Bê bối của Khaisilk: Cần minh bạch việc kiểm tra, đánh giá vụ việc

(ĐTCK) Trong một bài phỏng vấn báo chí, ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk cho biết, Khaisilk bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc trong 30 năm qua. Cũng trong bài này ông gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự thể không dừng lại ở lời xin lỗi, khi cơ quan chức năng đã chính thức vào cuộc.
Các cửa hàng Khaisilk đồng loạt đóng cửa sau khi  thông tin bán lụa "made in China" bung vỡ Các cửa hàng Khaisilk đồng loạt đóng cửa sau khi thông tin bán lụa "made in China" bung vỡ

Khăn lụa Khaisilk có lừa người tiêu dùng?

Tâm bão dư luận những ngày qua là vụ bê bối bán khăn lụa Việt Nam nhưng nguồn gốc “made in China” của doanh nhân Hoàng Khải - ông chủ Tập đoàn Khaisilk. Trước đó, một doanh nghiệp ở Hà Nội sau khi mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng có gắn 2 nhãn mác: Một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam”, còn một nhãn với nội dung “made in China”.

Vụ việc vỡ bung khi trên một số bài báo, ông Khải trả lời rằng, Khaisilk bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc trong 30 năm qua, với tỷ lệ hàng Trung Quốc là 50% do thực tế lụa Việt Nam không đủ số lượng và chất lượng. Cách trả lời truyền thông của ông chủ Khaisilk đã tạo nên những phản ứng mạnh mẽ từ dư luận với không ít lời miệt thị, khiến hình ảnh của một doanh nhân thành đạt của Việt Nam bỗng trở thành một tên gian thương, lừa đảo, đáng bị
tẩy chay...

Về phía nhà quản lý, trước phản ứng của dư luận, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin liên quan tới việc Tập đoàn Khaisilk bán khăn nhãn mác “made in China”.

'Con đường tơ lụa' Khaisilk được hình thành thế nào
Ông trùm tơ lụa Hà Thành đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng của khách hàng.

Câu chuyện của Khaisilk không giống những vụ án lừa dối khách hàng từng phát giác trước đây như vụ việc nhóm nhân viên Công ty Xăng dầu khí đốt Hà Nội gian lận, “móc túi” khách hàng rút bớt lượng xăng, mà liên quan trực tiếp đến chất lượng hàng hóa và niềm tin người tiêu dùng.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, Khaisilk có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh khi đánh tráo sản phẩm lụa xuất xứ từ Trung Quốc thành xuất xứ từ Việt Nam.

Trong khi thực hư của những quy kết, đánh giá về sự vụ trên là như thế nào còn chờ cơ quan chức năng làm rõ, thì cũng có rất nhiều ý kiến tiếc nuối cho một thương hiệu Việt Nam, một doanh nghiệp Việt Nam rơi vào khủng hoảng một cách nhanh chóng xuất phát từ “ngòi lửa” là phản ứng của một khách hàng mua lụa Khaisilk và từ một số bài báo đăng phát ngôn của ông chủ Tập đoàn. 

Cần minh bạch việc kiểm tra, đánh giá vụ việc

Không chỉ có người tiêu dùng, dư luận phản ứng, một số luật sư cũng lên tiếng về vụ việc này. Theo Luật sư, TS. Lê Nết, phản ứng của dư luận cho thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Theo Luật, quyền của người tiêu dùng là được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng nêu rất rõ, hàng giả là hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất đóng gói, lắp giáp hàng hóa.

Bình luận thêm, vị luật sư này cho hay, vụ việc xảy ra tại Khaisilk có thể vi phạm về Luật Cạnh tranh do cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể được quy định tại các điều 40 và 45. Hành vi sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý để làm sai lệch nhận thức của khách hàng là bị cấm. Tương tự, Điều 8 và Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định những điều cấm người bán hàng/cung cấp dịch vụ, thông tin chỉ dẫn sai đến người tiêu dùng.

“Thậm chí, nếu doanh nghiệp có hành vi lặp đi lặp lại trong thời gian dài, số lượng lớn, cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án Sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 156 - Bộ luật Hình sự năm 1999”, Luật sư Truyền nói.

Về phía doanh nghiệp, sau bài báo làm bùng phát phản ứng của dư luận, hiện ông Khải chưa có bất kỳ phát ngôn gì liên quan đến nghi vấn của dư luận về gian dối trong kinh doanh của Khaisilk.

Dư luận đang thổi bùng những ức chế về sự vụ qua hàng nghìn nhận xét, đánh giá tẩy chay Khaisilk trên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều cần nhất lúc này là “cái đầu lạnh” và tinh thần làm việc công tâm, chuẩn mực của các cơ quan quản lý, nhằm xem xét sự việc một cách chân thực và khách quan nhất.     

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục