Bất ổn có bào mòn sức khỏe doanh nghiệp?

(ĐTCK) Năm 2018 là một năm thắng lớn của nhiều doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, nhưng sang năm 2019 thì khác. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức, khó khăn, thậm chí bất ổn trước các biến động toàn cầu. 
Bất ổn có bào mòn sức khỏe doanh nghiệp?

Khi thế giới trở nên bất thường và bấp bênh…

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng nóng lên khi cả hai bên liên tục ra thông điệp và áp thuế lẫn nhau, tạo ra sự hỗn loạn trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nhiều công ty sản xuất lớn tại Trung Quốc đã phải tìm cách dịch chuyển địa điểm sản xuất.

Về phía Mỹ, mặc dù đều thừa nhận tác động từ thuế quan chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của hai nước, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đưa ra mục tiêu tăng lãi suất trong năm nay.

Cả hai yếu tố trên cùng không ít yếu tố khác như Brexit khiến cho nền thế giới trở nên bấp bênh, khó đoán định hơn bao giờ hết.

Rất nhiều quốc gia ngay từ đầu năm đã đưa ra những kế hoạch tăng trưởng GDP thận trọng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, mục tiêu tăng trưởng năm 2019 là 6,6 - 6,8% so với mức 7,08% đạt được năm 2018.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được siết lại ở mức 12 - 14% so với mức tăng bình quân hàng năm 17%. Do đó, không khó để lý giải các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh thận trọng, hạ thấp mục tiêu lợi nhuận trong năm này.

Tác động chủ yếu từ chiến tranh thương mại khiến tăng trưởng của cả hai nền kinh tế Mỹ - Trung 6 tháng đầu năm 2019 chao đảo và giảm sút.

Bất ổn có bào mòn sức khỏe doanh nghiệp? ảnh 1

Ảnh Shutterstock

GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2018, tăng 3,1% trong quý II, cao hơn mức dự báo của giới phân tích là 1,8 - 2%, nhưng đây là mức tăng yếu nhất của kinh tế Mỹ kể từ quý I/2017 - thời điểm Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.

Ở tuyến bên kia của cuộc thương chiến, kết quả cũng không khả quan hơn. Tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc chỉ là 6,2%, thấp nhất kể từ quý I/1992.

Chính phủ nước này đã phải sử dụng nhiều biện pháp kích thích nền kinh tế, như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm thuế thu nhập, nhưng không ngăn nổi sự giảm sút của nền kinh tế. Chỉ số PMI giảm 3 tháng liên tiếp và đứng dưới ngưỡng 50 điểm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 7/2019 dự báo, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm 2019 và 1,9% trong năm 2020, so với mức tăng xấp xỉ 3% đạt được trong năm 2018.

IMF nhận định, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với thời kỳ “bất trắc cao” khi 70% nền kinh tế trên thế giới rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại. Vì thế, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo còn 3,2% trong năm 2019, từ mức dự báo tăng 3,3% đưa ra hồi tháng 4.

Ngoài việc áp đặt thuế quan lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, Mỹ cũng đã rà soát toàn bộ những nước có thặng dư thương mại lớn. Việt Nam nằm trong diện rà soát này, khiến Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Trước những khó khăn và phức tạp của bối cảnh kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam chỉ đạt 6,76%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%); tăng trưởng xuất khẩu đạt 7,3%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2017 - 2018 (lần lượt là 19,4% và 16,4%), nhưng không nằm ngoài kế hoạch, tức kết quả đã được dự liệu từ đầu năm.

Bất ổn ngấm vào doanh nghiệp niêm yết

Theo Công ty Chứng khoán SSI, tổng quan toàn thị trường chứng khoán, lợi nhuận của các doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,31%, thấp hơn nhiều mức tăng cùng kỳ năm ngoái và có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành.

Một số ngành có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao so với cùng kỳ là bất động sản (37,8%), viễn thông (579,3%), bán lẻ (30%), ngân hàng (18,2%).

Một số nhóm ngành được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến tranh thương mại khi mà nhiều doanh nghiệp đang sản xuất tại Trung Quốc buộc phải di chuyển nhà máy sang quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Các khu công nghiệp tại Việt Nam trở nên đông người khi nhiều công ty sản xuất lớn trên thế giới như FOXCON, LG, Goertek… quyết định đặt trụ sở sản xuất tại Việt Nam.

