi nhuận”, ông Sơn nhấn mạnh.
Được biết, hiện gần như chỉ còn LienVietPostBank chưa ký mới hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm, bởi thời gian qua, Ngân hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng cũ. Sau 5 năm triển khai từ tháng 2/2017, hợp đồng này hoàn tất và hướng đến gói mới, dĩ nhiên đi cùng với vị thế mới.
Đối với SHB, trước thắc mắc của cổ đông về dự kiến lợi nhuận được đặt ra trên cơ sở nào, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển chia sẻ: “Trong kế hoạch kinh doanh, chúng tôi chưa bao giờ đưa ra con số trước, mà đưa ra cơ sở, căn cứ, phương pháp, tổ chức thực hiện… để ra con số đúng. SHB có sáng kiến chiến lược, phát triển tệp khách hàng, hệ sinh thái, chuỗi cung ứng, tạo nên sự khác biệt. Thực tế, SHB có nhiều thế mạnh mà trước đây chưa khai thác hết. Chúng tôi đang cấu trúc và tập trung triển khai thế mạnh đó. SHB sẽ tăng mạnh tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), hoạt động dịch vụ trong năm nay, cổ đông có thể yên tâm về mục tiêu lợi nhuận”.
Đáng chú ý, SHB đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu bán cho VAMC. Do đó, gánh nặng trích lập năm nay sẽ giảm khoảng 3.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Đây là một trong những cơ sở giúp Ngân hàng đề ra kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng cao.