Bất ổn chính trị tại Washington khiến chứng khoán đảo chiều

(ĐTCK) Đồng USD và chứng khoán giảm sau thông tin cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ thông tin tình báo nhạy cảm cho các quan chức cao cấp Nga trong cuộc gặp tuần trước tại Nhà trắng. Trong khi đó, giá vàng lại được hưởng lợi để bứt tăng khá mạnh.

Phố Wall có khởi đầu phiên thứ Ba khá tích cực khi cả 3 chỉ số đều lên mức cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, dữ liệu nhà ở thấp hơn dự kiến và những lùm xùm xung quanh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ thông tin nhảy cảm cho phía Nga khiến thị trường đảo chiều. Trong đó, Dow Jones và S&P 500 về sát dưới mức tham chiếu, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn là bệ đỡ để Nasdaq duy trì đà tăng và thiết lập mức cao kỷ lục mới.

Những lùm xùm xung quanh việc ông Trump tiết lộ các thông tin tình báo nhạy cảm với Ngoại trưởng Nga trong cuộc gặp tại Nhà trắng tuần trước làm cho khả năng việc thông qua các chính sách, gồm cả chính sách kinh tế của ông Trump sẽ trở nên khó khăn hơn và đó là lý do khiến giới đầu tư trở nên thận trọng trong phiên giao dịch thứ Ba.

Kết thúc phiên 16/5, chỉ số Dow Jones giảm 2,19 điểm (-0,01%), xuống 20.979,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,65 điểm (-0,07%), xuống 2.400,67 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 20,20 điểm (+0,33%), lên 6.169,87 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng đa số điều chỉnh trở lại từ mức cao mới do kết quả kinh doanh thất vọng của dược phẩm và sự sụt giảm của cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ số FTSE 100 tại Anh lại lên mức cao kỷ lục mới nhờ triển vọng lợi nhuận khả quan của Vodafone.

Kết thúc phiên 16/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 67,66 điểm (+0,91%), lên 7.522,03 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 2,51 điểm (-0,02%), xuống 12.804,53 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 11,30 điểm (-0,21%), xuống 5.406,10 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba khi các yếu tố khiến đồng yên tăng mạnh đã có dấu hiệu suy giảm, trong khi tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi đà tăng mạnh của chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đã đảo chiều giảm nhẹ sau chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp và lên mức cao nhất 21 tháng khi nhóm cổ phiếu bất động sản của doanh nghiệp Trung Quốc đại lục giảm do lo ngại về khả năng sẽ chịu sự quản lý về tài sản bất động sản của Chính phủ Trung Quốc.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn duy trì đà tăng tốt sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bơm thêm tiền vào hệ thống để cải thiện thanh khoản.

Kết thúc phiên 16/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 49,97 điểm (+0,25%), lên 19.919,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 35,65 điểm (-0,14%), xuống 25.355,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,74 điểm (+0,74%), lên 3.112,96 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường vàng, việc đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đã hỗ trợ tích cực để vàng duy trì đà tăng giá trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 16/5, giá vàng giao ngay tăng 6,3 USD (+0,51%), lên 1.236,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 6,4 USD (+0,52%), lên 1.236,4 USD/ounce.

Giá dầu thô hạ nhiệt trở lại sau chuỗi tăng mạnh trước đó sau khi Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố dữ liệu cho thấy kho dự trữ của Mỹ tuần trước tăng hơn dự kiến. Thông tin này khiến giới đầu tư thận trọng trở lại sau thời gian hứng khởi với thỏa thuận kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng của Nga và Ả Rập Xê út.

Kết thúc phiên 16/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,18 USD/thùng (-0,37%), xuống 48,67 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,17 USD (-0,33%), xuống 51,65 USD/thùng. 

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục