“BĐS 10 năm nữa mới hưng thịnh”

Đó là nhận định của TS. Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hồng Kông và Thượng Hải về thị trường bất động sản Việt Nam.
TS. Alan Phan TS. Alan Phan

Theo TS. Alan Phan, thị trường bất động sản xưa nay vốn có hai vấn đề cốt lõi, một là vấn đề về luật cung cầu, nếu cung ít, cầu nhiều thì tác động đến giá bán. Phần thứ hai là giá trị thật của nó, tức là dựa trên thu nhập của người dân. Bất động sản vốn phức tạp, có rất nhiều phân khúc. Mấy năm trước chỉ có nguồn cung cao cấp khá dồi dào, trong khi người dân vẫn thu nhập thấp là chủ yếu. Trước đây chỉ có các nhà đầu tư thứ cấp ôm vào. Giờ họ không ôm nổi nữa lại càng khiến cung dư thừa nhiều, giá giảm là điều tất yếu.

Trong khi ở phân khúc bình dân, cầu cao nhưng cung gần như không có. Ở Malaysia , họ xây căn hộ 100 m2 bán khoảng 500 triệu đồng là rất phổ biến. Nhưng ở ta, do chi phí xây dựng, chi phí đất đai... quá cao nên xây căn hộ giá rẻ là không thể làm được.

Nếu so sánh giá trị thực của bất động sản với thu nhập của người dân, hiện giá bất động sản trung bình ở Việt Nam gấp khoảng 25 lần thu nhập, trong khi ở Thái Lan là 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần... Khi giá quá cao, thì đó là hiện tượng bong bóng và bong bóng sẽ nổ vì không ai có thể chịu đựng nổi.

Tất cả mọi yếu tố trên cho thấy, bất động sản sau một thời gian trầm lắng, nó sẽ tới một giai đoạn phải giải quyết vào cuối năm nay, có thể nó sẽ rẽ sang một đường khác. Trong bối cảnh đó, nếu người nào biết nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ tốt thì có thể có lợi.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi với TS. Alan Phan.

Có ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản tồn tại những nghịch lý nói trên là do có sự chi phối của một nhóm lợi ích nào đó?

Đương nhiên là nó chịu chi phối của một nhóm đầu cơ nhất định. Thực tế thì họ đã làm rồi, vì thị trường non trẻ nên rất dễ để người ta lợi dụng để trục lợi. Giá nhà đất đã được thổi lên khá cao trong mấy năm qua. Ngay trước khi có tin Hà Tây nhập vào Hà Nội thì thiên hạ đã gặt được khá nhiều điều từ tin đó. Nhưng một bộ phận không nhỏ này hiện nay đã hết tiền, không còn cơ hội để đầu cơ nữa, nên cuối năm nay sẽ phải thay đổi.

Trong một bài viết mới đây, ông có nói thị trường bất động sản có thể “thoát hiểm” với chính sách đất đai mới. Cơ sở của nhận định này là gì?

Thoát hiểm ở đây có nghĩa là, nếu có một luật đất đai mới, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà, đất đai, bỏ hộ khẩu... thì nó sẽ kích cầu được một phần, thu hút được một lượng tiền không nhỏ vào bất động sản.

Thứ hai, hiện Chính phủ đang rất muốn đẩy cầu chứng khoán, bất động sản lên để đỡ phần nào cho ngân hàng.

Nhưng để có được một luật đất đai mới cũng rất khó khăn. Theo tôi, cơ hội để thị trường không tụt giảm nữa, dân tin và sẽ mua thêm chỉ dưới 50%.

Nhưng nếu chính sách “thoáng” quá thì thị trường lại quay lại sốt nóng, khó kiểm soát?

Tôi cho rằng, không thể sốt nóng được nữa, vì với tình trạng kinh tế suy thoái như hiện nay, nếu nó đứng yên được thì cũng đã là khó khăn và may mắn rồi.

