Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức ngày 15/5.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, hiện nay, vấn đề tăng “khả năng chống chịu” của nền kinh tế Việt Nam trở nên ngày càng quan trọng trước thực tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế qui mô nhỏ nhưng có độ mở lớn, còn nhiều vấn đề nội tại cần xử lý và ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước các biến động, cú sốc từ bên ngoài.
Hiện nay, độ mở của nền kinh tế Việt Nam đã lên tới trên 200%, phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu và thu hút vốn FDI, trong bối cảnh hiện nay rủi ro bên ngoài rất nhiều.
"Dù nội tại, thể lực của kinh tế Việt Nam có tốt lên nhưng cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết căn cơ, tận gốc”, chuyên gia này phân tích.
Toàn cảnh Hội nghị
Dẫn chứng hàng loạt vấn đề, ông Lực cho rằng, các nhà quản lý của Việt Nam cần khắc phục như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam còn chậm, tiềm ẩn rủi ro đối với một số cán cân vĩ mô, đặc biệt nợ công và nợ nước ngoài đã giảm nhưng có thể vượt ngưỡng nếu không khéo điều hành; kinh doanh luôn tiềm ẩn rủi ro, vấn đề là chấp nhận rủi ro và kiểm soát rủi ro.
Với thực lực còn yếu của nền kinh tế và các rủi ro, thách thức trong và ngoài nước luôn tiềm ẩn, trong trường hợp có một cú sốc lớn xảy ra, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn như lạm phát có thể tăng nhanh, thị trường tài chính - tiền tệ biến động mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài xoay chuyển mạnh, hoạt động của doanh nghiệp bị tác động mạnh, chuỗi cung ứng gián đoạn….
Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại thế giới đang phức tạp, Việt Nam cần tăng khả năng chống chọi với cú sốc bên ngoài như cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có tác động lớn đến Việt Nam.
Trong điều kiện này, ông Lực dẫn khuyến cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, nếu Việt Nam không xây dựng, sử dụng kịp thời các chính sách để hạn chế, xử lý rủi ro và củng cố các “bộ đệm” phù hợp thì khả năng chống chịu rủi ro và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung dài hạn sẽ ngày càng bị hạn chế.
Nhìn ở góc độ vi mô, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng là một thành tố góp phần nầng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế.
Theo đó, để có thể phát triển mạnh và tăng năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp phải chủ động tham gia và có đóng góp tích cực vào chuỗi giá trị. Đăc biệt, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh, ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị cho sản phẩm.
Tuy nhiên, trong vai trò "bà đỡ" dẫn dắt và tạo điều kiện nền tảng để doanh nghiệp phát triển, sự đồng hành liên kết của nhà nước hết sức quan trọng.
Để làm tốt việc này, ông Kiên khuyến nghị cần tăng tính liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để các cơ quan chức năng hiểu rõ hơn các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải, qua đó hỗ trợ hoặc tạo khung pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, các doanh nghiệp phải tăng cường sự chia sẻ, cập nhập thông tin trao đổi với nhau.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh, cần có chính sách phù hợp để giúp nâng cao thể trạng sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam và gia nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Dẫn Báo cáo triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy, hiện nay, mới chỉ có 21% các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia…, ông Huân cho rằng, cần có những chính sách hợp lý thúc đẩy ổn định kinh tế, nâng cao cạnh tranh doanh nghiệp, từ đó mới nâng cao được năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế trước các rủi ro và cú sốc bên ngoài.
Khuyến nghị về các hành động từ phía doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực cho rằng, để có sự chuẩn bị tốt nhất, các doanh nghiệp cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón nhận cũng như ứng phó tốt trước các thuận lợi, thách thức đem lại như chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực hội nhập.
Đặc biệt, tăng khả năng chống chịu đối với cú sốc bên ngoài của bản thân doanh nghiệp thông qua nâng cao năng lực quản trị, vốn, cấu trúc vốn và đòn bẩy tài chính; chủ động tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính; chủ động nắm bắt tính chu kỳ của nền kinh tế và của từng ngành nghề sản xuất, kinh doanh cụ thể cũng như diễn biến thị trường hàng hoá, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước, quốc tế và xây dựng những phương án dự phòng và kịch bản ứng phó khi cú sốc xảy ra.
Để đảm bảo ổn định kinh tế và nâng cao cạnh tranh doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia tại hội nghị cho rằng, các cơ quan quản lý cần theo dõi sát sao, đánh giá tác động của những diễn biến căng thẳng thương mại, tình hình địa chính trị thế giới; chủ động da dạng hóa quan hệ với các thị trường mới, tập trung cải cách nổi tại và phát triển thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách; thúc đẩy tăng năng suất lao động; chủ động tiếp cận áp dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…