Chính điều này giúp cho những công ty kinh doanh bất động sản công nghiệp như Becamex, SIP, KBC, D2D, SZL, Long Hậu, NTC... được hưởng lợi, ghi nhận kết quả kinh doanh nhiều điểm sáng.

6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu nhóm bất động sản khu công nghiệp đạt 10.972 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.936 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu thuê đất tăng cao đã đẩy giá đất trung bình trong quý II lên mức 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, có khá nhiều ngành, doanh nghiệp phải ghi nhận mức tăng trưởng âm như tài nguyên cơ bản (-33%), dầu khí (-31%), dịch vụ tài chính (-34%), hóa chất (-47%)...

Nhà đầu tư nên có cái nhìn động và linh hoạt ứng xử

Quý cuối năm 2019, thế giới tiếp tục chứng kiến những điều chưa từng diễn ra trong lịch sử khi hàng loạt quốc gia đã và đang công bố thay đổi chính sách tiền tệ.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngấm vào nhiều nền kinh tế, khiến nhiều quốc gia phải ghi nhận tăng trưởng giảm. Từ những dự định nâng lãi suất hồi đầu năm, giờ đây nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới liên tiếp công bố hạ lãi suất.

Chẳng hạn, ECB hạ lãi suất tiền gửi xuống thấp kỷ lục, từ -0,4% xuống -0,5%. Cơ quan này cũng sẽ bắt đầu mua lại trái phiếu với quy mô 20 tỷ Euro một tháng, bắt đầu từ tháng 11 năm nay. Fed đã chính thức hạ thêm 0,25% lãi suất, xuống còn 2%...

Ðiều này hẳn nhiên buộc Việt Nam phải có sự thay đổi để thích ứng cùng với thế giới.

Bất ổn có bào mòn sức khỏe doanh nghiệp? ảnh 2

Ảnh Shutterstock

VND đã tăng giá nhiều so với các đồng tiền khác trong khu vực kể từ năm ngoái đến nay, có tác động đến hoạt động xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành: lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm.

Tuy nhiên, đây chỉ là động thái mang tính thăm dò, trong thời gian tới, cơ quan này có thể sẽ có thêm những hành động khác để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Từ góc nhìn này có thể thấy, ngành ngân hàng sẽ có thêm nhiều cơ hội nếu tiến trình hạ lãi suất tiếp diễn cùng khả năng cao Ngân hàng Nhà nước sẽ nới thêm tín dụng cho một số ngân hàng “khỏe”.

Nửa đầu năm 2019, các ngân hàng chịu tác động mạnh bởi những quan ngại về nợ xấu, về tăng trưởng tín dụng, nhưng nhiều ngân hàng đã vượt qua áp lực, giữ vững kết quả ấn tượng.

Một ngành khác cũng có cơ hội sáng cuối năm là dầu khí. Ngành này dường như đã tái cấu trúc xong tương đối toàn diện bộ máy lãnh đạo cấp cao và với những người lãnh đạo mới, có tham vọng và có tầm nhìn mới, ngành dầu khí có thêm cơ hội để trở lại với sức mạnh vốn có, vừa phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế của đất nước.

Ngành điện cũng là ngành có nhiều cơ hội tăng trưởng trong tương lai. Bộ Công thương dự báo, nhu cầu điện sẽ gia tăng mạnh trong giai đoạn từ 2019-2025, trong đó giai đoạn 2020-2023 là rất lớn. Ðây sẽ là ngành có thể sẽ được nhắc đến nhiều trong thời gian tới.

Thế giới đang thay đổi và sự thay đổi này đang ngấm sâu hơn vào doanh nghiệp Việt Nam.

Trong môi trường kinh doanh biến động và khó lường như hiện nay, để đưa ra dự báo là câu chuyện rất khó khăn, cả với tầm vĩ mô và vi mô. Do đó, nhà đầu tư nên có cái nhìn động và linh hoạt với bối cảnh.

Có thể chỉ vì một yếu tố tác động sẽ khiến cho cả ngành chịu tác động. Nếu chỉ nhìn bề ngoài sẽ dễ thấy, nửa đầu năm nay ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của ngành dệt may (10,8%), đồ gỗ (18,8%), cao su, nhựa (17,5%), nhưng ẩn phía sau sự tăng trưởng đó có những mối lo ngại, khó lường.

Nguyễn Hữu Bình

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục