Trong điều kiện kinh tế ổn định, mỗi đợt giá toàn thị trường sụt giảm, nhà đầu tư đón mua cổ phiếu mục tiêu ở mức giá tương ứng với chỉ số P/E thấp hơn so với chỉ số P/E của toàn thị trường hoặc khi so sánh với chỉ số P/E của các công ty trong ngành. Nhưng bài học kinh nghiệm này sẽ đem lại kết quả thất bại cho nhà đầu tư trong những tháng qua.
Trước tiên là với nhóm cổ phiếu ngành thép. Vào thời điểm tháng 8, tháng 9, cổ phiếu ngành thép giảm giá và nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến cổ phiếu của DN ngành này vì nhận thấy chỉ số P/E thấp.
Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, nhà đầu tư nhận ra cuộc khủng hoảng dư thừa thép và giảm giá thép trên toàn thế giới sẽ khiến DN trong nước mất hết lợi nhuận hoặc một phần lợi nhuận kiếm được từ đầu năm. Sự sụt giảm lợi nhuận nhanh chóng vào cuối quý III của DN ngành thép khiến chỉ số P/E của cổ phiếu thép tăng vọt lên. Giá cổ phiếu lại tiếp tục giảm và nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận bán ra cắt lỗ.
Tình trạng này lặp lại ở một số ngành nguyên liệu cơ bản do chịu tác động của giảm giá đầu vào như phân bón, cao su, thậm chí cả dầu ăn.
Nhà đầu tư mua vào cổ phiếu của CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) căn cứ vào kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với hy vọng khoản lợi nhuận trong những tháng cuối năm tiếp tục làm chỉ số P/E của cổ phiếu này giảm xuống ở mức giá mua. Nhưng P/E của cổ phiếu TAC lại tăng lên do Công ty lỗ (trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho).
Hiện nay, bài học kinh nghiệm này đang diễn ra đối với cổ phiếu ngành vận tải biển. CTCP Vận tải dầu khí Shinpetrol (VSP) mặc dù khẳng định lợi nhuận trong cả năm nay gấp gần 4 lần vốn điều lệ, nhưng cổ phiếu VSP liên tục giảm giá. Lình xình ở mức giá cao trên dưới 100.000 đồng/CP, tương đương mức P/E 9 tháng đầu năm khoảng 4 lần, nhưng giá cổ phiếu VSP giảm dần xuống hơn 60.000 đồng/CP, bất chấp trong quý IV công ty này tiếp tục đạt lợi nhuận cao.
Cách đây 1 tháng, một CTCK ra báo cáo thị trường, khuyên nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu của ngành vận tải biển do chỉ số P/E thấp, nhưng trên thực tế giá cổ phiếu của các công ty vận tải biển tiếp tục sụt giảm do thông tin về giảm giá thuê tàu và sản lượng hàng hóa xuất nhập trên toàn thế giới và Việt Nam.
Trong những trường hợp trên, chỉ số P/E thấp của cổ phiếu không phải là cơ hội, mà là cái bẫy với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường lại bắt đầu cho thấy tín hiệu ngược lại. Gần kết thúc năm 2008, một số DN ngành thép đã trích lập dự phòng đầy đủ cho hàng tồn kho giảm giá và đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho. Giá thép trên thị trường bắt đầu tăng trở lại và các giải pháp kích cầu có khả năng hỗ trợ thị trường tiêu thụ thép. Trong khi đó, một số cổ phiếu DN thép vẫn tiếp tục duy trì ở mức P/E thấp. Nếu tình hình thị trường ngành thép tốt dần lên và kinh tế ổn định lại thì cổ phiếu ngành thép sẽ đem lại cơ hội cho nhà đầu tư.
Khả năng này cũng được đánh giá cao với cổ phiếu ngành phân bón và cao su, mặc dù ngành cao su phải mất thời gian dài hơn để phục hồi.
Xét cụ thể từng DN, nhìn chung trên thị trường, cổ phiếu nhiều DN có mức giảm giá đã rất lớn, tương ứng P/E chỉ 3 đến 4 lần, song cho dù các DN này không nằm trong nhóm ngành bị rủi ro do suy thoái kinh tế toàn cầu thì P/E thấp tiếp tục là cái bẫy. Bởi chỉ số P/E là đánh giá quá khứ của DN, còn thị trường hiện quan tâm đến tương lai của DN, đặc biệt năm 2009 được dự báo là đầy khó khăn.