Còn ở cả góc độ quản lý cũng không phải băn khoăn gì, vì đây là một thị trường quá lớn, nó chịu chi phối, quản lý của nhiều cơ quan, bộ, ngành khác nhau.

Ông nhìn nhận thế nào về động thái hạ lãi suất của ngân hàng vừa qua, nó tác động đến thị trường bất động sản thế nào?

Vấn đề giảm lãi suất cũng là một cố gắng của Chính phủ trong việc kích cầu bất động sản. Nó sẽ có ảnh hưởng đến thị trường, nhưng cũng không nhiều. Vì thực thế hiện người dân, doanh nghiệp vẫn đang thiếu tiền, suy sụp, người ta vẫn phải lo ăn uống, tồn tại của doanh nghiệp trước, chưa thể vung tiền cho bất động sản được.

Những động thái của Chính phủ sẽ gây ra động thái tâm lý tốt, có thể có tác dụng trong vài ba tháng tới nhưng sang năm thì nó lại vô hiệu.

Bởi những chính sách đó giống như một người uống thuốc giảm đau, cơn đau sẽ cắt trong vòng vài tiếng đồng hồ nhưng ngày hôm sau sẽ đau trở lại, buộc phải uống thêm. Nhưng thực tế là thuốc không thể uống hoài được.

Thị trường bất động sản hiện vẫn tồn tại mâu thuẫn khi người dân cho rằng giá vẫn cao, trong khi chủ đầu tư lại cho rằng, giá đã chạm đáy. Theo ông, làm sao giải được bài toán này?

Không nên xem đó là bài toán cần giải quyết mà nên xem đó là định luật của thị trường. Nếu làm ăn đúng thời điểm, cơ hội thì kiếm nhiều lợi nhuận. Giờ thị trường khó khăn, bước sang một chu kỳ mới nếu rút ra không kịp thì đương nhiên phải mất tiền. Còn ở tầm vĩ mô, đó là một cơ hội cho người dân co cơ hội mua nhà giá rẻ.

Nhưng nếu không giải cứu bất động sản, rất có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác vì bất động sản vốn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế?

Thế giới họ đánh giá nền kinh tế Mỹ mạnh hay yếu có phải do bất động sản Mỹ đâu. Hiệu quả nền kinh tế dựa trên nhiều yếu tố, từ hiệu năng sản xuất, GDP, thu nhập người dân...

Nếu có tiền, ông có bỏ vào bất động sản lúc này?

Tôi sẽ không làm điều đó, dù có người nghĩ đó là động thái đúng, có thể làm nóng lại thị trường. Tôi tin là thị trường còn tiếp tục đi xuống nữa, vì giá trị thực và giá cung cầu vẫn chưa ăn khớp nhau.

Nếu nhà đầu tư mua bất động sản rồi giữ lại trong vòng 20 năm thì sẽ có lời. Nhưng nếu mua rồi bán lại trong vòng 3 - 5 năm thì không nên làm. Tốt hơn là nên giữ tiền hoặc đầu tư vào hướng khác.

Vừa qua, một số người có chào tôi dự án bất động sản nhưng tôi thấy giá đó chưa phù hợp, vì theo tôi, thị trường khoảng 10 năm nữa mới bắt đầu hưng thịnh thực sự.

Kinh nghiệm ở Thái Lan, Mỹ... cho thấy, một chu kỳ của bất động sản phải mất 7 - 8 năm để thay đổi, để tạo một mặt bằng mới. Bất động sản chúng ta dù khó khăn vài năm nay nhưng theo tôi vẫn chưa chạm đáy. Nó phải xuống đáy đã rồi mới từ từ đi lên.

Hiện giới đầu tư, đầu cơ lướt sóng bất động sản vẫn còn vướng rất nhiều dư vị đắng cay của vài năm qua nên dường như chưa mấy ai nhảy vào.


VnEconomy

Tin cùng chuyên mục