Bê bết dự án buýt đường sông TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2015, UBND TP.HCM phê duyệt cho Công ty TNHH Thường Nhật đầu tư 2 tuyến buýt đường thủy với hình thức đối tác công - tư. Song tới giờ này, một tuyến chỉ mới xây được 5/9 bến, tuyến còn lại vẫn nằm trên giấy, nguy cơ đội vốn rất cao.
Buýt đường sông của Công ty Thường Nhật mới chỉ vận hành được ở tuyến số 1. Buýt đường sông của Công ty Thường Nhật mới chỉ vận hành được ở tuyến số 1.

Nguy cơ đội vốn

Từ tháng 10/2015, UBND TP.HCM có Quyết định số 5080/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn Thành phố (còn gọi là tuyến buýt đường thủy). Sau đó, giữa Công ty Thường Nhật và Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM (theo ủy quyền) đã ký Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh số 2683/HĐ-SGTVT theo hình thức đối tác công - tư đối với 2 dự án này.

Theo đó, tuyến buýt đường thủy số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) dài khoảng 10,8 km, có lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông - Thủ Đức tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại. Tuyến này gồm 7 bến đón trả khách, đi qua địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Tuyến buýt đường thủy số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài khoảng 10,3 km, có lộ trình từ bến Bạch Đằng, đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm, phường 7, quận 6 và ngược lại. Tuyến này gồm 7 bến đón trả khách, đi qua địa bàn các quận 1, 4, 5, 6, 8.

Đây là 2 tuyến buýt đường thủy đầu tiên của TP.HCM và cũng là của cả nước.

Theo phê duyệt, tiến độ thi công công trình và đưa vào khai thác vận hành là năm 2015 - 2016. Trong đó, với tuyến buýt đường thủy số 1 đầu tư 9 bến, 5 tàu. Tuyến buýt đường thủy số 2 sẽ là 11 bến, 5 tàu, có sức chở từ 30 khách/tàu.

Thế nhưng, tới giờ này, theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, chỉ có tuyến buýt đường thủy số 1 được đưa vào khai thác vận hành. Nhưng ở tuyến này, nhà đầu tư cùng chỉ mới xây dựng được 5/9 bến và mới chỉ đầu tư được 4/5 tàu với tổng kinh phí 22,6 tỷ đồng.

Còn tuyến buýt đường thủy số 2 thì nhà đầu tư chưa xây dựng được bến, cũng như chưa có phương tiện chở khách nào. Đáng nói, sau khi vỡ kế hoạch vận hành năm 2016, tuyến buýt số 2 được lùi lại đến đầu năm 2018. Tới năm 2018, tuyến này lại tiếp tục “lỡ hẹn” và lùi tới năm 2020, nhưng rồi kết thúc năm 2022 vẫn chưa xong.

Tháng 8/2022, trước vướng mắc của dự án, cơ quan chức năng đã lập Tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác cập nhật quy hoạch, sử dụng đất của 2 dự án, từ đó, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Nhưng tới tận bây giờ, tuyến số 1 vẫn chỉ có 5/9 bến được xây. Tuyến số 2 thì vẫn chưa có bến nào được xây dựng.

Với việc liên tục lỡ hẹn, theo cơ quan chức năng, việc phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh vốn là điều đã nhìn thấy trước.

Chính quyền “lề mề” thủ tục giao đất

Theo ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, lượng khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy chỉ chiếm hơn 1% lượng khách tới TP.HCM năm 2022. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng bến cảng, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách còn hạn chế; chưa có cơ chế giao, cho thuê đất để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển vận tải hành khách du lịch.

Theo Điều 12, Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh số 2683/HĐ-SGTVT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện việc bàn giao cho thuê đất để thực hiện dự án. Theo Sở GTVT TP.HCM, một trong những nguyên nhân chậm bởi Công ty Thường Nhật chưa chủ động trong việc thực hiện thủ tục xác định vị trí, diện tích đất để thực hiện kê khai đăng ký đất đai và phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương xác định vị trí, nguồn gốc đất và cập nhật quy hoạch cục bộ các vị trí khu đất để đầu tư xây dựng bến.

Song, nhà đầu tư cho hay, theo đôn đốc của cơ quan chức năng, họ đã hoàn tất hồ sơ để thực hiện thủ tục giao thuê đất, thì tới giờ này, đa số các bến trên tuyến buýt đường thủy số 1 và 100% bến tuyến buýt đường thủy số 2 chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường xác định nguồn gốc đất.

Nguyên nhân, Sở GTVT cho rằng: “Việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cục bộ các vị trí khu đất để đầu tư xây dựng bến chưa được UBND TP. Thủ Đức và các quận quan tâm; việc thực hiện còn chậm”.

Đến nay, chỉ có bến Linh Đông (TP. Thủ Đức) đã được chính quyền thành phố này phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Bến Hiệp Bình Chánh được TP. Thủ Đức trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định hồ sơ điều chỉnh chi tiết xây dựng đô thị 1/2.000. Các bến còn lại chưa được UBND TP. Thủ Đức, các quận trình cập nhật, điều chỉnh quy hoạch.

Đáng nói, trước đó, từ tháng 9/2020, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu UBND các quận khẩn trương rà soát quy hoạch các bến thuộc địa bàn, đề xuất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 các bến; yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Tài chính (Thường trực Ban chỉ đạo 167) và UBND các quận/ huyện liên quan rà soát nguồn gốc, cơ sở pháp lý và hiện trạng các khu đất dự kiến xây dựng các bến thủy nội địa thuộc Dự án để trình Ban chỉ đạo 167 Thành phố quyết định; báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM trong tháng 11/2020. Sau khi hoàn tất thủ tục phê duyệt quy hoạch và xác định cơ sở pháp lý trong giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình UBND TP.HCM giải quyết thủ tục sử dụng đất đối với tất cả các bến thủy nội địa thuộc dự án trước ngày 31/12/2020.

Thế nhưng, đến nay, là cơ quan được ủy quyền ký với nhà đầu tư, Sở GTVT vẫn chưa nhận được kết quả thực hiện cập nhật quy hoạch của các quận, TP. Thủ Đức và kết quả việc xác định nguồn gốc đất, giao thuê đất của Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở GTVT TP.HCM khẳng định, việc chậm giao thuê đất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và hiệu quả đầu tư dự án.

Chậm tiến độ còn bởi 2 đại dự án trọng điểm

Theo nhà đầu tư, trên lộ trình tuyến buýt đường thủy số 2 còn bị vướng bởi 2 dự án trọng điểm của TP.HCM là Dự án Cải thiện môi trường nước (Giai đoạn II, trị giá hơn 11.000 tỷ đồng) và Dự án Đầu tư cổng kiểm soát triều Bến Nghé (hơn 10.000 tỷ đồng)

Cũng tức là, nếu cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục giao thuê đất để nhà đầu tư tuyến buýt đường thủy số 2 xây bến, mua tàu, thì cũng chưa biết bao giờ mới vận hành, nếu 2 dự án liên quan trên chưa được hoàn thành.

Trong khi đó, Dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn II, triển khai từ năm 2010 và được phê duyệt thời gian hoàn thành vào tháng 6/2022. Thế nhưng, tới nay UBND TP.HCM cho biết, dự án chỉ mới thi công đạt 80% khối lượng, không thể hoàn thành đúng tiến độ nên cần gia hạn hoàn thành vào tháng 12/2023.

Còn Dự án Đầu tư cổng kiểm soát triều Bến Nghé (nhà đầu tư là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547) được thực hiện theo hình thức BT, khởi công từ tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018. Tuy nhiên, sau đó dự án này phải ngưng thi công 10 tháng do nhiều vướng mắc liên quan đến việc tái cấp vốn.

Dự án tái khởi động tháng 2/2019, Trung Nam BT 1547 cam kết hoàn thành dự án vào cuối năm 2019, đưa vào vận hành trong quý I/2020 nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2019. Khi đó, lãnh đạo các quận, huyện đã cam kết với UBND TP.HCM sẽ giao mặt bằng sạch trước ngày 30/6/2019, nhưng dự án vẫn chưa thể tiếp tục do có quá nhiều vướng mắc, tới mức hồi cuối năm 2020, Trung Nam BT 1547 đã có văn bản gửi UBND TP.HCM xin trả lại dự án bởi những vướng mắc từ phía chính quyền đã khiến nhà đầu tư thiệt hại về hiệu quả kinh doanh, tài chính, uy tín...

Sau 7 năm với 3 lần tạm dừng, mới đây, cơ quan chức năng cho hay, dự án đang được UBND TP.HCM cố gắng gỡ vướng, để công trình sẽ về đích trong năm 2023.

Với quá nhiều dự án chậm tiến độ, dù cơ quan chức năng đã cố gắng, nhưng thời điểm hoàn thành các đại dự án vẫn “mù mịt”, khiến dự án tuyến buýt đường thủy số 2 cũng trễ hạn kiểu domino theo là vậy.

Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Thành phố có hơn 900 km đường thủy, tương đương 50% mạng lưới đường bộ. Hệ thống sông, rạch cũng kết nối nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, cả giao thông và du lịch đường thủy trên địa bàn phát triển chưa tương xứng. 74 bến thủy nội địa phục vụ hành khách của Thành phố chỉ mang tính tạm thời, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Lượng khách du lịch đi bằng đường biển ngày càng tăng và tâm lý du khách ngày càng thích những tàu lớn, nhưng TP.HCM vẫn chưa thật sự có một bến cảng phù hợp, tầm cỡ phục vụ khách du lịch quốc tế, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ gần khu vực bến tàu nhằm thu hút khách tham quan, mua sắm để tăng chi tiêu của du khách. Hiện tại, chỉ có cảng Sài Gòn tiếp nhận tàu khách, các cảng khác hầu hết là cảng hàng hóa.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục